1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vì sao xăng tăng giá?

Ghi Du

(Dân trí) - Ngoài các yếu tố tác động đến giá thế giới, việc tăng chi phí đưa xăng từ nước ngoài về Việt Nam khiến giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 22 đồng/lít, xăng RON 95 thêm 149 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành ngày 11/11, giá xăng E5 RON 92 tăng 840 đồng/lít, lên 22.710 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.110 đồng/lít, lên 23.860 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của các mặt hàng nhiên liệu. Vùng giá hiện tại tương đương thời điểm cuối tháng 12/2021.

Lý giải nguyên nhân giá xăng tăng mạnh, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 1/11 đến ngày 11/11 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nhu cầu có dấu hiệu tăng lên khi thời hạn cấm vận nhập khẩu dầu Nga của khu vực châu Âu cận kề; những tín hiệu trái chiều về việc Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, có khả năng nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19; biến động của đồng USD; chỉ số lạm phát của Mỹ trong tháng 10 thấp hơn dự báo…

Vì sao xăng tăng giá?  - 1

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành tăng tới trên 5% (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo cơ quan quản lý, các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng. Bình quân giá thành phẩm giữa 2 kỳ điều hành là 101,2 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 5,6 USD/thùng, tương đương 5,8% so với kỳ trước); 95,5 USD/thùng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 4,6 USD/thùng, tương đương 5,1% so với kỳ trước).

Cũng ở kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã điều chỉnh chi phí đưa xăng từ nước ngoài về Việt Nam thêm 290-560 đồng, tùy loại. Việc điều chỉnh này làm tăng mức giá cơ sở đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 thêm 22 đồng/lít, xăng RON 95 thêm 149 đồng/lít. Mức tăng này thấp hơn một chút so với tính toán mà Bộ Tài chính đưa ra trước đó.

Thực tế, giá xăng tại phiên điều chỉnh ngày 11/11 đã có thể tăng mạnh hơn mức 840-1.110 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 200 đồng/lít.

Liên bộ cho rằng mục đích là có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Việc giảm giá xăng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.