Độc đáo thư pháp "bút lửa" ở Hà Nội
(Dân trí) - Tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang diễn ra Hội chữ Xuân Kỷ hợi 2019, đặc biệt có xuất hiện một gian hàng vẽ tranh và thư pháp bằng bút lửa thu hút sự chú ý của nhiều du khách.
“Thư pháp trên Gỗ“ được viết từ cây "bút lửa" luôn được mọi người yêu thích bởi chất liệu cũng như độ tinh xảo của từng bức tranh.
Những vật phẩm về gỗ luôn mang hàm ý may mắn, hạnh phúc, mang đến điều tốt lành, thể hiện sâu sắc tấm lòng người mình yêu mến. Giá cả của gỗ còn tùy thuộc nhiều vào loại gỗ, độ tinh xảo, cũng như các sớ bên trong của thớ gỗ.
Là một người yêu thích đam mê với những bức tranh, nét chữ thư pháp anh Nguyễn Viết Quân (Vĩnh Phúc) đã tìm hiểu trên Internet và học hỏi từ một số người bạn rồi mày mò thực hiện dùng bút lửa để vẽ, viết trên gỗ.
Loại gỗ anh chọn để vẽ, viết lên là gỗ bạch tùng. Gỗ bạch tùng có xuất xứ tại Việt Nam, được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Chúng có đặc điểm nổi bật đó là: chắc chắn, khả năng hút ẩm không cao vì có thớ gỗ dày, mùi hương dịu nhẹ.
Để vẽ, viết một tác phẩm người vẽ cần phải chuẩn bị gỗ, bút vẽ, ý tưởng. Cây bút lửa được anh Quân tự chế đấu vào dòng diện 12V và chỉnh độ đậm nhạt theo ý muốn khi viết vào gỗ.
Từng nét chữ thư pháp khéo léo của anh Quân được thực hiện với cây bút tự chế của mình.
Chủ đề của vẽ, viết trong những ngày xuân này là những chữ thư pháp như Phúc, Lộc, Thọ, An Khang Thịnh Vượng... chủ yếu là những tác phẩm cầu may mắn trong năm mới.
Một số bức tranh, chữ đã được hoàn thành.
Khi vẽ xong trên gỗ, tác phẩm được phủ một lớp bóng để những nét chữ, chi tiết bức tranh để giữ được lâu với thời tiết ẩm ở Việt Nam.
Toàn Vũ