Giấc mơ của hai cậu bé nghèo mồ côi

Là một trong những ngôi trường thuộc địa bàn khó khăn nhất của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), trường mầm non Châu Hồng chỉ có 271 trẻ nhưng đã có tới 7 em thuộc diện đặc biệt khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ. Thiếu hơi ấm cha mẹ, ước mơ của các em chỉ giản dị là được đến trường như các bạn

Nỗi buồn giữa chốn nhân gian

Cô Trương Thị Liên - Hiệu trưởng trường cho biết, phần lớn phụ huynh đều là lao động nghèo, họ làm việc trong các khu khai thác đá, khoáng sản trong vùng. Điều kiện làm việc không an toàn nên đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc khiến nhiều đứa trẻ bị mất cha, mất mẹ, cuộc sống lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất, tình cảm.


Những mỏ đá ở Quỳ Hợp là nơi mưu sinh của nhiều người, nhưng nó cũng cướp đi không ít sinh mạng của họ

Những mỏ đá ở Quỳ Hợp là nơi mưu sinh của nhiều người, nhưng nó cũng cướp đi không ít sinh mạng của họ

Bé Nguyễn Biển Đông (3 tuổi) là một trong số những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Cô Liên cho biết, Đông là một học sinh có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố mất vì tai nạn sập hầm khi khai thác đá, mẹ bỏ nhà đi rất lâu rồi không có tin tức gì. Hai anh em Đông (anh trai Đông là Nguyễn Bên Biển, mới học lớp 3) hiện ở cùng ông bà ngoại.

Thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ, gương mặt của cậu bé Đông lúc nào cũng rất buồn bã. Các giáo viên cho biết, Đông rất hiền, ngoan và nghe lời cô giáo nhưng rất ít khi thấy em cười. Thấy người lạ, em sợ sệt cầm tay bạn, nép vào người các cô.

So với bạn cùng lớp, Đông thấp và còi hơn hẳn. Cậu bé cũng là một trong những học sinh được các cô trong trường có chế độ “nuôi” đặc biệt.


Bà ngoại bé Đông ngồi ôm cháu trong căn nhà vắng hơi ấm gia đình

Bà ngoại bé Đông ngồi ôm cháu trong căn nhà vắng hơi ấm gia đình

Trên đoạn đường gập ghềnh và lầy lội sau mưa lũ đưa tôi đến nhà em Đông, cô giáo Sầm Thị Hiếu – giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: “Hàng ngày, hai anh em Đông tự đưa nhau đi bộ qua đoạn đường này đến trường. Các cô giáo đi qua thấy anh em dắt tay nhau đi học như thế thì thương lắm. Các cô lại gọi lên xe để chở đến trường. Ở lớp Đông cũng được các cô quan tâm, chăm sóc đặc biệt từng bữa ăn, giấc ngủ”.

Kể từ khi mẹ bỏ đi, bà ngoại Vi Thị Liên thay vai bố, mẹ chăm sóc cho hai anh em Biển và Đông. Căn nhà nhỏ đã từng là tổ ấm của hai anh em Đông giờ ẩm mốc, lạnh lẽo. Điểm “ấm cúng” duy nhất trong căn nhà là bàn thờ có bức ảnh của bố Đông đang nghi ngút hương khói....

Bà Liên gạt nước mắt kể chuyện: “Thương cháu lắm, từ khi bố mất, mẹ bỏ đi, tôi đưa hai đứa về ở. Nhà ông bà cách đây mấy trăm mét, ban ngày đi học, vui chơi không sao, tối về lại nhớ bố mẹ. Hai đứa suốt ngày đòi bà đưa ra nhà của chúng để ngủ. Ba bà cháu lại cứ thế mang manh chiếu ra trải giữa sàn nhà để ngủ. Nhìn hai đứa ngủ say sưa trong căn nhà lạnh lẽo của chúng mà tôi không sao ngủ được, chỉ nhìn cháu khóc thôi”.

