Độ nóng của đám đông và sự soi mói độc ác
Những ngày vừa qua, tôi đã thấy một đám đông như vậy. Trong những thời điểm mà độ nóng của một sự việc lên đến đỉnh điểm, hầu khắp các trang mạng như mắc phải một cơn “lên đồng” tập thể.
Mọi khía cạnh của vấn đề đều được xoáy tới, những cá nhân liên quan tới vụ việc cũng dễ dàng tìm thấy trên mặt báo. Kể cả những suy luận, đồn đoán dù mơ hồ, xa rời bản chất sự việc… cũng có thể nhìn thấy rải đầy trên các trang tin điện tử và mạng xã hội. Thông tin ngồn ngộn có thể giúp chúng ta có cái nhìn rõ nhất về bản chất sự việc.
Thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội, cũng là lúc tư tưởng của đám đông lên ngôi. Khi người ta quá dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tràn lan trên mạng, tự bản thân họ cảm thấy cuộc sống của mình gắn kết với những sự kiện đó và mình cần phải phát biểu, phải lên tiếng. Và ngay khi họ lên tiếng về vấn đề gì nóng bỏng hay nổi bật, tức là họ đã bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, bất kể lời họ nói là gì. Họ có quyền lựa chọn nêu lên quan điểm của mình hoặc im lặng, nhưng họ đã không im lặng, họ đã bị cuốn theo đám đông.
Bản thân mỗi người đứng trong đám đông không ý thức được mình đang bị ảnh hưởng, họ vẫn nghĩ mình đang giữ được sự tự chủ và vẫn là chính bản thân mình. Tuy nhiên họ không để ý rằng mình đã mất khả năng phản biện chính những suy nghĩ hành động của mình, một biểu hiện phổ biến của những người bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.
Trong thời gian tôi thực hiện chiến dịch Ngưng Ngược Đãi, tôi đã được nghe tâm sự của nhiều người gửi về và có những câu chuyện tôi không thể nào quên. Một trong số đó là câu chuyện về một em gái đã từng bị bạn trai cũ tung ảnh và clip “nóng” lên mạng xã hội. Khi đó, em đã đứng trên tầng thượng chuẩn bị tự tử nhưng may mắn thay em đã ở lại cuộc sống này nhờ có bạn bè bên cạnh bảo vệ, quan tâm và yêu thương.
Thời điểm đó, em rất sợ khi phải đến lớp, bởi xung quanh khi ấy toàn những lời trêu chọc, ám chỉ, dè bỉu, thậm chí chửi rủa. Nhưng em gái dũng cảm này đã quyết định đến gặp từng người nói xấu mình để nói chuyện thẳng thắn và chính những người to mồm nhất khi đứng trong đám đông, thì khi đối diện em, đó lại là người tỏ ra sợ hãi nhất.
Câu chuyện trên mô tả rõ nhất về sự yếu ớt của từng cá thể khi đứng trong đám đông, rằng sự yếu ớt đó chỉ được thể hiện rõ rệt khi bị tách ra riêng lẻ. Ví dụ như việc nhiều báo mạng hay trang tin điện tử quá hào hứng khai thác đời tư cá nhân hay những câu chuyện bên lề của những sự kiện nóng hổi, trong khi đáng lẽ ra báo chí phải hiểu rõ nhất Điều 31 và Điều 38 của Bộ luật Dân sự về quyền nhân thân, với những quyền của cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư.
Khi đại bộ phận người Việt Nam chưa ý thức hết được về quyền nhân thân của mình, rằng không ai có quyền chụp ảnh và xoáy vào nỗi đau của họ khi họ chưa cho phép, thì báo chí phải ý thức được điều này rõ ràng nhất và nghiêm túc tôn trọng quyền đó. Bị ảnh hưởng và lôi kéo bởi đám đông, tiếc thay không ít bài viết được coi là nóng hổi đã quây lấy, xoáy sâu vào cha mẹ, con cái của các nghi phạm/bị can trong các vụ trọng án để khai thác thông tin, để câu view.
Sẽ có người nói rằng họ làm như vậy là để phục vụ nhu cầu của độc giả, truyền tải thông tin đến bạn đọc về những gì đang được quan tâm. Thế nhưng điều này không thể ngụy biện cho việc khai thác thông tin một cách quá đà, khi mà không phân biệt rõ ràng giữa ranh giới quan tâm và soi mói.
Phục vụ nhu cầu người đọc là chính đáng, nhưng báo chí còn đóng vai trò cốt yếu trong việc định hướng dư luận xã hội. Phản ánh trung thực các khía cạnh của một vấn đề nóng luôn cần có cái tâm, cần sự tư duy tích cực và những tư duy độc lập để tránh không bị cuốn theo đám đông. Quá đà khi câu view, không cẩn thận lại thành ra sự soi mói độc ác là bởi vậy!
Theo Hạ Hồng Việt
An Ninh Thủ Đô
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Đời sống, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa – Du lịch báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email doisong@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |