Hà Nội: Đảo lộn sinh hoạt vì khổ sở xếp hàng mua xăng từ nửa đêm
(Dân trí) - Nhiều người Hà Nội kiên nhẫn xếp hàng xuyên đêm, chấp nhận cuộc sống bị đảo lộn trong bối cảnh khó đổ xăng.
Xếp hàng xuyên đêm chờ đổ xăng
Nhìn dòng người xếp hàng dài tràn xuống lòng đường ở cả 3 cây xăng gần nhà, Quỳnh An (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bất lực nhờ một người bạn sống ở quận Long Biên mua hộ một can xăng giá 85.000 đồng.
"Hà Nội những ngày này dù có tiền cũng rất khó mua được xăng", chị thở dài, ngán ngẩm nhìn vạch bình xăng xe máy đã chạm đáy.
Thấy người bạn đưa can xăng đến, chị An mừng rỡ, nhờ bảo vệ công ty hỗ trợ đổ xăng vào xe bằng cách sử dụng một chiếc túi bóng cứng uốn cong thành phễu.
"Suýt thì phải dắt bộ xe máy 12km từ cơ quan về nhà", chị nói, hài hước nghĩ đến cảnh "phải xin nghỉ học cho con vì xe hết xăng", chưa kể ảnh hưởng công việc đòi hỏi di chuyển nhiều.
Gần 12 giờ đêm qua, nghĩ rằng các cây xăng sẽ thưa thớt, chị không ngờ hàng người vẫn kiên nhẫn rồng rắn đợi đến lượt. 10h sáng hôm sau, vẫn suy nghĩ "lúc này mọi người đã đi làm, các cây xăng sẽ vắng hơn", người phụ nữ một lần nữa "choáng váng" trước cảnh tượng đông đúc, kiên nhẫn đợi gần một tiếng vẫn không thể đổ xăng đành bất lực bỏ về.
"Nhiều người bạn rủ mua xăng tích trữ trong nhà nhưng tôi không đồng tình, vì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ", chị nói.
Từng ám ảnh lần dắt bộ xe máy hết xăng dọc con đường Thụy Khuê dài 3km hồi sinh viên năm 2, Ngọc Thảo (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã duy trì thói quen đổ đầy bình dù lượng xăng chỉ mới giảm một vạch.
Nhiều ngày qua, trước tình cảnh người dân xếp hàng đông đúc chờ đổ xăng, Ngọc Thảo đã vạch sẵn "chiến lược" tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc tối muộn, chọn những cây xăng nhỏ, xa trung tâm, nhưng vẫn không thể thoát khỏi thực trạng chung.
"11 giờ tối qua, tôi đi từ nhà bạn ở Nguyễn Trãi về Cầu Giấy, qua hai cây xăng dọc đường Láng bất ngờ nhìn dòng người xếp hàng dài vài chục mét, vượt khỏi vị trí quy định mà tràn xuống lòng đường, lo ngại tai nạn giao thông", Thảo nhớ lại.
Dù là người cẩn thận, song chuyện khó đổ xăng cũng khiến cuộc sống của Thảo bị ảnh hưởng. Cô hạn chế đi chơi dù rất thích lượn lờ phố xá cùng bạn bè, tập đi bộ thay vì sử dụng xe máy cho những quãng đường ngắn.
"Nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ chuyển sang xe máy điện, nhưng phải tính toán chi tiêu hợp lý như bán xe máy xăng, vì không đủ điều kiện sử dụng song song hai loại phương tiện", Thảo chia sẻ.
Đảo lộn sinh hoạt vì lo xếp hàng mua xăng
Gần 12 giờ đêm, anh Nguyễn Bình (30 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) xếp hàng chờ đổ xăng trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi đi qua 5 cây xăng từ Hà Đông sang Cầu Giấy nhưng không đủ kiên nhẫn đợi.
Anh kể, ngày trước, sau 11 giờ đêm, các cây xăng ở Hà Nội đều vắng vẻ, khách hàng chủ yếu là những người làm việc đêm.
"Thời điểm đó, tôi chỉ mất vài phút đổ đầy bình, nhưng giờ đây, nhanh nhất cũng phải chờ 15 phút", nam tài xế nói.
Thanh Hương (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) trung bình 5 ngày đổ xăng một lần. Hai tuần trở lại đây, những cây xăng xung quanh nhà cô đều trong tình trạng quá tải, người dân xếp hàng dài ra lòng đường bất kể sáng sớm hay tối muộn, đợi ít nhất 20 - 30 phút.
Trong vài lần xếp hàng, Hương bực mình vì bị người đằng sau chen ngang. Cô cũng thừa nhận cuộc sống bị xáo trộn vì khó đổ xăng. Có lần, dù bình xăng đã cạn, cô vẫn cố phi xe máy về nhà nhưng chỉ mới được một nửa chặng đường đã phải dắt bộ hơn 1km.
"Thậm chí nhiều hôm vì cố đứng đợi đổ xăng mà đi làm muộn", Hương ngán ngẩm, cho hay sẽ tính đến phương án đi làm bằng phương tiện khác như xe đạp hoặc xe buýt, tàu điện.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quân (30 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) dường như nằm ngoài "cuộc chiến đổ xăng" quay cuồng thời gian qua.
"Các cây xăng nơi tôi sinh sống đều không xảy ra tình trạng xếp hàng như khu trung tâm. Mỗi lần định đổ xăng mà thấy cảnh đông đúc ở các quận lõi (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân,...) tôi sẽ về gần nhà đổ xăng mà không cần chờ đợi", anh nói.
Một tháng qua, anh Nguyễn Tứ (30 tuổi, TP HCM) đã quen với việc cuộc sống bị đảo lộn do khó đổ xăng. Hai ngày một lần, anh đổ xăng tối đa 50.000 đồng, mệt mỏi xếp hàng do số người quá đông nhưng lượng cây xăng còn hoạt động lại ít.
"Công việc bị ảnh hưởng khá nhiều, như đi muộn, sợ tắc đường do khó tìm cây xăng. Tôi cảm giác quá khổ sở và bất tiện", anh Tứ nói cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bị chi phối bởi việc đổ xăng, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc chuyển đổi phương tiện, bởi "xe máy tiện dụng, đáp ứng nhiều nhu cầu hơn".
Về ý kiến sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, anh Tứ cũng từng nghĩ đến, nhưng hạ tầng giao thông hiện chưa đáp ứng nên không thật sự tiện lợi với anh.
Nhân viên bán xăng làm việc 24/24 giờ vẫn bị chửi bới
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hồi đầu tháng 11 cho biết hiện nay, trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp đầu mối và gần 20 thương nhân phân phối xăng dầu.
Tính đến đầu tháng 11 lượng xăng dầu xuất bán tăng trung bình từ 35 đến gần 40% so với tháng 10.
Ngoài việc phục vụ thị trường 10 triệu dân của Hà Nội, nguồn cung của thành phố cũng phải phục vụ một số thị trường lân cận do thiếu hụt xăng. Điều này gây sức ép về nguồn cung rất lớn cho Hà Nội.
Trên thực tế, số cửa hàng có diện tích nhỏ, bể chứa nhỏ, trong khi nhu cầu phục vụ người dân tăng đột biến vào một số thời điểm, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ và phải chờ nhập về.
Do đó, thành phố đã xuất hiện tình trạng một số cây xăng treo biển "hết hàng", hạn chế lượng bán 30.000 - 50.000 đồng/xe máy, 300.000 đồng/ ô tô.
Thậm chí, các cây xăng vỉa hè cũng mọc lên như "nấm sau mưa" trên các tuyến phố. Xăng ở đây được bán với giá không kiểm soát, dao động 25.000-30.000 đồng/lít. Một số điểm bán tính giá theo chai với giá chai 1,5 lít là 50.000 đồng, chai 2 lít giá 60.000 đồng.
Hôm 8/11, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, 96 cửa hàng bán lẻ của công ty bắt đầu mở bán 24/24 đến hết ngày 13/11 nhằm phục vụ người tiêu dùng tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng khuyến nghị khách hàng lựa chọn thời gian và địa điểm mua hàng phù hợp để hỗ trợ công tác bán hàng tại cửa hàng xăng dầu bảo đảm đúng quy trình với chất lượng phục vụ tốt nhất.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 31 Petrolimex (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giờ cao điểm đổ xăng trước đây là 7 giờ sáng hoặc 4 giờ chiều, tuy nhiên hiện nay khái niệm "cao điểm" đã không còn, vì người dân liên tục đổ xăng 24/24 giờ, lượng hàng vì thế cũng tăng 30-40% so với ngày thường.
"Chúng tôi phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho người dân, tập trung 100% quân số làm việc 24/24 giờ. Hơn 10 ngày qua, chúng tôi làm việc tăng ca, không ai được nghỉ ngơi", bà Hà nói.
Bà cũng nhận định, lượng khách đông đột biến kéo theo tâm lý mua hàng cũng thay đổi. Trước đây, người dân thường mua trong các mức tiền từ 50 - 70 - 80.000 đồng, "nhưng bây giờ, ai cũng đòi mua đầy bình". Nhiều khách hàng bức xúc vì phải xếp hàng lâu nên to tiếng với nhân viên bán hàng.
"Nhiều lúc chúng tôi chưa chuẩn bị kịp tiền thừa để trả lại cho khách khiến quy trình bán hàng bị chậm lại. Người dân lại mất kiên nhẫn nên chửi bới, mà không nghĩ rằng chúng tôi đã phải phục vụ 24/24 giờ rất mệt mỏi", bà Hà cho hay.
Những tháng cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội dự báo nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng 15-20%. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường Hà Nội, Sở này khẳng định sẽ bám sát tình hình diễn biến xăng dầu trên địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để cân đối.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ, mua đủ nhu cầu sử dụng và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.