“Nhiều khi thấy hai cháu chơi với nhau, Đông nói với anh rằng: “Anh Biển ơi, bây giờ anh là bố còn em là con nhé”. Biển đã lớn nên nhận thức được việc bố con đã chết, còn Đông thì không tin. Nó bảo: “Bà ơi, ông Ù bắt nhốt bố Đông rồi, sau cháu lớn cháu sẽ đi cứu bố cháu” - bà Liên rưng rưng nước mắt kể

Đường đến trường không còn gian nan

Để hai cháu được đến trường, ông ngoại hàng đêm phải chong đèn đi soi con lươn, con ếch: “May mà cả hai cháu đều được miễn học phí, đến trường được ăn uống đầy đủ lại được uống sữa miễn phí trong Chương trình Sữa học đường nên tôi cảm thấy yên tâm hơn vì thấy cháu mình bớt thiệt thòi so với các bạn” – bà Liên chia sẻ.

Ngày nào cũng vậy, bà Liên lại bế cháu đi - về “thăm” nhà cũ trên con đường lầy lội ấy...


Bé Đông thường xuyên được các cô giáo đưa về nhà khi ông bà bận làm đồng

Bé Đông thường xuyên được các cô giáo đưa về nhà khi ông bà bận làm đồng

Trong các đợt vận động học sinh tới lớp, Biển và Đông luôn được các giáo viên quan tâm, tới tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, cùng chung tay hỗ trợ các bé tới trường. Để những học sinh như Đông bớt thiệt thòi, nhiều năm nay các giáo viên trường mầm non Châu Hồng đã trích tiền lương hàng tháng để lập Quỹ chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Cô Liên cho biết: “Quỹ này dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, suy dinh dưỡng như em Đông. Mỗi bữa, các cô sẽ dùng tiền trong quỹ để mua thêm thức ăn, bổ sung cho các em, khi thì thêm quả trứng, khi thì cốc sữa, miếng thịt...”

Trong Chương trình sữa học đường cấp tỉnh triển khai ở Nghệ An, tập đoàn TH và tỉnh Nghệ An có sáng kiến nhân văn khi huy động các nguồn lực hỗ trợ chi phí uống sữa cho tất cả học sinh mầm non, tiểu học, trong đó miễn phí 100% cho học sinh nghèo, hỗ trợ 50% cho học sinh cận nghèo và hỗ trợ 30% cho học sinh bình thường. Nguồn kinh phí hỗ trợ đang được vận động qua Tài khoản Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt, do Quỹ Vì tầm vóc Việt quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, đồng lương của các cô giáo cũng rất eo hẹp, nên cần thêm các nguồn hỗ trợ khác. “Từ khi có Chương trình Sữa học đường vì tầm vóc Việt, những học sinh thiệt thòi như vậy được uống sữa miễn phí nên các cô giáo và gia đình bớt lo lắng hơn rất nhiều. Các con có điều kiện để tăng chiều cao và cân nặng như các học sinh khác”- cô Trương Thị Liên nói.

Nhìn rộng ra, trên địa bàn huyện Quỳ hợp hiện có tới 4.533 học sinh nghèo được uống sữa miễn phí như em Đông, trên tổng số 14.942 trẻ mẫu giáo, tiểu học đang tham gia Chương trình. Cô Liên cũng lo nếu không có nguồn hỗ trợ bền vững, Chương trình không đến được với những vùng nghèo khó thì những bé thơ như Đông, như Biển khó có thể được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.

Và cô mong lắm Chương trình được triển khai nhiều hơn- tới được với học trò của cô và học trò nhiều vùng trong cả nước.

Chúng ta hãy xem xã hội là người mẹ, cả nước hiện có gần 12 triệu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trong đó chỉ có trên 1 triệu em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Người mẹ xã hội phải coi đó là những đứa con của mình, dù có khó khăn muôn vàn cũng phải dành cho các em những gì tốt đẹp nhất”.

Bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH

Thiên Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm