Độc đáo nghề tạc tượng từ gốc tre của nghệ nhân phố Hội
(Dân trí) - Từ những gốc tre khô sần sùi, ông Huỳnh Phương Đỏ (TP Hội An, Quảng Nam) đã "phù phép" chúng thành những sản phẩm độc đáo, ấn tượng thu hút du khách gần xa.
"Đỏ tre" là biệt danh mà mọi người dành cho nghệ nhân điêu khắc tượng tre Huỳnh Phương Đỏ (49 tuổi, phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam). Gần 20 năm nay, ông gắn bó với nghề dù bao thăng trầm, khó khăn và cũng từ đó gặt hái được những thành công lớn.
Kể về cơ duyên với nghề tạc tượng tre, ông Đỏ chia sẻ, ông sinh ra trong gian khó, chuyên tâm học nghề điêu khắc từ năm 16 tuổi, chỉ mong sau này theo nghề sẽ có cuộc sống ổn định. Không ngờ cũng vì cái nghèo cái khó mà không mở nổi xưởng, tiền làm thuê không đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên phải chuyển nghề.
Để mưu sinh, ông làm đủ nghề, nhưng may sao cái duyên với nghề điêu khắc vẫn còn, đã giúp ông mở ra một hướng đi riêng để đứng vững và cho gia đình ông một cuộc sống tốt hơn.
"Nếu không tận mắt chứng kiến trận lũ lịch sử miền Trung năm 1999, thì chắc tôi không có sự nghiệp như ngày hôm nay. Bởi khi nhìn thấy những gốc tre trôi dạt vào bờ, tôi chợt lóe lên ý nghĩ sẽ thử tạc nên những hình dáng khác nhau từ nó. Nghĩ là làm, tôi nhặt gốc tre về rồi ngồi mày mò nghiên cứu. Lúc đó cũng nhiều người gièm pha, nhưng tôi đã quyết tâm thì làm đến cùng, may mắn tôi đã chọn đúng", ông Đỏ tâm sự.
Khác với việc tạc tượng từ các loại gỗ có sẵn phôi gỗ cụ thể; tạc tượng từ gốc tre, theo ông Đỏ, cần sự sáng tạo nhiều hơn. Bởi mỗi gốc tre với nhiều hình dạng, với những bộ rễ đi theo dài ngắn tùy kiểu.
Người thợ tạc tượng từ gốc tre cần có đôi mắt liên tưởng ra những hình dáng phù hợp với từng gốc, không gốc nào giống nhau nên số tác phẩm tượng gốc tre luôn đa dạng về hình thù, kích cỡ.
Để hoàn thành một tượng tre điêu khắc thủ công là một quá trình không hề đơn giản và rất công phu. Ông Đỏ phải tìm mua gốc tre già ở nhiều nơi, vùng đất thịt và đất sét thì gốc tre cứng cáp, rễ ngắn, vùng đất cát thì rễ tre dài, nhiều gai.
Sau khi được đào lên, gốc tre được tách tạo dáng, ngâm trong bùn 9 tháng, tiếp tục vớt lên làm sạch và phơi nắng trong khoảng 10 ngày để gốc tre cứng hơn và không bị mối mọt.
"Khách hàng tìm tới sản phẩm gốc tre nghệ thuật thường là những người thích phong cách tự nhiên, độc đáo, không đụng hàng nên nghệ nhân khi chế tác cũng phải cố gắng giữ lại những nét đẹp nhất, có hồn nhất của bản gốc", ông Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ.
Bên cạnh việc điêu khắc chân dung các nhân vật lịch sử, tâm linh, danh nhân nước ngoài, ông Đỏ còn rất khéo tay trong việc đục truyền thần (tạc tượng chân dung người thật). Trung bình mỗi gốc tre ông hoàn thành trong 2 giờ (tùy vào độ khó), nhưng cũng có những sản phẩm kỳ công ông mất hơn 1 tháng để hoàn thiện.
Điều đặc biệt góp phần làm nên tên tuổi của người nghệ nhân này chính bởi tất cả các tác phẩm anh tạo ra chỉ có phần đầu. Bởi lẽ, ở phần rễ của gốc tre, đó là chi tiết được ông dùng tận dụng để khắc họa nên các bộ râu trên gương mặt cho bức tượng.
Được biết, giá thành của một sản phẩm tượng gốc tre của ông Đỏ dao động từ 150 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy vào độ khó và kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Hằng ngày, khách du lịch tham quan, khách hàng từ nhiều nơi vẫn tìm đến chiêm ngưỡng và hỏi mua loại tượng độc nhất vô nhị này. Để rồi những món hàng lưu niệm làm từ gốc và rễ tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ theo chân du khách đi nhiều nơi trong nước lẫn nước ngoài.
Hiện tại, với danh sách gồm 7 đơn vị tỉnh, thành từ Bắc tới Nam có đại lí phân phối quà lưu niệm bằng gốc tre, quả thực những "đứa con" do người nghệ nhân phố cổ này "thổi hồn" đã khẳng định được thương hiệu trên khắp mọi miền đất nước.