Quảng Nam:

Gặp già làng mệnh danh "Vua sâm ba kích"

(Dân trí) - Không ai biết cây sâm ba kích có từ bao giờ. Chỉ biết rằng từ xa xưa đồng bào Cơtu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) vẫn hay vào rừng đào củ ba kích về ngâm rượu uống. Hiện nay, mỗi ký ba kích tươi có giá từ 200-500 ngàn đồng.

Người dân Tây Giang đổ xô đi tìm và nguy cơ biến mất loại cây quý này là điều có thể xảy ra. Ở vùng biên Tây Giang có một con người đã đi đầu trong việc bảo tồn giống cây bản địa quý này mà người dân nơi đây thường gọi “vua sâm ba kích”.

“Vua sâm ba kích” ở Tây Giang – ông Briu Pố
“Vua sâm ba kích” ở Tây Giang – ông Briu Pố

Khi nói đến việc bảo tồn và phát triển cây ba kích, đồng bào Cơtu nơi đây thường nhắc đến già làng Briu Pố ở thôn Nal (xã Lăng). Ông là người đầu tiên biết cách trồng và nhân rộng loại cây dược liệu quý này.

Già Bríu Pố cho biết, hồi mới mang cây ba kích về trồng, ai cũng bảo đó là cây quý của rừng, cây của trời nó không trồng được đâu và có trồng thì nó cũng không mọc được. Nhưng giờ, ông khẳng định cây ba kích không chỉ trồng được mà còn dễ trồng nữa. Hiệu quả kinh tế của nó rất cao so với các cây trồng khác.

“Theo kinh nghiệm của mình thì ba kích trồng được bốn năm tuổi trở lên, trung bình cứ ba bụi một ký. Với ba kích trồng bằng dây, thời gian thu hoạch là ba năm, nếu trồng bằng hạt thì phải năm năm... Trồng nhiều dây một chỗ càng tốt, càng nhiều củ, càng năng suất. Theo kinh nghiệm thì trồng 1/3 phần ngọn hầu hết là chết sạch, 2/3 trở xuống hầu hết là sống”, ông Pố nói.

Cây sâm ba kích tươi
Cây sâm ba kích tươi

Ông cho biết thêm năm 2004, ông đã cùng Tiến sĩ Ngô Trại (Viện Giống cây trồng Quốc gia) đi khảo sát cây dược liệu ở núi Adương (xã Lăng). Qua hướng dẫn của Tiến sĩ Ngô Trại, Bhríu Pố mày mò và ươm trồng thành công giống ba kích. Gần 15 năm qua, ông cùng với vợ cần mẫn chăm chút trang trại rộng gần 3ha dưới chân núi Adương để trồng hơn 5.000 cây ba kích.

Giờ đây, những cây sâm ba kích của già làng Bríu Pố đã mọc lá xanh tốt, thân to bằng cọng đũa và dài từ 3-4m. Ông đào lên một bụi cho chúng tôi xem ước chừng có gần chục củ, mỗi củ to bằng ngòn tay cái, dài gần 50cm. Ông nói loại này đem ngâm rượu được rồi.

Với Bríu Pố, chính loại cây này đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn. Mỗi lần thu hoạch khoảng 2.000 cây. Cứ 3-4 cây thì cho 1kg rễ ba kích tươi, giá mỗi ký ba kích tím từ 300-500 ngàn đồng. Tính sơ sơ mỗi năm ông “bỏ túi” khoảng vài chục triệu như chơi. Theo ông Bố mỗi gia đình chỉ cần 500 bụi là đủ giúp cho họ giảm được nghèo rồi. “Ba kích là cây dễ trồng nhất, dễ bảo vệ nhất, dễ chăm sóc nhất, dễ bán nhất, dễ xóa đói giảm nghèo nhất...”, ông Bríu Pố hồ hởi.

Củ sâm ba kích
Củ sâm ba kích

Thấy trước những lợi ích kinh tế mà cây sâm ba kích đem lại, nhiều người dân đã vào rừng lùng sục và nguy cơ tuyệt chủng giống cây quý này rất lớn. Nhằm bảo tồn và lưu giữ giống cây quý này trước nguy cơ tuyệt chủng, Huyện ủy Tây Giang đã có Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây bản địa trong đó có cây sâm ba kích.

Huyện đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn huyện phối hợp với các xã có cây ba kích tiếp tục triển khai việc bảo tồn và phát triển loại cây đặc hữu này. Hiện nay, toàn huyện Tây Giang đã bảo tồn và trồng được 75,38 ha. Riêng Trạm Khuyến nông khuyến lâm huyện đã ươm được trên 32.000 cây giống để cấp cho bà con trồng.

Sâm ba kích ngâm rượu
Sâm ba kích ngâm rượu

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó trạm Khuyến nông khuyến lâm huyện - cho biết, thực trạng hiện nay đồng bào mình vẫn khai thác bừa bãi, chưa biết nhân, bảo tồn giống, nếu có chăng thì còn nhỏ. Đứng trước thực trạng đó, Trạm đã được huyện được UBND huyện giao cho việc xây dựng vườn ươm và áp dụng kỹ thuật trong khâu xử lý hom, chăm sóc vườn giống. Không chỉ ươm trồng cây ba kích mà hiện nay còn ươm cả đẳng sâm, bảo tồn giống lúa bản địa...

Công tác bảo tồn loại giống giống cây sâm ba kích là việc làm rất cần thiết và kịp thời của huyện miền núi Tây Giang. Đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là cây kinh tế của đồng bào vùng biên.

Khi nhắc đến công tác bảo tồn và phát triển cây sâm ba kích, người dân nơi đây không quên nhưng những công sức mà Briu Pố để lại. Ông là người người đầu tiên, có công lớn trong việc bảo tồn loại giống cây dượu liệu quý hiếm sâm ba kích cho con cháu đời sau.

Công Bính