"Đà Lạt miền Đông" bị lãng quên

(Dân trí) - Khu du lịch Suối Tre – địa điểm du lịch sinh thái tại thành phố Long Khánh – Đồng Nai từng được du khách ưu ái gọi là “Đà Lạt miền Đông”, thế nhưng nhiều năm qua nơi đây dần bị lãng quên và xuống cấp.

Suối Tre được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, khi những người Pháp đến Long Khánh – Đồng Nai lập đồn điền cao su. Suối Tre có độ cao khoảng 150m so với mặt biển nên khí hậu ôn hòa, mát mẻ nên được xem như một “Đà Lạt thu nhỏ” của khu miền Đông Nam Bộ.

Từng là điểm đến văn hóa của người dân Long Khánh cũng như du khách miền Đông, tuy nhiên, trong nhiều năm qua Suối Tre không còn khai thác du lịch, nơi đầy dần bị lãng quên và xuống cấp khiến những ai từng yêu thích khu du lịch này cảm thấy tiếc nuối.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 1
Khu vực Suối Tre có diện tích 10ha, nằm giáp quốc lộ 1A, nơi đây có nhiều đồi đất tạo nên khung cảnh núi đồi chập chùng. Bên trong khuôn viên có 10 ngôi biệt thự nghỉ dưỡng và nhiều cây cổ thụ có độ tuổi hơn 100 năm. Suối Tre được các ông chủ đồn điền cao su quy hoạch nơi đây thành một khu nghỉ mát mang đậm phong cách Pháp.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 2
Sau năm 1954, người Pháp rút về nước, hầu hết đồn điền cao su được chuyển giao lại cho người Việt. Qua nhiều lần thay đổi cơ cấu, hiện khu vực này có tên mới là Trung tâm Văn hóa Suối Tre – thuộc sự quản lý của công ty cao su Đồng Nai. Khi tiếp nhận, công ty đã thực hiện tu sửa để thương mại hóa và thay đổi công năng nguyên bản.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 3
Theo thiết kế ban đầu của người Pháp, khu trung tâm được san lấp thành vùng đất bằng phẳng để xây nhà khách, bể bơi, nhà hàng, sàn nhảy, sân tennis... Xung quanh là các ngọn đồi thấp được trồng cỏ xanh, trên mỗi đỉnh đồi có một ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp với đầy đủ tiện nghi. Hiện tại, trong khuôn viên Suối Tre chỉ còn khu vực sân tennis vẫn còn hoạt động. Nơi đây được công nhân viên công ty sử dụng làm nơi tập luyện thể thao.

Những hình ảnh về khu du lịch sinh thái Suối Tre không chỉ lưu giữ kỷ niệm thanh xuân của những người dân nơi đây mà còn chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử. Thế nhưng, với thế hệ trẻ, khách du lịch ít ai biết được cách TPHCM chỉ khoảng 80km là “Đà Lạt miền Đông” nổi tiếng một thời.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 4
Đường đi vào Trung tâm văn hóa Suối Tre được trải nhựa, rộng rãi. Tuy đã không còn hoạt động nhưng nơi đây vẫn mở cửa cho du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 5
Không gian tĩnh lặng, lãng mạn là những gì mà các cặp đôi nói về nơi đây. Suối Tre được xem là điểm chụp ảnh cưới khá lý tưởng.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 6

Nơi đây vẫn luôn lưu giữ được nét đẹp cổ xưa. Những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm vẫn tươi tốt, kiên cường dù trải qua bao mưa bão.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 7
Cây cổ thụ này có gốc rễ to hàng chục người ôm không hết…
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 8

Những gốc cây  khổng lồ tạo nên không gian mát mẻ, trong lành và thanh bình.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 9
Nhiều gốc cây lâu năm còn có bộ rễ với hình thù rất ấn tượng…
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 10

Những nét truyền thống đặc trưng như kiến trúc, không gian xanh vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 11

“Bậc thang huyền thoại” đã đi vào trí nhớ của bao người từng yêu mến Suối Tre. Bậc thang dẫn lên khu biệt thự trung tâm là địa điểm lý tưởng để chụp ảnh “sống ảo” của các bạn trẻ tại địa phương.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 12
Con đường chính dẫn lên biệt thự trở nên hoang sơ, phủ kín rêu phong…
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 13
Các con đường quanh biệt thự trải đầy lá vàng ngày nay đã từng là điểm đến tấp nập một thời của Suối Tre.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 14
Những ngôi nhà cổ do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 đến nay đã bị bỏ hoang. Tất cả các khu biệt thự ở đây thường theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ cũng một trệt một lầu với nhiều gian phòng với những đặc điểm chung là tường nhà được sơn màu nâu vàng, các cửa chính, cửa sổ làm bằng gỗ, mái lợp ngói đỏ.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 15
Tổng cộng trong khuôn viên trung tâm có 10 căn biệt thự, tuy nhiên chỉ có 5 biệt thự là còn sử dụng được do thường xuyên tu bổ, 5 căn còn lại đều xuống cấp, hư hỏng nặng.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 16
Căn biệt thự lớn và tốt nhất nay được sử dụng làm Nhà truyền thống của công nhân cao su Đồng Nai.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 17
Kiến trúc được thay đổi đôi chút để phù hợp với Nhà truyền thống. Rất nhiều đoàn phim đã tận dụng không gian nơi đây để quay phim.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 18
Căn biệt thự riêng biệt nằm tách biệt ở đồi Đông cỏ mọc um tùm vì bị bỏ hoang từ lâu.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 19
Sau khi được tiếp nhận, đơn vị quản lý đã xây thêm đền tưởng niệm liệt sĩ Suối Tre.

Vào năm 2017, Suối Tre được UBND thành phố Long Khánh triển khai dự án quy hoạch thành khu du lịch sinh thái lớn nhằm khai thác hết nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ lâu. Dự án này đã được triển khai, nhưng chưa thành hiện thực.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 20
Khu vui chơi dành cho trẻ em đã gỉ sắt và hư hỏng do lâu ngày không được sử dụng và bảo trì.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 21
Tuy đã không còn sử dụng nhưng những hình ảnh xưa cũ lại tạo nên một cảm giác hoài cổ và thu hút.
Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 22

Khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em đã mục nát theo thời gian sau nhiều năm không hoạt động.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 23

Suối Tre còn có đập nước rộng mênh mông với không gian thoáng đãng và mát mẻ, trong lành.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 24

Buổi chiều nơi đây đẹp và thanh bình bởi xung quanh được bao vây bởi rừng cây xanh mát mẻ.

Đà Lạt miền Đông bị lãng quên - 25

Một góc nhỏ bên cạnh đập Suối Tre được tận dụng để làm nơi dừng chân cho du khách.

“Nét xưa bị thay đổi ít nhiều, nhưng nét mới vẫn không rõ ràng. Điều này luôn khiến tôi cảm thấy có một cái gì đó dang dở, hoài niệm mỗi khi ghé ngang qua đây”, một người dân sống tại Long Khánh từ những năm 1960 chia sẻ.

Bài & ảnh: An Khê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm