(Dân trí) - Truyền thống làng nghề làm nhạc cụ dân tộc của Đào Xá (xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) có nguy cơ mai một. Nghệ nhân Đào Soạn tâm huyết cố gắng truyền lại nghề cho các con.
ĐÀO XÁ VẪN CÒN CÓ NGƯỜI NGHỆ NHÂN TÂM HUYẾT ĐÀO SOẠN
Truyền thống làng nghề làm nhạc cụ dân tộc của Đào Xá (xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) có nguy cơ mai một. Nghệ nhân Đào Soạn dù tâm huyết song tuổi ngày càng nhiều, nay ông đang cố gắng truyền lại nghề cho các con mong giữ cho được truyền thống gia đình và quê hương.
Ông Đào Văn Soạn (làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) được phong Nghệ nhân ưu tú từ năm 2016, vì có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống. Gia đình ông đã 4 đời làm các loại đàn dân tộc.
Nghề làm đàn đã có từ gần 200 năm, khởi đầu do cụ Đào Xuân Lan truyền dạy. Xưa người Đào Xá đã vào nội thành Hà Nội lập phường nghề. Đến nay vẫn còn người Đào Xá chuyên bán các loại nhạc cụ dân tộc ở quanh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ở phố Hào Nam. Trong ảnh là cây đàn nhị do gia đình ông Soạn làm.
Ông Soạn và cây đàn đáy được khảm trai trên cần và bịt da rắn ở hộp cộng hưởng âm. Ông Soạn làm nghề đã 50 năm, nay tuổi cao sức yếu, ông bắt đầu truyền nghề lại cho các con và dâu, rể trong nhà.
Cây đàn thập lục này được là một kỉ vật quí của gia đình ông, đến nay đàn đã có 120 năm tuổi. Gia đình ông làm tất cả các loại nhạc cụ như: đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn đáy, đàn tì bà, đàn chanh, đàn bầu... đây đều là những nhạc cụ có dây.
Anh Đào Văn Tuấn là con trai cả của ông Soạn đang chuốt lại cây đàn chanh trước khi đem sơn. Đàn chanh còn có tên là đàn thập lục, xưa chỉ có 16 dây, nhưng nay có thể 17, 19, 21 dây nếu khách hàng yêu cầu. Ông Soạn cho biết dù nhiều dây hơn để thể hiện rộng hơn các nốt cao thấp song âm thanh của đàn không bị ảnh hưởng.
Các loại nhạc cụ được làm theo chuẩn nhất định song cũng có loại làm theo yêu cầu như cây đàn nguyệt cho hát văn thì tiếng phải trầm, còn trình diễn sân khấu âm thanh lại khác. Đàn chanh và đàn nguyệt là 2 loại đàn khó làm hơn cả nhưng đàn nào cũng cần sự tỉ mỉ, cầu kì, chính xác.
Gia đình ông Soạn làm gần như tất cả các công đoạn, từ chọn gỗ, đóng thùng đàn, sơn... chỉ có công đoạn khảm trai là phải thuê người làm.
Ở Đào Xá hiện không còn nhiều người làm đàn, người dân chuyển nghề khác vì có thu nhập cao hơn. Nguyên liệu ngày càng khan hiếm, và nhu cầu về nhạc cụ dân tộc ngày càng ít, lượng đàn bán ra vì thế cũng giảm theo.
Ông Soạn tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn rất tâm huyết, ông vẫn ấp ủ thành lập tổ văn nghệ Đào Xá, còn các con ông thì cố gắng dạy nghề cho thế hệ trẻ để giữ gìn truyền thống gia đình. Trong ảnh là nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn và cây đàn chanh cổ bên vô số bằng khen.
Sản phẩm của Đào Xá có mặt khắp mọi miền đất nước, và len lỏi đến tay các nghệ sĩ cũng nhiều.
Ông Soạn và cây đàn tứ do gia đình sản xuất.