Góc nhìn của những người Nhật làm cầu nối Việt - Nhật

Trường Thịnh

(Dân trí) - Rời xa quê hương để đến Việt Nam, những người Nhật Bản ở độ tuổi U40 không chỉ từng bước hiện thực hóa ước mơ của bản thân mà còn trở thành cầu nối Việt - Nhật, góp sức vào sự phát triển mối quan hệ hai quốc gia.

Chị Nakatani Akari - YouTuber, diễn viên từng tham gia đóng trong phim điện ảnh "Em và Trịnh"; anh Ikeyama Ryota - CEO Công ty 3A THUMBS UP VIETNAM - đơn vị vận hành trường đào tạo bóng đá và nhảy cổ động cheering cho trẻ em Nhật Bản, anh Arashima Yuya - nhà sáng lập kiêm CEO Star Kitchen và Star Consulting Japan là ba trong số rất nhiều người Nhật Bản chọn rời xa quê hương để đến Việt Nam.

Sau nhiều năm sống và làm việc trên dải đất chữ S, họ chung tay với cộng đồng người dân bản địa để từng bước thực hiện ước mơ.

Góc nhìn của những người Nhật làm cầu nối Việt - Nhật - 1

Chị Nakatani Akari - YouTuber, diễn viên từng tham gia đóng trong phim điện ảnh "Em và Trịnh".

Góc nhìn của những người Nhật làm cầu nối Việt - Nhật - 2

Anh Ikeyama Ryota - CEO Công ty 3A THUMBS UP VIETNAM.

Góc nhìn của những người Nhật làm cầu nối Việt - Nhật - 3

Anh Arashima Yuya - nhà sáng lập kiêm CEO Star Kitchen và Star Consulting Japan.

Giờ đây, từng người trong số những người trẻ dưới 40 tuổi này đều có góc nhìn riêng về hai quốc gia Nhật Bản - Việt Nam thông qua trải nghiệm cuộc sống thường ngày.

Từ quan điểm cá nhân, họ đã chia sẻ những suy nghĩ và gửi gắm thông điệp cho thế hệ tương lai qua buổi "Tọa đàm đặc biệt U40 cho thế hệ dẫn dắt tương lai" do ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam của phía Nhật Bản tổ chức tháng 12/2023.

Trước và sau khi đến Việt Nam, hình ảnh đất nước này trong mắt anh chị đã thay đổi như thế nào?

- Chị Nakatani Akari: Trước đây, nhắc đến Việt Nam, thứ duy nhất tôi nghĩ đến là phở. Nhưng từ khi sinh sống tại đây, tôi đã khám phá ra vô vàn nét đẹp của dải đất chữ S. Đó là sự chân chất, khéo léo và quảng giao của người dân cùng nét đặc sắc trong văn hóa - lịch sử.

Anh Ikeyama Ryota: Mười năm trước, khi tôi tới Việt Nam, bóng đá là môn thể thao vua và là lựa chọn giải trí số 1. Nhưng gần đây, các bạn trẻ ngày càng yêu thích những môn thể thao đường phố như bóng rổ, trượt ván, nhảy. Tôi cảm nhận rõ sức trẻ ở Việt Nam và tôi tin rằng sớm thôi, Việt Nam giành được những tấm huy chương danh giá của Thế vận hội Olympic ở những bộ môn này.

Anh Arashima Yuya: Trước đây, Việt Nam trong tôi là một đất nước còn nhiều thiếu thốn. Song, điều đó cũng có nghĩa Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Lối sống người dân phong phú, tinh thần cầu thị cao. Tôi cũng nhận ra sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay đến từ nhiều yếu tố, trong đó điều cốt lõi là ý chí cầu tiến, không ngừng vươn lên của mỗi cá nhân.

Anh chị thấy những cơ hội, thách thức cho bản thân trong thời gian tới là gì?

- Anh Arashima: Từ trước đến nay, tôi luôn giới thiệu văn hóa Nhật tới Việt Nam thông qua ẩm thực. Gần đây, tôi bắt đầu quan tâm đến hướng ngược lại: giới thiệu sức hấp dẫn của Việt Nam đến Nhật Bản. Tôi muốn mang những nét văn hóa ẩm thực mà người dân Việt Nam luôn gìn giữ, trân trọng như bánh mì, cà phê… giới thiệu với thế giới.

Chị Nakatani: Đối với tôi, ngôn ngữ tiếng Việt rất quan trọng. Trong tương lai, tôi muốn bản thân không chỉ dừng lại ở vai trò phiên dịch viên ngôn ngữ mà còn trở thành cầu nối Việt - Nhật trong vai trò của "phiên dịch viên văn hóa". Để đạt được điều đó, tôi cần phải trau dồi hơn nữa không chỉ ngôn ngữ mà còn kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Anh Ikeyama: Tôi đặt ra sứ mệnh cho các lớp học của mình là đào tạo ra các thế hệ cầu thủ vàng cho nền bóng đá thế giới. Thật vui khi nhiều em nhỏ sau khi trở về Nhật Bản đã nói với tôi rằng "sau này muốn làm việc tại nước ngoài hay muốn quay trở lại Việt Nam". Trong những lần đưa các câu lạc bộ bóng đá Nhật Bản sang giao lưu, các em học sinh được giao lưu với nhau và trở nên cởi mở, tự tin hơn. Tôi mong có thể hỗ trợ quá trình phát triển của các em ở lứa tuổi mới lớn.

