Đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây
(Dân trí) - Đồng bào dân tộc Khmer ở nhiều địa phương Nam Bộ đang đón Tết Chôl-Chnăm-Thmây, Tết cổ truyền năm mới. Đây cũng được xem là một trong những lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của người Khmer Nam Bộ.
Ông Thạch Sang (ngụ ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề) cho biết: Tết năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng tư Dương lịch.
Năm nay, Tết của bà con bắt đầu từ tối ngày 13 (được coi là ngày cuối cùng của năm cũ) đến hết ngày 15/4. Đây là tháng thứ 5 (tháng Chét) theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm.
Nhiều chùa Khmer ở Sóc Trăng, Bạc Liêu trang trí rực rỡ đón Tết Chôl-Chnăm-Thmây.
Theo phong tục, trong giờ giao thừa giữa năm cũ và năm mới, người dân trong trang phục truyền thống của dân tộc Khmer, tập trung đến chùa thỉnh các vị chư tăng tụng kinh để tiễn đưa Têvađa (Chư thiên) năm cũ và đón mừng Têvađa năm mới (hay còn gọi là tiễn đưa Maha-song-krane (Đại lịch). Có năm tiễn đưa vào giờ này, có năm thì tiễn đưa vào giờ khác tùy thuộc vào sách Đại lịch hướng dẫn chứ không phải đúng 0 giờ hàng năm như Tết Nguyên đán của người Việt và người Hoa.
Tại điểm đón giao thừa, ở các chùa, sư sãi đánh trống hoặc đánh chuông và tụng kinh để đón Têvađa năm mới. Còn ở nhà, đồng bào phật tử thắp nhang, đốt đèn cầy, bánh trái, nước hoa, để cầu mong cho gia đình năm mới được hưởng nhiều may mắn và mọi sự tốt lành.
Đặc biệt, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái 3 lần để tiễn đưa Têvađa cũ và rước Têvađa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng, Têvađa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong trần gian.
Lễ đài nhiều màu sắc đẹp mắt.
Trong những ngày diễn ra Tết Chôl-Chnăm-Thmây, đồng bào phật tử đã bước vào ngày đầu của năm mới, buổi sáng và trưa đồng bào Khmer ở các phum sóc (tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình) dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng, làm nghi thức của Phật giáo.
Còn tại khuôn viên chùa có tục đắp Phnum-pon (đắp 1.000 núi tháp) bằng đất cát mang tính tượng trưng theo sự điều hành của các vị Achar. Ở một số nơi, người ta đắp núi tháp bằng lúa. Đêm về, nghe các vị sư tụng kinh cầu an năm mới, cầu cho quốc thái dân an và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl-Chnăm-Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát rom-wong, sara-vanh trước sân chùa.
Đắp núi cát là một biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết.
Ông Trần Hol (ngụ xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung) cho biết: Theo phong tục, ngày thứ nhất, con cháu đi thăm viếng, dâng quà, bánh cho ông bà, cha mẹ và đến chùa tham gia rước đại lịch Khmer, đón năm mới. Ngày thứ hai của năm mới, đồng bào Khmer tiếp tục dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng. Ngày thứ ba, từ buổi sáng, trưa đến chiều, đồng bào phật tử dâng cơm, lễ vật, nước hoa, bánh trái đến chùa để cúng Phật và dâng đến các vị chư tăng.
Tiếp theo đó, tiến hành làm lễ chắk kompi (tục bốc thăm) và thỉnh các vị chư tăng thuyết pháp theo Satra-slấk ríth (loại thư viết trên lá buông) nói về tiền kiếp của đức Phật (chuyện Prés-vếson-đo).
Tập tục tắm đức Phật tại ngôi chánh điện (nước tắm được pha nước thơm và có rắc cánh hoa sen), tắm cho các vị sư cao niên ở chùa nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Sau những nghi thức tắm đức Phật đến Pithi bong-skôl (lễ cầu siêu). Bong-skôl là lễ để từng họ tộc hay trong mỗi gia đình nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các bậc tiền nhân tại các tháp tập thể hoặc cá nhân trong khuôn viên nhà chùa.
Cùng vào thời điểm này, có gia đình còn tiến hành làm nghi thức tắm cho các bậc ông bà, cha mẹ, những người cao niên trong phum sóc đã có công ơn với mình. Tục tắm được tổ chức đơn giản, nhưng lại thể hiện đầy ý nghĩa giáo dục và biết ơn, cầu nguyện nhận được một lời khuyên bảo mọi điều tốt lành, có nhiều của cải và dồi dào sức khỏe.
Thăm viếng chúc Tết...
Chơi các trò chơi dân gian làm cho ngày Tết thêm vui tươi, phấn khởi.
Trong những ngày diễn ra Tết Chôl-Chnăm-Thmây, nhà chùa còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phong phú và đa dạng, hấp dẫn. Sôi động nhất là các trò chơi dân gian, như: kéo co, nhảy bao, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bịt mắt đập nồi đất, đua ghe ngo trên cạn, hát múa,… với nội dung đua tài, tranh sắc, hẹn hò với nhau và hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn, thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia.
Ông Trần Cam (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) cho biết: “Với bà con người dân tộc Khmer, Tết Chôl-Chnăm-Thmây là một cái Tết lớn nên cộng đồng người Khmer, dù ở đâu, làm gì cũng thu xếp về quê ăn Tết cùng gia đình. Năm nay, bà con chuẩn bị Tết rất chu đáo, dù mùa màng năm nay không được như những năm trước”.
Bạch Dương - Huỳnh Hải