Giới trẻ Trung Quốc lo sự nghiệp hơn lập gia đình

(Dân trí) - Dù đã đến tuổi kết hôn nhưng nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc vẫn mải mê lập nghiệp, xây dựng chỗ đứng của mình trong xã hội, thay vì nghĩ tới việc lập gia đình.

Bà Lưu Chấn Phượng người Hong Kong, kết hôn năm 25 tuổi. Cuộc sống của bà diễn ra theo đúng trình tự, lấy chồng, sinh con, mua nhà và sắm đồ. Trong khi đó, Tống Bội, cô con gái 28 tuổi không cùng chung quan điểm. Ở Bắc Kinh, Tống Bội cùng hai người bạn thuê chung căn nhà, tập trung xây dựng sự nghiệp và kiếm tiền. “Trong giai đoạn này, việc quan trọng nhất với tôi là phát triển sự nghiệp”, Tống Bội khẳng định.

Giới trẻ Trung Quốc lo sự nghiệp hơn lập gia đình - 1

Lựa chọn con đường kết hôn ở giới trẻ Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần. Điều này ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế và xã hội ở quốc gia này. Tỷ lệ kết hôn giảm đồng nghĩa với việc tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm xuống, chi phí cho những món đồ chi tiêu gia dụng cũng co lại.

Một số doanh nghiệp bắt đầu hướng tới mục tiêu người tiêu dùng là giới độc thân. Họ đưa ra các thiết bị gia dụng như nồi cơm điện có công suất và kích thước nhỏ hơn. Dịch vụ hỗ trợ sinh sản ở nước ngoài mời chào nhiều gói hàng hấp dẫn giúp phụ nữ làm đông lạnh trứng sinh con sau này.

Giới trẻ Trung Quốc lo sự nghiệp hơn lập gia đình - 2

Tỷ lệ hôn nhân giảm ở Trung Quốc một phần từ “chính sách một con” ở quốc gia này. Chính sách được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 nhằm giảm tỷ lệ sinh, kìm hãm tốc độ gia tăng dân số, và đã khép lại sau 35 năm thực hiện. Điều này dẫn tới hệ lụy số người ở lứa tuổi kết hôn chủ yếu – giai đoạn từ 20 đến 29 tuổi giảm hẳn so với 20 năm trước. Ngoài ra, nhiều gia đình ở nước này vẫn giữ quan niệm “sinh con trai”, dẫn tới việc mất cân bằng giới tính. Điều đó khiến kết hôn càng trở nên phức tạp hơn.

Các chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, nhân khẩu học và xã hội học cho rằng, phụ nữ muốn trì hoãn việc kết hôn để thiết lập nền tảng tài chính vững vàng, bởi họ không cảm thấy hôn nhân là con đường duy nhất của mình. “Những người này có nền tảng giáo dục tốt, mức thu nhập cao, không cảm thấy cần sự bao bọc về kinh tế nhờ hôn nhân”, Giáo sư kinh tế Trương Hiểu Ba đến từ Viên nghiên cứu phát triển quốc gia của Đại học Bắc Kinh cho hay.

Dù các phương tiện truyền thông Trung Quốc liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân gia đình, nhưng điều này không thay đổi nhiều tình trạng trước mắt. Năm 2015, Trung Quốc có khoảng 12 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn. Con số này tiếp tục giảm trong năm thứ 2 liên tiếp. Phù hợp chung với xu hướng, tỷ lệ ly hôn năm 2015 là 3.8 triệu cặp, tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã sụt giảm 2 năm liên tiếp
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã sụt giảm 2 năm liên tiếp

Nhiều gia đình ở Trung Quốc, bố mẹ bắt đầu can thiệp sâu vào việc hôn nhân của con cái. Bà Lưu Chấn Phượng luôn mong mỏi con gái mình tìm được người bạn đời hợp ý. “Tôi mong con được hạnh phúc. Dù sao, con gái có gia đình vẫn hơn”, bà nói.

Trình Cổ Bình, 30 tuổi, đến từ một thành phố thuộc phía đông Hàng Châu, đang làm việc cho một doanh nghiệp. Cô tiếp tục ý định theo đuổi bằng tiến sỹ kinh tế. Cô cho rằng, sự nghiệp và học vấn là nguyên nhân chính khiến cô và bạn trai chia tay. Ở tuổi 30, cô tự nhân thấy việc tìm kiếm “đối tác” trở nên khó khăn hơn. Nói về bạn trai cũ, cô chia sẻ: “Khi ngồi bên nhau và nói chuyện, anh ấy chỉ cười và không đưa ra nhiều ý kiến, khiến tôi có cảm giác như mình như một người đàn ông”.

Sự thay đổi về tỷ lệ hôn nhân cũng gây ảnh hưởng tới nhiều mặt tại các gia đình truyền thống ở Trung Quốc, trong đó có việc phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ. Vũ Kinh Kinh, 29 tuổi, cho rằng: “Một số người sẽ cảm thấy bị quá tải ở độ tuổi trung niên khi vừa chăm sóc con cái, vừa phụng dưỡng cha mẹ. Chỉ 10-20 năm nữa thôi, tôi cũng ở vị trí đó”.

Trong khi đó, bố mẹ của Vũ lại lo lắng cho con gái mình. “Ở tuổi này, chúng tôi còn sức khỏe để lo cho con. Nhưng điều này không kéo dài mãi được. Tôi chỉ mong con gái sớm tìm được ai đó quan tâm chăm sóc cho mình. Điều đó mới khiến chúng tôi an tâm được”.

Hiện tại, Vũ đang sống độc thân. Cô muốn tìm một người phù hợp mới kết hôn. “Ở thế hệ cha mẹ tôi, phần đông nhờ mối lái rồi lấy nhau. Đến thế hệ này, chúng tôi không chấp nhận điều đó nữa. Tôi muốn tự tìm được người phù hợp với mình”, cô nói.

Hoàng Hà

Theo News