Nhìn lại suốt quãng thời gian vừa qua, điều gì khiến anh chị cảm thấy bản thân thật may mắn khi đã chọn sống, làm việc tại Việt Nam?

- Chị Nakatani: Ở Việt Nam, tôi gặp nhiều bạn trẻ dám nói lên chính kiến của mình. Nhìn vào họ, tôi học được rằng việc nói rõ ý kiến bản thân rất quan trọng và mỗi người đều có cách suy nghĩ khác nhau, chúng ta không thể tùy tiện quy chụp, đánh giá người khác. Giờ đây tôi đã biết trân trọng bản thân, chấp nhận người khác và cả những điều xảy đến với mình.

Anh Arashima: Khi còn làm việc ở công ty tư vấn tại Nhật, tôi luôn suy nghĩ theo một logic cứng nhắc. Ở Nhật, mọi người đều có cùng một suy nghĩ "phải tốt nghiệp đại học, làm việc tại một công ty tốt, sống trong một căn nhà đẹp" nhưng ở đây không ai so sánh như vậy. Tôi cũng học được cách đón nhận mọi việc linh động hơn và nâng cao giá trị sống của bản thân.

Anh Ikeyama: Trong quá trình làm việc, tôi thường gặp nhiều sự cố, như lịch trình thay đổi đột ngột chẳng hạn. Vì vậy lúc nào tôi cũng lên sẵn các phương án dự phòng B, C… Cũng nhờ vậy, tôi chuẩn bị được tâm thế tốt và bản thân cũng thấy trưởng thành hơn. Qua những lần đi ăn uống chung sau giờ chơi bóng, tôi nhận ra mọi người ở đây bất kể địa vị, tuổi tác đều vui vẻ đón nhận tôi. Tôi học được rằng việc mở lòng với đối phương thật quan trọng. Từ một người "không là gì cả", tôi đã tìm thấy giá trị của bản thân.

Mục tiêu trong tương lai của anh chị là gì?

- Anh Ikeyama: Quy mô thị trường của ngành thể thao tại Việt Nam hiện nay đạt khoảng 100 tỷ yên trong khi con số đó của Nhật Bản đạt khoảng 13.000 tỷ yên. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Vai trò và vị trí của thể thao cũng sẽ thay đổi. Tôi mong có thể cống hiến cho sự phát triển của nền thể thao Việt Nam.

Anh Arashima: Nhật Bản trong tương lai sẽ đối mặt với nguy cơ lớn về thiếu hụt lao động và dần không thể tự sản xuất nông sản. Trong khi đó, nông nghiệp và các nhà máy chế biến thực phẩm lại là thế mạnh của Việt Nam. Hơn nữa, khoảng cách thu nhập dần thu hẹp sẽ khiến Nhật Bản không còn sức hút đối với người nước ngoài như trước. Vì vậy, tôi cho rằng việc bắt tay, liên kết và phát huy thế mạnh để cùng phát triển là vô cùng cần thiết. Tôi hy vọng có thể góp sức trở thành cầu nối cho quá trình đó.

Chị Nakatani: Tôi mong muốn bản thân sẽ trở thành người kết nối trái tim mọi người bất kể quốc tịch, quê quán. Tôi cần học hỏi thêm về khả năng diễn đạt, kĩ năng sư phạm, nâng cao sức ảnh hưởng của mình trong xã hội. Ngoài ra, tôi mong muốn có thể giúp cho nhiều người khám phá và phát huy khả năng của bản thân, giống như cách tôi đã được học từ Việt Nam. Thế mạnh của tôi là ngôn ngữ, vì vậy tôi mong muốn hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ cho cả người Nhật và người Việt.

Anh chị muốn gửi thông điệp gì đến thế hệ tương lai?

Anh Ikeyama: Bạn sẽ trưởng thành lên rất nhiều khi sinh sống ở nước ngoài. Thế nên, nếu bạn quan tâm đến nước ngoài và thế giới, đừng ngần ngại thử thách bản thân. Cho dù trải nghiệm đó có phù hợp hay không, dù là vui hay buồn, tất cả đều sẽ trở thành kinh nghiệm, tài sản quý báu cho bạn.

Chị Nakatani: Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, tôi nghĩ rằng có nhiều bạn trẻ cảm thấy vỡ mộng, đau khổ khi nhận ra sự chênh lệch lớn giữa thế giới ảo và đời thực. Lời khuyên của tôi là bạn có thể chọn đối diện với thế giới ấy hoặc bỏ trốn. Nhưng ít nhất chỉ cần bạn còn sống, chính bản thân bạn - người đã vượt qua những trải nghiệm cay đắng đó, sẽ trở thành "đồng minh" tốt nhất của chính bạn trong tương lai và mang đến năng lượng cho chính mình. Tôi hy vọng mỗi ngày bạn sẽ tin vào điều đó và sống tốt.

Anh Arashima: Tôi mong các bạn hãy bước ra khỏi vùng an toàn để thử thách bản thân. Cách đơn giản nhất là ra nước ngoài. Đó là lúc bạn buộc phải thay đổi để hòa nhập. Việc xác định bản thân thích gì, giỏi gì cũng vô cùng quan trọng. Và chỉ cần bạn tập trung và trau dồi bản thân thật tốt ở lĩnh vực đó, chắc chắn thành công sẽ đến với bạn.