"Cười ra nước mắt" chuyện nhà gái thách cưới

Sau hai năm cưới xin, giờ cô đã có con nhưng nhà chồng vẫn suốt ngày mỉa mai “cô dâu 25 triệu”.

“Con gái nuôi hai mấy năm trời, của đâu mà cho không”

Lê Thúy (25 tuổi, Vĩnh Phúc) là "tiểu thư" trong một gia đình khá giả. Năm thứ 3 đại học, cô yêu một chàng trai Thanh Hóa cùng tuổi, học vấn cao nhưng gia đình lại khó khăn do đông con, bố mẹ thường xuyên đau ốm. Một năm sau khi ra trường, có công việc ổn định, cả hai tính đến chuyện cưới xin.

Tục thách cưới vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê Việt (ảnh minh họa)
Tục thách cưới vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê Việt (ảnh minh họa)

Vốn không mấy ưa “chàng rể tương lai” vì hoàn cảnh nghèo khó nhưng vì thấy con gái khóc lên khóc xuống, sống chết đòi cưới nên bố mẹ Thúy đành chấp nhận. Tuy nhiên, họ ra điều kiện, thủ tục, lễ lạt phải hoàn toàn theo ý nhà gái.

Ra thành phố học từ khi lên cấp 3, không biết quê mình vẫn duy trì tục thách cưới nên cô không bàn bạc trước với người yêu về khoản này. Ngày hai bên bàn bạc chuyện cưới xin, cô và gia đình nhà trai mới ngã ngửa khi nhà gái “hét giá”, phải bỏ vào phong bì 20 triệu, ngoài ra thêm 5 lễ: trầu cau, bánh trái, đầu lợn… mỗi lễ trị giá 1 triệu đồng.

Thấy vẻ sững sờ của người yêu và bố mẹ chồng tương lai, Thúy nơm nớp lo sợ. Trong khi người yêu cô lộ rõ vẻ bức xúc ra mặt thì bố mẹ chồng cô chỉ khum tay ôn tồn: “Quê chúng tôi không có tục lệ này nên chưa kịp lo liệu. Để thưa thưa ít bữa rồi chúng tôi chuẩn bị đủ”. Và thế là, chưa định được ngày cưới, nhà trai đã ra về.

Quay vào nhà, Thúy cuống quýt thắc mắc ở đâu ra cái “giá bán con” trên trời, bố mẹ cô thản nhiên đáp: “Nuôi con gái mấy chục năm trời, của đâu mà cho không”. Thúy còn được giải thích thêm, đây là “giá chung” của dân làng, tăng lên theo từng năm: “Chị gái mày 6 năm trước đã được 7 triệu rồi. Con gái trong làng đứa nào đi lấy chồng chả được đủ lễ, chẳng lẽ nhà mình thiếu. Họ không lo được thì khỏi cưới xin”.

Biết không cãi nổi bố mẹ, cô âm thầm bàn với người yêu đi vay tiền lo lễ lạt rồi sau này về cùng nhau trả nợ. Cô nhủ thầm, nếu bố mẹ biết con gái họ phải mang nợ vì tục thách cưới có lẽ đã không “hét giá” như thế.

“Nơm nớp” lo nhà trai không đồng ý giá “mua dâu”

Bố mẹ Chu Ngân (24 tuổi, Vĩnh Phúc) thì khác, họ hoàn toàn ưng ý chàng rể tương lai và không quan trọng chuyện “môn đăng hậu đối”. Nhưng riêng khoản tiền 20 triệu “thách cưới” dù không muốn họ vẫn phải đề xuất bởi “phép vua thua lệ làng”, gả con mà không được 20 triệu thì dân làng chê cười.

Không ít nàng dâu bị nhà chồng dằn vặt khổ sở vì khi xưa được bán với giá cao (ảnh minh họa)
Không ít nàng dâu bị nhà chồng dằn vặt khổ sở vì khi xưa được "bán" với giá cao (ảnh minh họa)

Biết đây là khoản tiền khá… vô lý, đặc biệt chàng rể lại khác quê, không hiểu rõ phong tục tập quán ở đây nên bố mẹ Ngân dặn dò cô nói chuyện trước với người yêu. Nghe con gái nói chàng rể tương lai khá “sốc”, mẹ cô thêm lo lắng vì sợ nhà trai nghĩ mình tham tiền.

“Không có 20 triệu đó thì bố mẹ mình vẫn lo cưới xin cho con gái được đàng hoàng nhưng mẹ mình bảo, gả con gái mà không được lễ lạt tử tế thì dân làng cười cho, lại nói rể nhà này kém cỏi. Ở quê mình cũng có trường hợp bị đồn thổi là sợ ế nên mới phải “cho không” con gái, không dám nhận lễ của nhà trai. “Đất có lề, quê có thói”, ở quê đã có tục lệ này thì khó mà làm trái được”, Ngân nói.

Cũng không ít gia đình bất đắc dĩ chấp nhận lời thách cưới của nhà gái vì hạnh phúc của con trai nhưng lại coi đó là cái cớ để mỉa mai và dằn vặt con dâu.

“Được mua” với giá ngót nghét 25 triệu cả tiền lẫn lễ vật, Ngọc Hà (23 tuổi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được nhà chồng gọi là “cô dâu vàng”. Không một lời phản đối khi hai bên bàn chuyện cưới hỏi nhưng ngay khi bước ra khỏi cổng nhà gái, bố mẹ chồng cô đã lộ rõ vẻ bực tức.

Ngày đầu tiên về nhà chồng, Hà đã phải nghe bà nội chồng mỉa mai: “Làng này con gái cho không đầy ra mà nó chả lấy lại đi tìm mãi đâu”, rồi người khác đáp lại: “Bà yên tâm, cô dâu 25 triệu thì tất nó phải khác, bà chẳng thiệt đâu mà sợ”. Cô chỉ biết cúi đầu nghe rồi tối đến to nhỏ kể lại với chồng.

Mỗi lần có người đến nhà mời đám cưới, mẹ chồng tôi còn cố tình hỏi to rằng, nhà họ có phải… mua dâu không. Họ mà trả lời không thì y như rằng bà tường thuật lại chuyện nhà mình bị thách cưới. Hai năm rồi, giờ tôi cũng có con, cũng làm ra cho nhà họ bao nhiêu tiền của rồi mà cái tiếng “cô dâu 25 triệu” vẫn chưa hết”, Hà ngậm ngùi.

Theo Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm