Độc lạ thú vui câu cá... không lưỡi, không cần
(Dân trí) - Câu cá bằng cần và lưỡi câu là điều mà hầu như ai cũng biết, nhưng tại sông Phú Lộc (Đà Nẵng) người dân địa phương đã tìm ra một cách câu cá độc, lạ nhưng vô cùng hiệu quả mà không cần phải sử dụng cần câu và lưỡi câu.
Độc lạ với cách câu cá không lưỡi, không cần trên sông Phú Lộc
Nhiều năm trở lại đây cứ vào dịp cuối năm cũ và đầu năm mới, (khoảng từ tháng 12 – tháng 4 năm sau) người dân tại cửa sông Phú Lộc (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) lại đua nhau đi câu cá, không chỉ đơn giản là để giải trí, tìm niềm vui mà còn mang lại hiệu quả về mặt kinh tế khi mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Điều đặc biệt nằm ở bí kíp câu cá của người dân địa phương, câu mà không cần phải dùng đến cần câu hay lưỡi câu cũng có thể bắt được cá, nhiều khi lại được rất nhiều cá.

Ông Nguyễn Văn Hùng (trú quận Thanh Khê), câu cá trên cầu Phú Lộc cho biết - Cách câu cá không cần, không lưỡi đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Chỉ cần một cuộn dây cước dài khoảng 20-30m, một vỏ chai nhựa hình trụ tròn cao 15cm, với đường kính từ 4-5cm, cộng thêm một miếng chì nhỏ được cố định vào thành miệng chai buộc một đầu dây cước là có thể trở thành thợ câu cá chuyên nghiệp.
Mồi dùng để câu cá cũng rất đơn giản, nhưng rất đặc biệt đó là bột mì chúng ta thường ăn, chỉ việc bỏ một muỗng bột mì vào chai khuấy đều với nước và quăng chai xuống sông, chờ đợi vài ba phút là cá đến chui vào chai ăn mồi.

“Cá được câu vào mùa này là loại cá đối, đặc tính của loài cá này thường sống chủ yếu ven bờ biển hoặc các âu thuyền, lạch sông, cửa sông. Cá khi đã vào chai ăn mồi là không thoát ra được vì cá này không thể bơi lùi, đường kính chai nhựa thì nhỏ nên không thể quay đầu được, chính vì thế cá sẽ quậy làm rung chai, đầu còn lại của sợi cước được thợ câu nắm giữ rung lên người câu biết được sẽ kéo đều tay đưa cá lên bờ, mỗi lần như vậy được 1 hoặc 2 con cá mắc mồi”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Trần Huân một thợ câu lâu năm khác nói rằng, người đến câu ở đây chủ yếu là dân địa phương, có những người đến câu vì vui, giải tỏa căng thẳng trong công việc, còn cũng có nhiều người chọn việc câu cá này là một cái nghề trong năm của họ.

“Nếu vào chính mùa cá mỗi ngày có người câu được cả yến cá chứ không phải ít, giá thành cá đối dao động từ 20 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, vậy là cũng đủ tiền một ngày công, sức lực bỏ ra cũng không nhiều”, ông Huân bộc bạch.
Chí Lê