Hà Nội "phố cũng như sông", dịch vụ chở người bằng xe bò kiếm bộn tiền
(Dân trí) - Di chuyển từ trong thôn đi ra, bà Lan choáng váng khi thấy trước mặt là một biển nước mênh mông. Bà buộc phải thuê xe ba gác chở mình qua đoạn ngập với giá 30.000 đồng.
Do ảnh hưởng của cơn mưa nặng hạt đêm 22 rạng sáng 23/5, tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long và nhiều tuyến đường ở khu vực Hoài Đức, Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng nặng.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, đến 14h, nhiều điểm giao cắt với trục đường Lê Trọng Tấn vẫn ở trong tình trạng ngập sâu, gây khó khăn cho người và phương tiện di chuyển.
Đặc biệt, tại khu vực cổng chào Khu đô thị Nam An Khánh, đa phần chỉ có những loại xe tải, xe ô tô gầm cao, xe trộn bê tông mới dám di chuyển qua khu vực này. Còn người và chủ các phương tiện xe máy nếu không muốn rơi vào cảnh chết máy thì buộc phải thuê xe ba gác, xe đẩy qua điểm ngập.
Bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi) sinh sống ở xã An Khánh dự định lên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) thăm con gái nên buộc phải di chuyển qua nút giao này.
Di chuyển từ trong thôn đi ra, bà choáng váng khi thấy trước mặt là một biển nước mênh mông. Nhìn số rau quả, thịt cá đã chuẩn bị sẵn để lên "tiếp tế" cho con bà lo lắng chẳng lẽ phải quay về.
Tuy nhiên, ngay lúc đó bà được hai người đàn ông tiếp thị dịch vụ chở cả người và xe qua đoạn ngập với giá 30.000 đồng, bà Lan không đắn đo đồng ý ngay.
"Đi một đoạn chừng 30m, các chú ấy lấy 30.000 đồng. Nhưng thôi cũng là may còn đi được. Tôi chuẩn bị đồ ăn cho con từ hôm qua đến sáng nay, nên bắt buộc phải mang lên cho con trong ngày", bà Lan nói.
Cũng di chuyển qua điểm ngập bằng một chiếc xe đẩy nhưng chị Đỗ Thúy Hằng (nhân viên kinh doanh) phải trả số tiền 40.000 đồng.
Chị Hằng cho biết mình không mặc cả nhiều vì chị bắt buộc phải đi qua điểm ngập này để về nhà ở Tây Tựu, Bắc Từ Liêm.
"Tình trạng ngập úng còn kéo dài vì trời vẫn mưa nhiều, tôi không thể đứng chờ cho nước rút, cũng không dám phi xe qua phần vì sợ ngã, phần vì sợ xe hỏng", chị Hằng chia sẻ.
Có mặt tại "điểm nóng" ngập úng này từ sáng sớm, anh Hải - một lao động tự do đã dùng chiếc xe ba gác thường ngày dùng chở cây cảnh thuê để chở người qua "con sông" bất đắc dĩ này. Người đàn ông này cho biết, chi phí chở người là 10.000 đồng, chở cả xe và người là 30.000 đồng.
Theo quan sát của PV Dân trí, có khoảng 5-6 nhóm đang nhận chở người qua điểm ngập. Họ làm việc theo từng cặp, một người đi trước kéo xe, một người đi bên cạnh giữ xe, giữ người và đẩy chiếc xe ba gác đi thật nhanh.
Chỉ trong khoảng 10 phút, những nhóm này đã chở được khoảng gần chục người khách qua điểm ngập và nhận tiền công "nóng".
Một số người dân không lựa chọn dịch vụ xe đẩy, xe kéo khi điều khiển xe qua điểm ngập, chiếc xe đã bị chết máy. Ngay ở giữa hai làn đường đã có hai người đàn ông "mở" sẵn dịch vụ sấy bugi, ống xả.
Một thợ sửa xe sinh sống ở thôn Ngãi Cầu (An Khánh) cho biết, sáng cùng ngày thấy mưa lớn nên ông đã cùng một người anh em mang đồ nghề ra khu vực cổng chào An Khánh. Khi hỏi ông có ước lượng được từ sáng đến trưa đã sửa cho bao nhiêu chiếc xe không, người đàn ông này lắc đầu nói mình không nhớ nổi.
"Xe chết máy rất nhiều. Chúng tôi tháo ống xả, tháo bugi, kích điện… Chi phí hỗ trợ khắc phục để mỗi chiếc xe nổ máy được khoảng 30.000 đồng. Chúng tôi vừa tranh thủ làm việc, vừa giúp mọi người chứ không chặt chém gì cả", thợ sửa xe này nói.
Các biệt thự liền kề dọc khu vực Lê Trọng Tấn cũng rơi vào tình trạng ngập úng nặng. Những biệt thự này đa số đang được cho thuê để kinh doanh, mở quán karaoke, làm chi nhánh ngân hàng, trường học…
Khu vực để xe của các biệt thự này bị ngập sâu, mặt nước cách trần chỉ chừng 20cm- 30cm. Nhiều xe máy, xe ô tô bị chìm trong biển nước. Chủ nhân của một chiếc xe X-pander đã phải gọi xe cứu hộ để kéo chiếc xe của mình từ dưới hầm để xe của một căn biệt thự lên.
Hiện tại, tình trạng mưa lớn chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại khu vực này. Người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, đi làm, đi học. Nhiều trẻ em đã phải nghỉ học, người lớn xin nghỉ làm hoặc làm việc online vì không thể đến cơ quan, công sở.