ĐBSCL:

Cuộc sống đảo lộn vì… hạn, mặn khốc liệt

(Dân trí) - Mấy tháng nay, nước mặn len lỏi vào các con rạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm cho cuộc sống người dân đảo lộn. Nhiều người phải mua nước ngọt để sử dụng; cây cối, hoa màu chết khiến nông dân trắng tay.

Cuộc sống đảo lộn

Mấy ngày trước, ông Đặng Văn Kiệt (ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) ra vườn tưới mấy dây bầu chuẩn bị cho trái. Nào ngờ ngay ngày hôm sau, lá héo queo nên ông mới biết nước mặn đã về tới nhà mình. Vậy là, ông chẳng dám bơm nước tưới bưởi, cam ở vườn sau nhà. Ông Kiệt cho biết: “Vùng đất Phú Hữu nổi tiếng với vườn bưởi năm roi vì nước ngọt quanh năm. Nơi đây, cách biển gần 80 km nên chẳng ai nghĩ một ngày nước mặn sẽ về tới. Năm nay tôi đã hơn 50 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi nếm nước mặn ngay con sông trước nhà”.

Cuộc sống bị đảo lộn, người dân phải tiết kiệm từng chút nước mong qua mùa khô, hạn
Cuộc sống bị đảo lộn, người dân phải tiết kiệm từng chút nước mong qua mùa khô, hạn

Theo ông Kiệt, người dân trong vùng quen xài nước sông bằng cách bơm lên cho lắng, lọc lại. Thế nhưng, từ ngày nước mặn về, người dân phải canh khi nào nước ngọt mới dám bơm lên xài còn nếu không nếm thử thì đành xả bỏ vì mặn chát.

Những vùng đất được xem là “trong ruột” như thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang), Xuân Hòa (Kế Sách, Sóc Trăng) cũng bị nước mặn tấn công. Ông Nguyễn Văn Nuôi, ngụ Xuân Hòa (Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết: “Hôm rồi bơm nước lên thấy mặn nên mới xả bỏ chờ con nước sau ngọt mới bơm lên xài, vườn bưởi năm roi thì được đóng cống lại vì sợ cây bị nhiễm mặn mất năng suất hoặc chết dần. Từ cha sanh, mẹ đẻ tới giờ tôi mới thấy nước sông bị nhiễm mặn như năm nay”.

Chiếc xe ba bánh trở thành phương tiện chở nước trong thời điểm khô hạn
Chiếc xe ba bánh trở thành phương tiện chở nước trong thời điểm khô hạn

Cuộc sống của người dân đô thị có hệ thống nước sạch cũng bị ảnh hưởng lớn bởi nước mặn. Ông Nguyễn Văn Chiến (ngụ phường 7, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Gần 1 tháng nay nước máy cũng bị nhiễm mặn nên người dân phải mua nước bình (nước lọc 20 lít/bình – PV) để về pha trà, nấu ăn. Bây giờ, giá nước bình cũng tăng lên vì ai cũng phải sử dụng để nấu ăn thay vì chỉ để uống như trước đây”.

Bơm nước để cứu lúa
Bơm nước để cứu lúa

Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Tổng giám đốc công ty Cổ phần cấp nước Bến Tre cho biết: “Thời điểm này nước ngọt rất khan hiếm, từ đầu tháng 1 đến nay nguồn nước mặt trên các sông chính đã bị nhiễm mặn nên cư dân thành phố Bến Tre phải chấp nhận sử dụng nguồn nước nước nhiễm mặn từ 1%0 trở lên. Để giảm thiểu tối đa cơn khát nước ngọt, giải pháp Công ty thực hiện là khai thác nguồn nước mặt trên rạch Cái Cỏ, xã Quới Thành (Châu Thành, Bến Tre) chuyển về nhà máy nước Sơn Đông và Hữu Định hòa với nguồn nước nhiễm mặn để giảm độ mặn cấp cho bà con sử dụng”.

Trắng tay vì hạn, mặn

Hơn 1 tháng qua, ông Bùi Văn Bé Ba (ngụ Vĩnh Hòa, Ba Tri, Bến Tre) bỏ lại 8 công ruộng chết khô để đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Gặp trên đồng khô nứt nẻ, ông Bé Ba buồn thiu cho biết: “Tôi sạ được gần 1 tháng thì nước mặn xâm nhập vô làm cây lúa rụi dần rồi cháy vàng hoe nên đành bỏ đi làm thuê kiếm cái ăn. Chi phí bỏ ra mấy triệu đồng giờ coi như trắng tay”.

Khô hạn làm lúa chết dần, chết mòn
Khô hạn làm lúa chết dần, chết mòn

Trên địa bàn huyện Ba Tri (Bến Tre) bị thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra với hơn 8.000 ha, với hàng ngàn nông hộ trắng tay. Tại ấp An Nhơn (Vĩnh An, Ba Tri, Bến Tre) xuống giống 17,5 ha lúa thì bị thiệt hại hoàn toàn; 10,75 ha màu thì thiệt hại hơn 50%, số còn lại chỉ cầm cự vì không có nước ngọt để tưới.

Nông dân Bến Tre ngậm ngùi cắt lúa nghẹn đòng vì khô hạn cho bò ăn
Nông dân Bến Tre ngậm ngùi cắt lúa nghẹn đòng vì khô hạn cho bò ăn

Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, ông Nguyễn Văn Lâm (Vĩnh An, Ba Tri, Bến Tre) vẫn ráng ra đồng để tìm cách cứu 2 công lúa, 1 công hoa màu của mình đang khô héo vì thiếu nước ngọt. Năm nay nước mặn về sớm cộng với khô hạn khắc nghiệt khiến cho cách đồng của ông và những hộ dân lân cận nhuốm một màu vàng hoe. Ông Lâm vạch từng gốc lúa, lớp đất đã khô queo, nứt nẻ tự bao giờ; những cây lúa chẳng còn sức sống cứ lụi tàn dần dần. Ông Lâm cho biết: “Bây giờ chẳng còn hy vọng gì nữa rồi nên mấy ngày nay tôi đã cắt tới tận gốc để cho bò ăn nhằm lấy được phần nào đỡ phần đó. Ruộng lúa của tui đầu tư hơn 1 triệu đồng chỉ vớt vát chút đỉnh để làm thức ăn cho bò nhưng hơn 1 công trồng ớt, rau quế, rau má đầu tư mấy triệu đồng coi như trắng tay”.

Hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Lâm, mọi năm tới mùa này trồng rau bán lời nhiều vì giá khá cao. Tuy nhiên, năm nay chẳng thu được gì vì ruộng rau màu cũng đã héo queo như cây lúa. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử này khiến nhiều nông dân trắng tay. Một số người đã bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống.

Minh Giang