Dân mạng bức xúc với nhóm khách làm loạn sân bay, chê đồ ăn không hợp
(Dân trí) - Nhiều người không khỏi bức xúc khi xem clip nhóm hành khách làm loạn tại sân bay về việc cách ly, gây khó dễ cho cán bộ thi hành công vụ, chê đồ ăn nuốt không vào.
Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ clip ghi lại cảnh nhóm hành khách Việt gây khó dễ tại sân bay Nội Bài về việc cách ly.
Được biết, sau khi đáp chuyến bay từ Châu Âu về, nhóm khách được cơ quan chức năng yêu cầu đợi xe đến đưa đi cách ly. Cán bộ phụ trách mong thông cảm vì xe đón phải đảm bảo yếu tố khử trùng nên làm mọi người phải chờ lâu.
Một nhóm khách tỏ thái độ, nhất là một vị khách nữ tóc ngắn, mặc áo đen lên tiếng ầm ĩ, chát chúa về việc phải chờ đợi lâu. Chị này luôn to tiếng, chen ngang, át hết cả tiếng của người thi hành công vụ để đòi hỏi, cho rằng ở đây quá ngột ngạt, lo lây chiễm chéo, đòi cách ly tại nhà, chê đồ ăn nhân viên phát là "ăn không vô", rồi có con nhỏ đi theo ăn uống thế nào...
Khi xem clip này, nhiều người bị "tuột hết năng lượng tích cực" với sự to tiếng của vị khách nữ về nhưng những yêu sách, chê bai này nọ khi từ nước ngoài về trốn dịch.
Tài khoản Trần Triều chia sẻ, anh xem clip nhóm khách gây loạn ở sân bay mà sợ, phải nói là điên quá hết chịu nổi:
"Cô mặc đồ đen đanh đá quá. Cô và đoàn chờ xe đến để đưa đi cách ly, xe chưa đến mà cô liên tục hét lên trước mặt người thi hành công vụ. Miệng bịt khẩu trang rồi mà nghe còn chát chúa khủng khiếp.
Trong lúc nguy cấp như vầy, cả nước cùng đồng lòng và đoàn kết. Mà một trong những điều thể hiện đoàn kết nhất là nghĩ đến sự vất vả của người khác một chút, làm ơn. Đừng nghĩ đến mình quá nhiều và giảm đanh đá cá cày lại đi. Quê hương mở cửa đón mình về đã là rộng vòng tay đón người có thể mang mầm bệnh về đó. Vậy mà về đến sân bay, đòi hỏi chát chúa quá. Lúc này, đoàn kết nghĩa là hạ giọng thấp xuống, bớt giận dữ, bớt ghê gớm. Phụ nữ mà đanh đá quá sẽ khiến người đối diện không chết vì corona mà chết vì mất năng lượng và chết vì ghê sợ đó.
Về đến sân bay, có bánh mì ăn là may rồi. Còn chê bánh mì dở nữa. Cả nước đang gồng mình chống dịch, các bạn có điều kiện đi Đông đi Tây sung sướng rồi giờ về Việt Nam trốn dịch lại chê bánh mì dở, ăn vô không sống nổi. Ổ bánh mì nguội đó là tiền thuế của chúng tôi đấy thưa quý cô".
Nhiều ý kiến không khỏi bức xúc, khi nhóm khách từ nước ngoài về nước trốn dịch mà thái độ hơn cả đi... du lịch. Về trốn dịch thì phải chấp nhận chờ đợi, phải thực hiện, tuân thủ yêu cầu, quy định về cách ly. Để tổ chức việc cách ly đòi hỏi rất nhiều nhân lực, công sức, tiền bạc...
"Đất nước, Chính phủ chúng ta quá tử tế khi dang rộng tay đón đồng bào về nước. Thế nên, lúc này đồng bào cũng cư xử sao cho xứng đáng đồng bào. Nếu không biết ơn, biết trân trọng thì làm ơn cũng bớt vô ơn, gây phiền hà cho người khác bằng việc chấp hành các hướng dẫn, quy định", một ý kiến bày tỏ.
Được biết, clip nói trên do một người đi cùng chuyến bay với nhóm khách quay lại. Người này cũng không khỏi bức xúc trước thái độ của nhóm khách nói trên, đã lên tiếng góp ý nhưng còn bị chửi lại là "ngu quá".
Theo vị khách này, trở về trốn dịch cần xác định tư tưởng khả năng có thể bị lây trên máy bay, khả năng về sẽ phải chờ đợi, về sẽ phải cách ly... Đưa con nhỏ thì phải chuẩn bị sữa, đồ ăn cho con.
"Lúc nào bạn cần, có Tổ quốc. Toàn dân cùng nhau đồng lòng chống dịch chứ không chống đối, hãy tự ý thức bản thân làm cái gì đó cho xã hội, ít nhất là việc chờ đợi", người này bày tỏ và cho rằng, đến việc chờ đợi cũng không thể thực hiện thì tốt nhất đừng trở về nước lúc này.
Chị Phan Thúy Ngọc, nhà ở Định Công, Hà Nội cho biết, chị xem clip mà suýt khóc vì thương cho anh cán bộ phải đối diện với thái độ quá quắt, hạch sách.
Như vợ chồng chị từng nghĩ đưa con về quê nhưng sau đó, chị từ bỏ ý định này. Dù không bắt buộc nhưng chị xác định, nếu về quê sẽ phải tự ý thức mà cách ly. Rồi bản thân mình hoàn toàn có thể mang mầm bệnh về cho chính người thân của mình. Thế nên theo chị lúc này, tốt nhất là ai ở đâu, ngồi yên ở đó.
"Chúng ta đã nghĩ đến người khác chưa hay lúc nào cũng chỉ nghĩ cho mình, được việc của mình rồi kệ tất cả mọi người", người mẹ hai con nói.
Hoài Nam