Đăng ảnh con lên Facebook thế nào để không phạm luật?
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải cứ đăng hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật mà ở đây muốn nhấn mạnh về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.
Mới đây thông tin cha mẹ đăng hình ảnh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em lên Facebook sẽ vi phạm pháp luật nhận được nhiều quan tâm của phụ huynh. Nhiều người cho rằng, tâm lý của người Việt là thích “khoe” con. Con cái là niềm tự hào, cho nên việc đăng tải hình ảnh, hoạt động vui chơi của con giống như một cách thể hiện tình cảm, gắn kết các thành viên trong gia đình.
Liên quan đến vấn đề này, anh Hùng (Cầu Giấy – Hà Nội) băn khoăn: “Ai sẽ quản lý, phát hiện và cơ chế xử lý, giám sát ra sao? Có phải cứ đăng hình con lên là phạm luật hay không? Tôi nghĩ nên chăng chúng ta chỉ nên đưa ra khuyến cáo chứ không thể coi đó là hành vi vi phạm pháp luật được”, anh Hùng nói.
Trong khi đó, chị Hoa (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết, dù không đồng tình với việc “khoe” con trên mạng xã hội nhưng theo chị quy định này khó khả thi. “Đây là quyền tự do cá nhân và do ý thức của từng người. Không phải cha mẹ nào cũng xin phép con trước khi đưa ảnh lên Facbook được . Hơn nữa, là trẻ con, các con có thể đồng ý nhưng rồi lại thay đổi thì sao, ai sẽ là người chứng kiến? ”, chị Hoa đặt câu hỏi.
TS tâm lý Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, thực tế việc phụ huynh đăng hình ảnh của con lên Facebook đã được nhiều nước đưa vào Luật. Trong đó, các bậc cha mẹ có thể phải đối mặt với một khoản phạt tiền hoặc ngồi tù chỉ vì “khoe” hình ảnh con cái của mình lên mạng xã hội.
Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên vấn đề này chính thức được đưa vào Luật. “Nhiều cha mẹ khoe ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ quyền thiết lập riêng tư sẽ khiến con có thể đối mặt với nhiều vấn đề nguy hại. Khi đó, hậu quả sẽ rất khó lường”, chuyên gia này nói.
TS Kim Quý phân tích, cha mẹ muốn khoe ảnh và thành tích của con lên mạng nhưng chưa chắc trẻ đã thích. Có em ngại, xấu hổ không thích khen nhiều, không muốn nhiều người biết. Hoặc đôi khi, việc khen ngợi quá cũng khiến trẻ chủ quan, mắc bệnh “ngôi sao” mà không cần phấn đấu. Thực tế, không ít trường hợp, trẻ cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm vì những lời bình phẩm trên mạng.
“Theo nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em thì từ 07 tuổi trở lên, các em đã bắt đầu có ý thức về những hành vi và những mối quan hệ xã hội của mình vì vậy bố mẹ nên tạo cho mình thói quen tôn trọng ý kiến của con. Mặt khác, chúng ta phải tính đến nguy cơ trẻ bị lợi dụng, xâm hại, bắt cóc. Kẻ xấu có thể sử dụng hình ảnh con cái bạn vào cả những vấn đề đồi trụy khác”, bà Quý nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc đưa ra quy định cấm ở thời điểm này là “vội vàng” và “Luật đã đi trước thực tiễn quá xa”. “Tôi nghĩ trước tiên chúng ta phải thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh bằng cách tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức được hành vi của mình sau đó mới đưa ra các quy định về chế tài xử phạt, cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm. Đặc biệt, trước khi ban hành quy định cụ thể cũng cần lấy ý kiến rộng rãi của dư luận”, bà Quý nói.
Đồng quan điểm, Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng, xét ở một góc độ nhất định thì quy định này rất nhân văn. Cơ quan chức năng mong muốn hạn chế được tình trạng vì thông tin của cha mẹ đăng tải mà trẻ sẽ gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như: tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn âm thầm theo dõi trên Internet.
Luật sư này cũng phân tích, không phải cứ đăng hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật mà ở đây muốn nhấn mạnh về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Mục đích của quy định là nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền lợi và sự an toàn của trẻ em. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này trong thực tế theo ông Bình sẽ vấp phải nhiều khó khăn. “Dù có quy định cấm nhưng luật lại chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Bên cạnh đó, rất khó để xác định được khi nào việc đăng tải hình ảnh, thông tin của con là vi phạm pháp luật”, ông Bình nói.
Liên quan đến việc xin phép con, chuyên gia này bày tỏ: “Sẽ có một kết quả là nếu bố mẹ tự ý đăng ảnh con và bị phạt thì các con sẽ lại trả lời rằng các cháu có đồng ý. Và ai là người sẽ chứng kiến việc đồng ý hay không đồng ý của các cháu?”. Vì vậy, luật sư Bình cho rằng, để tránh vi phạm pháp luật và đặc biệt là bảo đảm được sự an toàn cho các con bố mẹ cần thay đổi tư duy, tôn trọng ý kiến của con và hiểu được các mối nguy hiểm khi đăng tải quá nhiều hình ảnh, thông tin cá nhân của con lên các trang mạng xã hội.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết từ 1/6, nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến, nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ. Liên quan đến cơ chế xử lý, giám sát thực hiện quy định này, ông Nam thông tin: “Hiện tại chúng tôi mới đề nghị các cơ quan sửa lại luật xử lý vi phạm hành chính, theo hướng quy định phạt bao nhiêu, gỡ thông tin thế nào. Sau đó, cần phải quy định cụ thể trong một nghị định hướng dẫn mới xử lý được”.
Hà Trang