DNews

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa

Minh Nhân

(Dân trí) - Nhiều người Việt nói yên tâm "sống chung với núi lửa" nhờ hệ thống quản lý, ứng phó thiên tai, các dự báo chính xác của chính quyền Iceland.

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa

"Lần đầu núi lửa phun trào ảnh hưởng cả một thị trấn"

Ngày 14/1, một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra gần cảng cá Grindavik, thuộc bán đảo Reykjavik (Iceland). Dung nham đã tràn vào thị trấn, khiến một vài ngôi nhà bị nhấn chìm trong "biển lửa".

Đây là vụ phun trào thứ hai trên bán đảo Reykjavik trong chưa đầy một tháng và là vụ thứ 5 kể từ năm 2021.

Gần 4.000 cư dân của thị trấn Grindavik đã được sơ tán từ tháng 11/2023, trước dự báo đợt phun trào dung nham lớn tấn công, nên không ghi nhận thiệt hại về người.

"Một ngày đen tối" là tiêu đề trang nhất của nhật báo Iceland, bên cạnh hình ảnh dòng dung nham màu cam "phát sáng" và những ngôi nhà bốc cháy ở thị trấn Grindavik.

Cách đó 15-20km, tại thị trấn Njardvik, chị Nguyễn Phúc, 38 tuổi, cảm nhận dư chấn động đất trước khi núi lửa phun trào, gió lớn mang theo một số khí độc, chính quyền cảnh báo người dân đóng cửa, ở yên trong nhà.

"Mọi người khá hoảng loạn và lo lắng, do lần đầu dung nham tràn vào khu dân cư, đe dọa cắt điện và nước sinh hoạt", chị nói.  

Nhiều căn nhà ở thị trấn Grindavik của Iceland đã chìm trong biển lửa sau khi bị dung nham bao vây (Video: Twitter/@bsteinbekk).

Người phụ nữ Việt bắt đầu sinh sống tại Iceland từ năm 2015, đến nay đã chứng kiến 5 vụ núi lửa phun trào. Lần đầu trải nghiệm rung chấn động đất, chị rất hoảng sợ.

"Tôi đã nghĩ Iceland là một hòn đảo thông thường, không biết nơi đây có 33 ngọn núi lửa đang hoạt động, trung bình cứ 4-5 năm lại phun trào một lần", chị nói.

Đến năm thứ 9, chị xem những trận động đất trước khi núi lửa phun trào là chuyện bình thường "như cơm bữa". Kết cấu xây dựng và hệ thống cảnh báo, ứng phó thiên tai của Iceland giúp người dân có các biện pháp đảm bảo an toàn.

Chị Phúc coi Iceland là quê hương thứ 2, cho biết người dân khắp cả nước đang hướng về Grindavik. Nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi và ủng hộ qua Hội chữ thập đỏ hoặc trực tiếp chia sẻ chỗ ở với những người dân mất nhà trong thảm họa thiên tai này.

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa - 1

Dung nham nhấn chìm một số nhà dân ở Grindavik (Ảnh: Reuters).

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 50 tuổi, sống tại thủ đô Reykjavik, cách thị trấn Grindavik 40km, nói 12 năm sống tại đây, lần đầu thấy núi lửa phun trào ảnh hưởng trực tiếp cả một thị trấn.

Trên trang Facebook cá nhân, chị kêu gọi cộng đồng người Việt thay vì chia sẻ hình ảnh thị trấn bị nhấn chìm bởi dung nham, có thể chuyển tiền ủng hộ người dân địa phương thông qua Hội chữ thập đỏ.

"Tùy tâm thôi nhưng thiết nghĩ là việc nên làm", chị nói.  

Nhà nghiên cứu Patrick Allard nhận định vụ phun trào núi lửa đã đánh thức một mảng đứt gãy chạy ngầm dưới lòng đất sau hơn 800 năm. Mảng đứt gãy này vốn được tạo thành từ một đường nứt dưới đáy đại dương, ngăn cách 2 mảng kiến tạo Á-Âu và Bắc Mỹ.

Việc mảng đứt gãy hoạt động trở lại khiến toàn vùng đối mặt nguy cơ xảy ra các vụ phun trào núi lửa không chỉ ở trên, mà còn bên dưới mặt nước. Khi quá trình này xảy ra, chúng gây ra hiện tượng nén khí, giải phóng thêm tro núi lửa và phát tán vào không gian.

Dù là một ngày đen tối đối với Grindavik và toàn bộ Iceland, nhưng Thủ tướng Katrin Jakobsdottir khẳng định "mặt trời sẽ mọc trở lại và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua cú sốc này".

Anh Eric Phạm, 40 tuổi, hướng dẫn viên du lịch người Việt tại Iceland, cho biết từ thủ đô Reykjavik có thể nhìn thấy khói bốc lên từ các núi lửa phun trào lân cận.

Sống cách điểm phun trào 50km, anh cho hay công việc và sinh hoạt diễn ra bình thường. Cộng đồng người Việt phần lớn sinh sống tại Reykjavik nên không bị ảnh hưởng.

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa - 2

Chị Nguyễn Phúc lần đầu đi xem núi lửa vào năm 2011 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tại thị trấn Grindavik, người dân đã được sơ tán trong đêm 10, rạng sáng 11/11/2023, trước khi một đợt phun trào dung nham tấn công.

Sau vụ phun trào ngày 18/12/2023, chính quyền cho phép người dân trở về nhà. Nhưng họ lại được sơ tán ngay khi hệ thống máy đo địa chấn kích hoạt báo động cao và vụ phun trào mới đã xảy ra vào ngày 14/1 vừa qua.

Chính quyền đã quyết định thần tốc xây một bức tường phòng thủ cách thị trấn 800m về phía thượng lưu, dài 2km và cao ít nhất 4m, nhằm chuyển hướng dòng dung nham.

Công việc xây dựng bắt đầu vào ngày 2/1 và trước thời điểm xảy ra vụ phun trào ngày 14, công trình này hoàn thành được với chiều dài 1.500m. Nó đã mang lại hiệu quả và thành công chuyển hướng phần lớn lượng dung nham tấn công thị trấn.

Các nhà khoa học cho biết người dân trong thị trấn và các địa phương lân cận đã cùng chung sức, đồng lòng để xây dựng bức tường nhanh nhất có thể. Điều này khiến thế giới thán phục với quốc gia luôn chủ động ứng phó với thảm họa đang rình rập ngay trên đầu mình

"Hệ thống quản lý, ứng phó với núi lửa, các dự báo chính xác đã giúp chúng tôi yên tâm sống chung với núi lửa", anh Eric nói, cho biết đã sinh sống tại Iceland 13 năm.

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa - 3
Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa - 4

Anh Eric Phạm ghi lại những khoảnh khắc núi lửa phun trào trong các chuyến tham quan năm 2021 và 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Nguyễn Thị Thái Hà, 32 tuổi, giáo viên toán tại trường liên cấp thành phố Kopavogur, cho biết chính phủ luôn có biện pháp thông báo sớm về núi lửa phun trào. Người dân chỉ cần tuân thủ theo các hướng dẫn của chính quyền địa phương.

"Ý thức khiến mọi thứ dễ dàng hơn", người phụ nữ Việt nói.

Trước khi núi lửa phun trào, các chuyên gia sẽ đặt các máy quay và luôn phát trực tiếp trên các nền tảng. Họ cũng dự báo thời điểm núi lửa phun trào, từ đó có các biện pháp di tản người dân.

Theo nữ giáo viên, núi lửa thường phun trào ở vùng ngoại ô, thung lũng, dân cư thưa thớt, tạo thuận lợi trong việc di tản khẩn cấp.  

Núi lửa sục sôi trước mắt, dung nham vẫn không ngừng chảy

Dù chỉ cách địa điểm phun trào 20km về phía Bắc, sân bay quốc tế Keflavik vẫn mở cửa, hoạt động bình thường. Đợt phun trào lần này không tạo tro bụi nên không ảnh hưởng các chuyến bay.

"Thậm chí du khách nước ngoài thích thú và muốn đặt vé máy bay qua ngay lập tức để xem núi lửa. Một du khách khác rất vui khi chụp được bức ảnh núi lửa phun trào từ trên cao khi đi máy bay", hướng dẫn viên Eric Phạm kể.

Eric cho biết chính quyền sẽ kiểm tra, đo lường khí độc trong khu vực núi lửa phun trào, rồi báo cho người dân nếu an toàn. Họ sẽ chăng dây leo núi, thiết lập đội cứu hộ túc trực, tạo điều kiện người dân tới chiêm ngưỡng núi lửa.

Những lần núi lửa phun trào kéo dài nhiều tháng, người dân lũ lượt kéo đến xem. "Tôi đã đi xem núi lửa 5 lần, trong đó một lần thưởng ngoạn bằng trực thăng", anh nói, cho biết phải đi bộ đường núi khoảng 20km, chuẩn bị một chút nước và bánh, kẹo ăn dọc đường, quần áo ấm.

Nam hướng dẫn viên cho hay thời điểm này người Việt du lịch Iceland ít hơn do không phải mùa cao điểm. Họ thường đến các điểm nổi tiếng như: sông băng, động băng (cách xa khu vực núi lửa hơn 400km).

"Cũng có du khách mong muốn trải nghiệm xem núi lửa, nhưng không thể đi bộ đường dài trong thời tiết giá lạnh", anh nói.

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa - 5

Anh Eric trải nghiệm ngắm núi lửa đang phun trào ở Iceland, năm 2021 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Thái Hà cho biết người dân Iceland thường có thói quen đi xem núi lửa. Sau nhiều năm không dám đi vì sợ không khí độc hại, chị lần đầu ngắm núi lửa phun trào hồi tháng 8/2022.

Người phụ nữ đi bộ 4-5km từ bãi đậu xe đến miệng núi lửa, đoạn đường khó di chuyển. Chính quyền đã mở đường từ trước, chăng dây cảnh báo những khu vực dốc và trơn trượt.  

"Đến tận nơi, tôi mới thấy không đáng sợ như tưởng tượng. Núi lửa sục sôi trước mắt, dung nham vẫn không ngừng chảy. Một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ", chị nói.

Cũng lần đầu chiêm ngưỡng núi lửa phun trào vào năm 2011, chị Nguyễn Phúc mất 3 tiếng rưỡi leo núi, rồi sững sờ trước khung cảnh, cảm giác "nhỏ bé trước thiên nhiên".

Dung nham nhấn chìm nhà dân, người Việt ở Iceland kể sống chung với núi lửa - 6

Chị Thái Hà lần đầu xem núi lửa phun trào, tháng 8/2022 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hầu như năm nào gia đình chị Ánh Tuyết cũng đi ngắm núi lửa phun trào, xem như một buổi dã ngoại. Họ lái xe trung bình 45 phút và leo núi hơn 3 tiếng.

"Trải nghiệm ngắm núi lửa rất thú vị. Chúng tôi đứng từ trên núi nhìn xuống thung lũng, hơi nóng hầm hập bốc lên", chị Tuyết kể, sau hơn hai tiếng ngắm cảnh và chụp ảnh, gia đình chị xuống núi, trở về nhà.

Chính quyền khuyến cáo người dân không nên ở lâu vì khói bụi từ núi lửa không tốt cho sức khỏe. Đến nửa đêm, họ sẽ yêu cầu người dân xuống núi. Thời điểm này, đội cứu hộ làm việc hết công suất giải cứu những người leo núi bị ngã hoặc đi lạc.