Giải đáp lời nguyền vua Tut
(Dân trí) - Giới khảo cổ học hàng đầu thế giới khẳng định “Lời nguyền Pharaoh” chỉ là chuyện bịa đặt tầm phào, tuy nhiên những sự việc bất thường liên tiếp ập tới trong quá trình khám nghiệm xác ướp vua Tut hồi cuối tháng 11 vừa qua khiến không ít người... dựng tóc gáy.
Trên đường tới lăng mộ, chiếc xe chở đoàn nghiên cứu sém chút nữa thì đâm phải một em bé tha thẩn trên đường. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Rồi bất thần cơn bão dữ dội ập đến. Thời tiết đôi khi hay dở chứng - mọi người bảo nhau.
Nhưng cho đến khi chiếc máy CT - thường ngày vốn chạy ngon lành là thế - bỗng đâm ra trục trặc, rồi một vị trong đoàn không hiểu sao lên cơn ho không ngớt đến mức phải cáo lui ra ngoài, thì người ta không còn lạc quan được nữa. Công việc lẳng lặng tiến hành trong sự nghi ngại đáng sợ.
Tiến sĩ Ashraf Selim - bác sĩ chuyên ngành X-quang thuộc ĐH Cairo nhớ lại: “Cảm giác của tôi lúc đó vừa thấy lạnh sống lưng, lại thấy hơi tò mò thú vị”.
Lên ngôi năm 1332 trước Công nguyên lúc vừa tròn 9 tuổi, vua Tutankhamun được ghi nhận là vị Hoàng đế trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Triều đại vua Tut được coi là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất trong mọi triều đại Pharaoh. Ai Cập chưa bao giờ hùng mạnh đến thế.
Trải qua qua mấy nghìn năm, trong khi các ngôi mộ Hoàng gia đều đã bị đào bới gần hết thì lăng tẩm của vua Tut vẫn nghiêm trang trong bí mật im lìm. Mãi đến năm 1922, những phần đầu tiên của lăng tẩm mới hé mở dưới bàn tay khai quật miệt mài của nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter.
Ngoài sức tưởng tượng, tháp tùng vị vua trẻ tuổi là hơn 5.000 tác phẩm thủ công thời cổ đại, chưa kể cơ man nào là đồ trang sức, tượng, bùa chú, đồ đạc và thậm chí cả một quan tài tạc bằng vàng ròng.
Quá đỗi vui mừng, người ta chẳng kịp nhận ra lời đe dọa ngắn ngủi khắc trên lăng mộ: “Kẻ nào phá vỡ giấc ngủ bình yên của Nhà Vua, kẻ đó sẽ phải chết”.
6 tháng sau ngày phát hiện ra lăng mộ, Carnarvon - nhà tài phiệt “bao” toàn bộ chuyến thám hiểm của Carter - đột ngột từ trần. Tiếp đó là hàng loạt cái chết bí hiểm của những người xa gần liên quan, và báo chí lại được phan rầm rộ bàn tán về lời nguyền.
Sự thực thì Carnarvon chết do bị... muỗi độc cắn. Nhiễm trùng máu và bệnh viêm phổi khiến sức khỏe ông suy sụp hoàn toàn, và cuối cùng thì bỏ mạng. Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết những người được cho “nạn nhân của lời nguyền” đều đã sống đến tuổi thọ trung bình của thời kỳ đó, không có ai bị coi là “xấu số” hay “chết yểu”. Bản thân “kẻ đầu trò” Carter cũng sống thêm được 17 năm sau phát kiến vĩ đại và từ trần ở tuổi 65.
Bằng thiết bị chụp X-quang khá đơn giản, những lần nghiên cứu được tiến hành trước đây chỉ ra trên xương sọ vua Tut có nhiều mảnh rạn vỡ. Từ đó người ta đi đến kết luận: vị Hoàng đế trẻ có thể đã chết là do một cú đập vào đầu.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm gần đây nhất bằng máy chụp CT không ủng hộ giả thiết ám sát. Họ cho rằng, những người thợ ướp xác trong lúc khoan hộp sọ nhà vua đã bất cẩn làm vương vãi những miếng vỡ gây hiểu nhầm.
Tuy nhiên, phim chụp CT lại tiết lộ một phát hiện cực mới: đó là vết rạn xương đùi trái vua Tut, nằm ngay phía trên đầu gối. Một số nhà khoa học cho rằng chính vết thương này đã gây ra hiện tượng nhiễm trùng máu và dẫn đến tử vong, một số khác lại thẳng thừng bác bỏ: vết nứt là do đội quân bất cẩn của Carter vô ý gây ra.
|
“Chúng tôi vẫn chưa thể xác định nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của vua Tut. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm” - James Phillips, quản lý lăng mộ vua Tut cho biết.
Những cuộc nghiên cứu trước đây là làm xác ướp Vị hoàng đế kiêu hùng trở thành hoang tàn thảm hại: đầu bị cắt lìa khỏi cổ, thân thể bị xẻ làm hai, vai, cùi chỏ, cổ tay và các khớp nối khác đều bị tháo rời. Do đó lần này, các nhà khoa học đã bị cấm động chạm tới thi thể vua Tut.
Theo phỏng đoán, vua Tut trước khi chết cao khoảng 1m60 và vừa tròn 18 tuổi.
Hải Minh
Theo Chicago Times