Đám hỏi có dàn tráp "khủng", thuê 2 xe tải và 18 người khiêng ở Bắc Giang
(Dân trí) - 9 tráp lễ vật "khủng" được "rước kiệu" tới nhà gái, đính kết cầu kỳ như cau trầu, hoa quả, xôi, lợn quay,… Để di chuyển được những mâm tráp này, nhà trai phải cần tới 2 xe tải và 18 người khiêng.
Mới đây, những hình ảnh về đám hỏi có dàn tráp "khủng", trang trí cầu kỳ ở TP. Bắc Giang được chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý. Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài đăng nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác.
Theo đó, các mâm tráp đều được thiết kế đẹp mắt với kích thước lớn, đầu tư công phu. Tráp được đặt trên kiệu riêng để quá trình vận chuyển đảm bảo thuận tiện.
Được biết, loạt ảnh trên được ghi lại trong lễ ăn hỏi của cặp cô dâu chú rể 9X ở xã Song Mai, TP. Bắc Giang.
Chị Ngọc Anh (30 tuổi, ở Hà Nội), đại diện dịch vụ cưới hỏi đã trang trí dàn tráp trên cho biết, đơn vị này phải huy động 5 nhân công, làm việc liên tục trong 3 ngày để hoàn thành 9 mâm lễ vật.
Các lễ vật trong bộ tráp gồm có tráp trầu cau tạo hình chim phượng, tráp hoa quả trang trí hình rồng, một tráp tổng hợp và bánh cốm, chè long ấn, heo quay, xôi,…
Trong đó, tráp trầu cau trang trí chim phượng và tráp hoa quả hình rồng đòi hỏi quá trình hoàn thiện tốn nhiều thời gian, công sức nhất.
Chị Ngọc Anh cũng tiết lộ, nhà trai phải thuê hai xe tải để di chuyển 9 tráp lễ vật "khủng'' đến nhà gái, dù quãng đường chỉ chừng 5km.
Trước cổng, 9 cặp phù dâu phù rể mặc áo dài truyền thống đứng chờ sẵn, lần lượt "rước kiệu", đưa bộ tráp vào trong.
Theo chị Ngọc Anh, đây chưa phải bộ tráp lớn và cầu kỳ nhất mà đơn vị dịch vụ cưới hỏi này từng thực hiện. Trước đó, họ từng trang trí lễ ăn hỏi 13 và 15 tráp được đính kết kỳ công cho một cặp cô dâu - chú rể ở Hải Dương.
Lễ ăn hỏi được xem là nghi thức truyền thống quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người Việt. Trong ngày này, nhà trai sẽ đem theo "sính lễ" là các tráp cưới sang nhà gái thưa chuyện, vừa bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên nhà cô dâu, vừa như một sự xin phép cho hai con nên duyên vợ chồng.
Tùy vào phong tục của từng vùng miền và sự thống nhất của hai bên gia đình mà số lượng tráp cũng khác nhau. Ở miền Bắc, người dân quan niệm số lượng tráp là số lẻ và số lễ vật trên một tráp phải là số chẵn. Ví dụ như tráp cau phải là 100 quả hay tráp bánh gồm 100 chiếc.
Nhà trai có thể chuẩn bị lễ vật ăn hỏi từ 5, 7, 9, 11, 13, 15 tráp,... tùy theo yêu cầu của nhà gái và cân đối với điều kiện kinh tế gia đình.
Họ tin rằng, số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, còn số chẵn tượng trưng cho việc có cặp có đôi.
Trước ngày lễ ăn hỏi, cả bên nhà trai và nhà gái đều có dàn phù dâu, phù rể là những nam thanh nữ tú chưa lập gia đình để đảm nhiệm việc bê và đỡ tráp.