Đợt nắng nóng "trăm năm có một" thiêu đốt Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam
(Dân trí) - Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang trải qua đợt nắng nóng "kinh khủng nhất", trong đó, Việt Nam vừa ghi nhận tháng 6 nóng nhất lịch sử với mức nhiệt 43,8 độ C.
Mỗi ngày, lượng xe gắn máy đông đúc lại di chuyển trên những tuyến phố đông đúc ở Hà Nội (Việt Nam).
Anh Phong, 42 tuổi, một tài xế lái xe công nghệ, là một trong số đó. Người đàn ông này bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng, lái hơn 12 tiếng mỗi ngày và hầu như không được nghỉ ngơi.
Nhưng đợt nắng nóng kỷ lục vừa rồi khiến công việc của anh càng vất vả hơn. Để vượt qua cái nóng mỗi ngày, anh trang bị mũ, khăn ướt và vài chai nước khi nhiệt độ ban ngày thường ở ngưỡng trên 40 độ C. CNN cho biết, nhiệt độ trung bình trong tháng 5 ở Hà Nội là 32 độ C.
"Nếu bị say nắng, tôi phải tạm nghỉ, nhưng không thể ngừng làm việc", anh Phong chia sẻ với CNN.
Cũng "phơi mặt" trên đường phố, người công nhân dọn vệ sinh có tên Đinh Văn Hùng, 53 tuổi, quần quật cả ngày để dọn rác trên các con phố nhộn nhịp thuộc quận Đống Đa.
"Không thể tránh nóng được nhất là buổi trưa và đầu giờ chiều. Nhiệt độ cao quá khiến rác bốc mùi khó chịu hơn, làm công việc của chúng tôi thêm vất vả", anh Hùng tâm sự.
Chia sẻ với CNN, anh Hùng cho biết thường cố làm vào lúc sáng sớm và chiều tối. Buổi trưa, anh tìm một con hẻm có bóng râm, trải các tấm bìa các tông để tạm chợp mắt.
Anh Phong và Hùng là hai trong số hàng triệu lao động làm việc ngoài trời ở khắp các nước Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe từ đợt nắng nóng được các chuyên gia đánh giá "200 năm mới có một".
Tháng 4 và tháng 5 thường là thời điểm nóng nhất tại các quốc gia Đông Nam Á. Nhiệt độ tăng cao trước khi mùa mưa tới. Nhưng năm nay, mức nhiệt đạt ngưỡng cao kỷ lục tại hầu hết các nước trong khu vực, trong đó có những điểm du lịch nổi tiếng như Việt Nam hay Thái Lan.
Theo phân tích dữ liệu từ nhà khí hậu học và lịch sử thời tiết Maximiliano Herrera, Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử, lên tới 45,4 độ C vào giữa tháng 4. Trong khi đó quốc gia láng giềng Lào đạt 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp của tháng 5. Tương tự Việt Nam cũng lập kỷ lục nắng nóng hồi tháng 5 lên tới 44,2 độ C.
Chuyên gia thời tiết Herrera mô tả đây là "đợt nắng nóng không có hồi kết tàn bạo nhất". Và Việt Nam vào ngày 1/6 cũng có mức nhiệt lên đến 43,8 độ C.
Theo báo cáo gần đây từ World Weather Attribution (tạm dịch: Nghiên cứu phân tích thời tiết thế giới), gọi tắt là WWA, đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua ở Đông Nam Á là sự kiện "200 năm mới có một lần" và "hầu như không thể xảy ra". Đây là hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
"Cái nóng thiêu đốt" ở Đông Nam Á thậm chí còn trở nên khó chịu và nguy hiểm hơn vì độ ẩm cao - một sự kết hợp được các chuyên gia đánh giá là "nguy hiểm chết người".
Cùng với đó là những bệnh liên quan như say nắng và kiệt sức. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn với những người mắc bệnh tim, các vấn đề về thận, tiểu đường và phụ nữ có thai.
"Khi độ ẩm cao, cơ thể tiếp tục đổ mồ hôi để giải phóng độ ẩm giúp tự làm mát. Nhưng mồ hôi không bay hơi được dẫn tới tình trạng mất nước nghiêm trọng. Trường hợp cấp tính có thể dẫn tới say nắng và tử vong. Đó là lý do tại sao đợt nóng ẩm nguy hiểm hơn nhiều so với nóng khô", chuyên gia thời tiết Mariam Zachariah giải thích với CNN.
Tại Thái Lan, tháng 4 có 20 ngày và ít nhất 10 ngày trong tháng 5 đạt nhiệt độ gần như trên 46 độ C. Cấp độ này, căng thẳng trở nên "cực độ" và đe dọa sức khỏe với bất cứ ai.
Tương tự, suốt tháng 4 và tháng 5, các nước như Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia đều có vài ngày ở ngưỡng gây ra tình trạng nắng nóng cực độ. Myanmar có 12 ngày như vậy cho tới khi bão Mocha đổ bộ.
Cũng theo báo cáo từ WWA, đợt nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 5 ở Đông Nam Á gây ra tình trạng nhập viện diện rộng, làm hư hỏng đường sá, gây hỏa hoạn và khiến trường học phải đóng cửa.
Nhiệt độ khắc nghiệt khiến người nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất, đồng thời phơi bày sự "bất bình đẳng mang tính hệ thống".
Tại các làng Yotpieng và Phon ở vùng Đông Bắc của Lào, sinh kế của người dân có mối liên hệ mật thiết với các kiểu thời tiết.
Cuộc sống của dân làng ở đây xoay quanh trà. Trong nhiều thế kỷ, cứ 7 giờ hàng ngày, những người nông dân trồng trà bắt đầu thu hái lá, đến 11 giờ họ mới mang thu hoạch về nhà. Sự sống còn của những cộng đồng này phụ thuộc vào việc hái chè để tạo thu nhập cho cả gia đình.
Nhưng nắng nóng gay gắt năm nay đang cản trở khả năng làm việc theo thói quen làm việc lâu đời. Họ phải thay đổi từ làm việc từ sáng sang chiều trong những đợt nắng nóng và lo lắng chất lượng cũng như số lượng chè sẽ bị ảnh hưởng.