Đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long bán chạy trên livestream "Tinh hoa Việt du ký"
(Dân trí) - Phiên livestream "Shopee - Tinh hoa Việt du ký" đã đem tới cho người xem hàng loạt sản phẩm đậm chất miền Tây sông nước như nước mắm cá cơm Phú Quốc, mật hoa thốt nốt An Giang và cả gạo lúa tôm.
Các doanh nghiệp An Giang và Kiên Giang đã bán ra hàng nghìn đơn hàng tại livestream "Shopee - Tinh hoa Việt du ký" diễn ra ngày 15/11, từ mật hoa thốt nốt Chân Phương, gạo lúa tôm của APG ECO đến nước mắm Phú quốc Thanh Quốc. Không chỉ đưa người xem đi ngược về Đồng bằng sông Cửu Long để khám phá các sản vật mang tính biểu tượng, chương trình còn mang đến những câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ở địa phương.
Phương pháp hạ thổ tạo điểm nhấn mới lạ cho nước mắm truyền thống Phú Quốc
Trong buổi livestream "Tinh hoa Việt du ký" ngày 15/11, thương hiệu nước mắm Thanh Quốc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Với tuổi đời hơn 100 năm, Thanh Quốc đã khẳng định vị thế của mình trong ngành sản xuất nước mắm Phú Quốc, nhất là với sản phẩm nước mắm hạ thổ độc đáo có quy trình sản xuất kỳ công. Đây cũng là một trong hai doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại Phú Quốc được chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, với sản lượng lên đến 15 triệu lít nước mắm mỗi năm.
Trong ngày 15/11, nước mắm Thanh Quốc đã ghi nhận tổng doanh thu trên sàn tăng gấp 29 lần so với cùng kỳ tháng trước, trong đó hơn 80% đến từ các đơn hàng được đặt qua livestream "Tinh hoa Việt du ký". Không chỉ nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc mà các đặc sản khác như mắm ruốc ăn liền, tiêu xay Phú Quốc... đều nhận được sự ủng hộ lớn từ người dùng.
Giống gạo mỗi năm chỉ có một mùa nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Gạo lúa tôm là một trong những sản phẩm chủ lực của APG ECO. Điểm nổi bật của gạo lúa tôm là mỗi năm chỉ có một mùa thu hoạch do được trồng luân canh trên vùng đất nuôi tôm ở An Giang, tạo nên hương vị đặc trưng và hàm lượng dinh dưỡng dồi dào mà ít loại gạo nào sánh được. Trước đây, các sản phẩm gạo của APG ECO chủ yếu được bán qua kênh siêu thị hoặc các phương thức truyền thống. Tuy nhiên, APG ECO đã quyết định đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Shopee để giúp khách hàng dễ dàng mua sắm hơn.
Mang đặc sản An Giang lên phiên "Tinh hoa Việt du ký" vừa qua, thương hiệu cũng đã đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, lượng đơn hàng bán ra trong ngày 15/11 tăng gấp 3 lần so với cùng ngày tháng trước, trong đó 70% đơn hàng được đặt qua livestream "Tinh hoa Việt du ký", kéo theo doanh thu cũng tăng gấp 3 lần. Ba dòng sản phẩm: gạo Jasmine đặc sản Châu Phú, gạo VEBO ST25 và gạo VEBO lúa tôm đều nằm trong top sản phẩm bán chạy trong phiên livestream.
Niềm tự hào của An Giang: Loại mật phải mất hai thập kỷ để thu hoạch
Thốt nốt là loài cây gắn liền với đời sống với người dân An Giang. Để thu hoạch được mật hoa thốt nốt, người nông dân phải mất ít nhất 20 năm gieo trồng và chăm sóc để cây có thể phát triển và cho hoa. Phải trải qua hàng chục năm trời mới tạo ra được thức quà ngọt lành, mật hoa thốt nốt được ví như "tinh hoa của đất trời".
Tuy vậy, giá trị của mật hoa thốt nốt chưa được biết đến nhiều cũng như chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người làm thốt nốt vùng "Bảy núi" vẫn còn bấp bênh. Đứng trước thực trạng này, Chân Phương ra đời với sứ mệnh lan tỏa giá trị của cây thốt nốt và góp phần bảo tồn loài cây đặc trưng.
Chuỗi livestream của Shopee không chỉ giúp các doanh nghiệp bản địa tìm được đầu ra hiệu quả cho các sản phẩm của mình, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành của sàn trong việc đưa nông sản, đặc sản bản địa đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.
Trong tháng tới, số livestream vào ngày 15/12 sẽ là buổi tổng kết hành trình năm 2024 của "Shopee - Tinh hoa Việt du ký". Phiên live này hứa hẹn tiếp tục mang đến nhiều câu chuyện ý nghĩa, các sản vật mới lạ từ những vùng miền khác nhau, cùng với sự tham gia của dàn khách mời nổi tiếng.