Đẩy mạnh quan hệ kinh tế, ngoại giao với châu Âu - châu Mỹ hướng tới phát triển bền vững đất nước

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tại khách sạn Melia Hà Nội, tối ngày 7/4/2022, Bộ Công thương với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tổ chức chương trình "Gặp gỡ các đối tác châu Âu - châu Mỹ năm 2022".

Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Gặp gỡ các đối tác châu Âu - châu Mỹ năm 2022" được tổ chức với mục đích tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác châu Âu - châu Mỹ. Đây cũng là cơ hội để Bộ Công thương cập nhật, gửi gắm các thông điệp về chính sách, kết nối, trao đổi các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng… giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong bối cảnh cùng hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Đẩy mạnh quan hệ kinh tế, ngoại giao với châu Âu - châu Mỹ hướng tới phát triển bền vững đất nước - 1

Tại sự kiện, thay mặt Bộ Công thương Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các quốc gia, vùng lãnh thổ, các đối tác bạn bè trên thế giới, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ, tích cực hỗ trợ Việt Nam và Bộ Công thương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đẩy mạnh quan hệ kinh tế, ngoại giao với châu Âu - châu Mỹ hướng tới phát triển bền vững đất nước - 2

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh được dự báo có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đó là: Dịch bệnh Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, thiếu ổn định với nguy cơ lạm phát, giá cả các mặt hàng tăng cao; bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang diễn ra ở một số nơi… đã và đang gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn, đe dọa đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, nhất là về nguyên, nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm và một số vật tư chiến lược.

Đẩy mạnh quan hệ kinh tế, ngoại giao với châu Âu - châu Mỹ hướng tới phát triển bền vững đất nước - 3

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, các Đại sứ và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp khu vực Âu - Mỹ, các doanh nghiệp đã tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, xuất khẩu.

Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng với mục đích quảng bá và giới thiệu về năng lực sản xuất, các sản phẩm có thế mạnh của ngành Công Thương nói riêng và của Việt Nam nói chung, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham dự.