Độc đáo những bài văn “phá mẫu" của học sinh trường quốc tế

(Dân trí) - Bạn đọc sẽ bắt gặp ở đây một năng lực Văn của những em học sinh có lối sống hồn nhiên mà tinh tế, đôn hậu mà thông minh, khoáng đạt mà khuôn phép - một khuôn phép của con người chuẩn bị cho thời đại bốn chấm không của Dân tộc ta.

 

Độc đáo những bài văn “phá mẫu của học sinh trường quốc tế - Ảnh 1.

Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ tại Tọa đàm “Học văn thời 4.0”

Đó chính là lời chia sẻ của Nhà giáo Phạm Toàn về cuốn sách “Em học - Em nghĩ - Em làm” - tập hợp sản phẩm học tập môn Văn - Tiếng Việt của học sinh trường PTLC Quốc tế Gateway trong buổi Tọa đàm “Học văn thời 4.0”

Thế giới đầy sáng tạo của học sinh Gateway

Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway xác định môn Văn trong nhà trường không hướng đến mục tiêu đào tạo học sinh trở thành "thợ viết", càng không phải trở thành nhà thơ, nhà văn. Nhưng trong cuốn sách nhỏ nhắn này có những tác phẩm nghệ thuật đích thực ra đời từ chính cõi lòng ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ. Ít ai có thể tưởng tượng được một học sinh lớp 2 có thể viết được bài thơ haiku như thế này:

Thuyền đi dưới trăng

Trăng đi dưới thuyền

Có người lênh đênh

(Hoàng Vinh - 2D)

Đó là tiếng nói thành thực của tâm hồn không thể do nhại lại lời giảng của giáo viên mà cất lên được.

 

Độc đáo những bài văn “phá mẫu của học sinh trường quốc tế - Ảnh 2.

Một vài tác phẩm của học sinh trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway

Cầm cuốn sách trên tay, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không giấu được sự thích thú. Ông chia sẻ "Tôi thích đọc cuốn sách này vì tôi yêu sự chân thật, hồn nhiên ở đó."

Cuốn sách gồm 3 phần, mỗi phần một sắc điệu.

Phần 1 là tập hợp những bài vè, những dòng nhật kí của các em học sinh lớp 1. Qua đó, ta thấy được cách nhìn, cách cảm và cách biểu đạt hồn nhiên, trong sáng của các em về cuộc sống xung quanh. Không chỉ vậy, những con chữ ấy còn ẩn chứa cả niềm vui trẻ thơ của những em nhỏ lần đầu tiên biết tự đọc, tự ghi tiếng Việt.

Phần 2 là thế giới sáng tạo của học sinh lớp 2,3,4,5. Bước vào thế giới ấy, có khi ta ngỡ ngàng với kết thúc mới lạ của những câu chuyện quen thuộc. Có khi ta thích thú với những tác phẩm chuyển thể độc đáo. Có khi ta lại đắm chìm trong những vần thơ, những câu chuyện thú vị. Tất cả đều là sản phẩm sáng tạo của chính các em, mỗi em một màu sắc cá tính riêng. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tỏ ra rất bất ngờ với các sản phẩm dịch của học sinh. Cùng dựa trên một nguyên tác nhưng mỗi em học sinh có một cách dịch riêng thể hiện một cách đọc, một cách cảm và một cách biểu đạt riêng. Không chỉ vậy, phần kịch của học sinh cũng làm ông cảm thấy ngạc nhiên vì trong đó không chỉ có nhân vật và lời thoại mà còn có xung đột, cao trào, thắt nút, mở nút cho thấy sự hiểu biết chắc chắn của các em về nghệ thuật kịch.

Không kém phần thú vị, phần 3 với các sản phẩm văn nghị luận lại thể hiện rõ sự trưởng thành của các em học sinh lớp 4,5. Qua đó, các bạn nhỏ 9-10 tuổi đã trực tiếp bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng của bản thân về các vấn đề xã hội gây nhiều tranh cãi như phân biệt đối xử, đua xe trái phép, quyền trẻ em…

 

Độc đáo những bài văn “phá mẫu của học sinh trường quốc tế - Ảnh 3.

Học sinh trường Gateway thường lựa chọn những vấn đề nóng từ thực tiễn

Nhà văn - nhà giáo Phạm Toàn - cố vấn giáo dục của trường PTLC QT Gateway trong lời mở đầu của cuốn sách đã viết: “Tại cuốn sách, chúng ta bắt gặp một năng lực Văn của những em học sinh có lối sống hồn nhiên mà tinh tế, đôn hậu mà thông minh, khoáng đạt mà khuôn phép - một khuôn phép của con người chuẩn bị cho thời đại 4.0 của đất nước.”

Không chỉ khơi gợi được trí tưởng tượng từ chính những tác phẩm, cuốn sách còn là cơ hội để các em phát huy tối đa năng lực sáng tạo bởi hình thức thể hiện phong phú. Người đọc sẽ nhìn thấy một những năng lực nằm ngoài những con chữ. Bên cạnh ngôn từ, các em còn minh họa cho tác phẩm của mình bằng những bức tranh độc đáo, những nét vẽ ngây thơ và trong sáng.

Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương chia sẻ: “Vẽ là một hành động vô thức của con người từ nhỏ. Các tác phẩm của trẻ là những nét vẽ hồn nhiên, không bị tạp hay chi phối bởi lý trí, vẻ đẹp nằm ở logic của sự trung thực, tôn trọng cảm xúc của mình. Và văn học tôn trọng sự khác biệt trong từng sự sáng tạo của trẻ”.

Khi học Văn không phải là học "làm theo mẫu"

Mỗi tác phẩm trong cuốn sách ‘Em học - Em nghĩ - Em làm” đều thể hiện một cá tính và sự sáng tạo độc đáo không thuộc một khuôn mẫu nào. Trong những bài văn của học sinh trường Gateway không có một người mẹ chung “mặt trái xoan, tóc đen dài, da trắng hồng, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, lông mày lá liễu, tảo tần vất vả quanh năm làm lụng nuôi con” hay một người bà chung “hiền từ, tóc bạc trắng, miệng bỏm bẻm nhai trầu và kể chuyện cổ tích”. Các em được quyền sống thực và phản ánh thực suy nghĩ và tình cảm của riêng mình.

Độc đáo những bài văn “phá mẫu của học sinh trường quốc tế - Ảnh 4.

Học sinh trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway thích thú ngắm nhìn những sản phẩm của mình

Nhưng học sinh Gateway cũng không phải là những nhà thơ nhà văn dù sản phẩm của các em xứng đáng được coi là những tác phẩm nghệ thuật. Cần phải nhắc lại một lần nữa, nhà trường phổ thông không có nghĩa vụ và cũng không có khả năng đào tạo ra những nghệ sĩ. Nhà trường phổ thông chỉ có thể “chăm sóc nuôi dưỡng năng lực cảm nhận và biểu lộ tình cảm của các em theo phương thức nghệ thuật Văn” như lời nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ.

Để hoàn thành sứ mệnh đó, mỗi giáo viên Văn - Tiếng Việt Gateway đều phải tự nhắc nhở bản thân mình lớp học không phải là thánh đường, nhà giáo không phải người truyền giáo. Nhiệm vụ của giáo viên không phải là giảng giải, truyền thụ kiến thức mà là tổ chức việc học của học sinh. Đối với môn Văn, học sinh phải được tổ chức “đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi”, làm lại những thao tác chắt lọc mà người nghệ sĩ đã làm. Khi tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật, các em được sống lại với tâm trạng của nghệ sĩ khi sáng tạo, từ đó tự mình cảm nhận, suy nghĩ thay vì nghe giảng và nhại lại cảm thụ của người lớn.

Con đường học Văn của học sinh Gateway vì thế đi từ gốc của Văn là lòng đồng cảm. Ngay từ lớp Một, các em học sinh học cách tạo lòng đồng cảm qua trò chơi đóng vai. Ở lớp 2, lớp 3 và lớp 4 các em được làm lại các thao tác nghệ thuật của người nghệ sĩ khi làm ra tác phẩm để tự mình tạo ra được hình tượng nghệ thuật với đầy đủ ý tứ trong một bố cục cụ thể của thể loại. Lên lớp 5, các em dùng tấm lòng đồng cảm và các thao tác nghệ thuật đó để đến với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Ở bậc THCS, với phương pháp học Văn đã được trang bị từ bậc tiểu học, học sinh tập tự học, tự khám phá cảm hứng sáng tạo, tìm cách giải mã tác phẩm nghệ thuật và tập nghiên cứu.

“Học văn tại Gateway giúp học sinh được viết cái mình nghĩ, tự triển khai ý của mình, tự sáng tạo và phát huy năng lực cá nhân. Tôi đánh giá cao việc cá nhân hóa học tập tại Gateway và tinh thần giáo dục khai phóng của nhà trường” Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nguyên chia sẻ.

Sự ra đời của cuốn sách “Em học - Em nghĩ - Em làm” là một cách lưu giữ làm kỷ niệm như những bằng chứng đẹp đẽ cho một cách học khác, một cách nghĩ khác, một cách làm khác của thầy trò trường Gateway. Với cách học Văn đó, học sinh Gateway có tâm hồn phong phú, đồng thời có khả năng biểu đạt những cảm xúc rung động của bản thân theo phương thức nghệ thuật Văn.

P.V