Thanh Hóa:

Cửu vạn "trắng đêm" mưu sinh ở chợ đầu mối ngày giáp Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Để mong có cái Tết đủ đầy, "cửu vạn" ở chợ đầu mối Thanh Hóa phải "trắng đêm" mưu sinh bên những xe hàng trong giá rét.

Tại chợ đầu mối Thanh Hóa, 0h vẫn nhộn nhịp các phương tiện, người qua lại đông đúc không có lối chen chân. Đây là chợ đầu mối lớn nhất Thanh Hóa, hàng từ các tỉnh đổ về, ngày thường chợ họp thường từ 21h cho đến rạng sáng hôm sau nhưng vào những ngày giáp Tết, chợ đông nghẹt từ khoảng 19-20h.

Khi những chiếc xe hàng đỗ xịch ở khu vực cổng chợ cũng là lúc những cửu vạn bốc vác chạy xô đến để "mua việc". Giữa biển hàng mênh mông, ai cũng mong được "bán sức" để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và có một cái Tết no đủ hơn.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối ngày giáp Tết - 1

Để có một cái Tết đủ đầy cho gia đình, người lao động phải thức trắng đêm bốc hàng thuê tại chợ  đầu mối Thanh Hóa.

Đa phần lao động bốc vác tại chợ đầu mối đều là người ở các huyện ven thành phố, dù vất vả làm lụng quanh năm nhưng vẫn không đủ sống nên họ mới phải tìm đến đây để mưu sinh bằng nghề cửu vạn.

Trong cái giá lạnh giữa đêm thế nhưng anh Nguyễn Văn Hùng (Đông Hương, TP Thanh Hóa) mồ hôi nhễ nhại, bởi anh phải cõng trên lưng hàng chục quả bưởi được đóng thành lô hàng. "Muốn con cái có được một cái Tết ấm thì vất vả mấy cũng phải cố. Hôm nào chúng tôi cũng làm việc từ đầu tối cho đến rạng sáng hôm sau".

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối ngày giáp Tết - 2

Sau khi bốc hàng từ xe ô tô xuống, họ sẽ đưa lên những chiếc xe kéo như thế này, giao đến các sạp hàng.

Theo anh Hùng, tiền công cũng "bèo bọt" so với sức lao động bỏ ra. "Giờ người khôn của khó, cửu vạn thì đông, mình sao đòi hỏi được. Mỗi chuyến xe, họ sẽ thuê 4-5 người, thỏa thuận giá tùy vào số hàng. Sau đó, chúng tôi chia nhau, mỗi tối như thế này, anh em cũng chỉ bỏ túi được vài ba trăm nghìn đồng thôi" - anh Hùng nói.

"Năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, những người cửu vạn như chúng tôi cũng ít việc hơn, chỉ mong những ngày cuối năm lượng công việc ổn định để có tiền trang trải cuộc sống và có một cái Tết đủ đầy khi năm mới đang cận kề" - anh Lê Văn Dũng (Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) chia sẻ.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối ngày giáp Tết - 3

Dù vất vả cực nhọc nhưng số tiền công nhận về cũng không đáng bao nhiêu.

Anh Dũng cho biết, thường ngày, anh chỉ làm đến khoảng 1h-2h sáng là nghỉ, nhưng tháng Tết, để có thêm chút ít, anh làm xuyên đêm từ 7h tối hôm nay đến 7h sáng hôm sau mới nghỉ.

"Vất vả thì cũng có mỗi tháng cuối năm. Cố làm thêm để kiếm tiền về tiêu Tết, con cái đi học tốn kém lắm. Hôm nào có việc liên tục thì được 400.000-500.000 đồng, nhưng đợt này dịch, việc ít, trung bình làm cả đêm cũng chỉ được 200.000đ" - anh Dũng nói.

Không chỉ có cửu vạn là nam giới, nhiều người phụ nữ cũng làm công việc nặng nhọc này. Quan sát khắp các ngã chợ, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ tuổi chừng 40-50 cũng miệt mài công việc bốc hàng thuê. Họ thoăn thoắt bốc hàng, người bốc bưởi, người bốc chuối, rau củ…vào xe rồi kéo đi.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối ngày giáp Tết - 4

Không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ cũng làm nghề bốc vác tại đây.

Vừa kéo chiếc xe chở hàng trong khó nhọc, chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Đông Sơn cho biết, chị làm cả đêm cũng chỉ được 200.000-300.000 đồng.

"Làm cái nghề này cực lắm, đối với đàn ông còn cực huống gì những người phụ nữ như chúng tôi nhưng "đói thì đầu gối phải bò", không làm thì cũng chẳng biết phải làm nghề gì mà sống vì ở tuổi chúng tôi, công ty người ta làm gì còn lấy. Mọi năm không có dịch, một ngày họ bán được một xe hàng cả vài tấn quả, năm nay dịch nên 2-3 ngày chưa hết một xe, Bởi thế, chúng tôi cũng không có việc làm"- người phụ nữ này tâm sự.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối ngày giáp Tết - 5

Khi những chuyến xe tải đậu trước cổng chợ đầu mối là cửu vạn lao ra để "mua" việc.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một thương lái cho biết, bình thường một xe hàng vài chục tấn anh sẽ thuê khoảng 5 lao động, khoán cho họ khoảng 200.000 đồng rồi họ tự chia nhau.

Càng những ngày cận Tết, những cửu vạn lại càng cố gắng kiếm thêm nhiều việc. Họ không quản mệt nhọc bởi với họ không chỉ là kiếm sống mà còn hy vọng về một cái Tết đủ đầy cho cả gia đình.