Đằng sau chuyện cô gái từ chối đoàn tụ bố mẹ đẻ đã bỏ rơi mình 20 năm trước

Tô Sa

(Dân trí) - Cô gái Trung Quốc 25 tuổi bị bố mẹ ruột liên tục quấy rối, buộc tội "vô lương tâm" và "ác độc" vì từ chối đoàn tụ.

Trên mạng xã hội Douyin, cô gái họ Luo, 25 tuổi, đến từ tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), cho biết bị bố mẹ ruột bỏ rơi khi cô mới một tháng tuổi. Luo chỉ phát hiện sự thật vào năm 19 tuổi khi bố mẹ ruột trở về tìm cô.

Kể từ đó, cô gái trẻ liên tục bị họ quấy rối, buộc tội "vô lương tâm" và "ác độc" vì từ chối đoàn tụ. Họ cũng chỉ trích bố mẹ nuôi của Luo "đã không dạy dỗ con tử tế", SCMP đưa tin. 

Cô tiết lộ bố mẹ ruột sống trong một ngôi làng tự xây khi cô sinh ra. Điều này cho thấy họ đủ khả năng nuôi dạy cô. Hai năm sau khi bỏ rơi con gái, họ sinh thêm một bé trai.

Gần đây, họ cử một người chú đến nói với Luo rằng người em trai mà cô chưa từng gặp mặt đã có bạn gái và yêu cầu cô "làm thân với anh ta".

"Họ chưa bao giờ đến thăm tôi một lần trong 20 năm qua. Giờ đây khi tôi trưởng thành, họ muốn tôi báo đáp", Luo nói.

Đằng sau chuyện cô gái từ chối đoàn tụ bố mẹ đẻ đã bỏ rơi mình 20 năm trước - 1

Lou bị bố mẹ đẻ bỏ rơi khi cô mới một tháng tuổi (Ảnh: Douyin).

Các bài đăng trên mạng xã hội của Luo đã lan truyền từ cuối tháng 5. Những người dùng mạng bày tỏ phẫn nộ về hành động "trơ trẽn" của bố mẹ ruột Luo. Cộng đồng mạng cho rằng những gì họ theo đuổi là sự giúp đỡ tài chính từ con gái mà họ đã bỏ rơi để giúp nuôi dạy con trai mình.

Luo cho biết bố mẹ nuôi là những người nông dân thật thà và khiêm tốn. Họ đã bỏ rất nhiều tiền và công sức để chính thức nhận nuôi và nuôi dạy cô thật tốt như đứa con duy nhất của họ.

"Lương tâm đáng giá bao nhiêu? Không có gì sai khi tôi là một bé gái bị bỏ rơi", Luo viết trong bài đăng của mình.

Truyền thống trọng nam khinh nữ đã dẫn đến tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc. Theo Tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ 7 năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh là 111,3 nam trên 100 nữ.

Mặc dù con số này đã giảm so với cuộc điều tra dân số lần thứ sáu cách đây một thập kỷ, là 118,06. Nhưng nó vẫn chưa bằng với tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên do Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, dao động từ 103 đến 107 bé trai trên 100 bé gái.

Theo báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc xếp thứ 145 trên 146 quốc gia được khảo sát.

Hiện tượng chuộng con trai thể hiện qua một số hoạt động như: Phá thai lựa chọn giới tính, tiếp tục sinh con cho đến khi sinh con trai hay đặt tên phân biệt giới tính cho con gái để thể hiện mong muốn có con trai. 

Điều này ngày càng bị phản đối những năm gần đây trong bối cảnh phong trào nữ quyền trỗi dậy.

Trong video mới nhất vào ngày 1/6, Luo cho biết: "Khi tôi trở thành mẹ của một bé gái dễ thương, tôi mới biết cha mẹ đã khó khăn như thế nào để nuôi dạy tôi. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ con cái".