Cua lông Trung Quốc xâm lấn: Người dân bối rối, chính quyền kêu gọi báo cáo

Huy Hoàng

(Dân trí) - Số lượng cua lông Trung Quốc đang phát triển nhanh ở Anh, đe dọa trực tiếp tới hệ sinh thái khiến chính quyền địa phương buộc phải kêu gọi, khuyến khích người dân báo cáo khi phát hiện ra chúng.

Cua lông Trung Quốc đang trở thành động vật xâm lấn, xuất hiện trên các tuyến đường thủy nội địa của Anh. Loài giáp xác màu xám xanh có lông dày xung quanh, được tìm thấy trên khắp lục địa châu Âu, là "thủ phạm" tàn phá hệ sinh thái ở Đức. Và giờ đây người dân Anh đang lo lắng vấn đề này.

Cua lông là loài cua nước ngọt có nguồn gốc từ Đông Á đặc biệt là Trung Quốc. Chúng có vẻ ngoài đặc biệt với mảng lông cứng trên càng. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng được đặt tên như vậy.

Những sợi lông có tác dụng cải thiện khả năng bám trên bề mặt, giúp ngụy trang, bảo vệ chúng khỏi kẻ săn mồi.

Cua lông Trung Quốc xâm lấn: Người dân bối rối, chính quyền kêu gọi báo cáo - 1
Cua lông đang xâm chiếm hệ sinh thái ở Anh (Ảnh: WK).

Cua lông được tìm thấy ở khu vực các cửa sông, vùng nước ven biển ở Trung Quốc và một số nước láng giềng. Chúng di cư giữa môi trường nước ngọt và nước mặn trong vòng đời của mình để sinh sản.

Các chuyên gia cho rằng, cua lông Trung Quốc có thể du nhập vào Vương Quốc Anh nhờ "quá giang" trên tàu thuyền. Người ta tin rằng, chúng lần đầu xuất hiện ở sông Thames vào đầu thế kỷ 20.

Phương thức xâm nhập có thể thông qua nước dằn (loại nước được sử dụng để đảm bảo tính tiện dụng và ổn định của tàu trong suốt quá trình vận hành) từ các tàu đi lại giữa Anh và Trung Quốc. Khi tàu lấy nước dằn ở một địa điểm và xả ra tại nơi khác rồi vô tình vận chuyển cua lông ở giai đoạn ấu trùng.

Nhiều chuyên gia nhận định, tuy cua lông Trung Quốc không gây nguy hiểm với con người, nhưng là mối đe dọa tới hệ sinh thái bản địa.

Sau khi phát hiện loài cua này ở công viên quốc gia Ferry Meadows tại Peterborough, giới chức địa phương đã đưa ra cảnh báo "du khách nên giữ khoảng cách với chúng" nếu không muốn bị cua cắp.

Cua lông Trung Quốc xâm lấn: Người dân bối rối, chính quyền kêu gọi báo cáo (Nguồn video: CNC18 News).

Tại Anh, cua lông đào hang làm suy yếu bờ sông và các công trình kiến trúc dẫn tới xói mòn, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng đê điều. Chuyện này làm tăng nguy cơ lũ lụt, chi phí bảo trì bờ sông.

Cua lông Trung Quốc cũng cạnh tranh với các loài bản địa ở Anh về nguồn thức ăn và môi trường sống. Thậm chí, chúng có khả năng thay thế các loài thủy sinh bản địa. Sự cạnh tranh làm phá vỡ hệ sinh thái địa phương, đe dọa sự tồn tại các loài bản địa.

Tại Trung Quốc, cua lông được nâng tầm thành hải sản cao cấp. Người dân tiêu thụ cua lông tùy từng mùa cụ thể, cao điểm là mùa thu. Chúng được biến tấu thành nhiều món ngon như món xào, nhân bánh bao, cua hấp hay súp cua.

Cua lông Trung Quốc xâm lấn: Người dân bối rối, chính quyền kêu gọi báo cáo - 2
Ở Trung Quốc, cua lông lại là món đặc sản được săn đón (Ảnh: Think China).

Có thời điểm, cua lông ở Trung Quốc chạm ngưỡng giá cao kỷ lục. Năm 2020, giá loại đặc sản này lên tới 400 USD cho một hộp 8 con. Đây là một trong những mặt hàng xa xỉ tại "quốc gia tỷ dân", ngày càng được người dân ưa chuộng.

Tuy nhiên, giống như bất cứ loại hải sản nào, người tiêu dùng cần chọn loại cua được thu hoạch từ vùng nước sạch không bị ô nhiễm, chế biến đúng cách nhằm giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe.

Theo người phát ngôn của Bộ môi trường ở Anh, cua lông phát triển rất nhanh, mỗi lứa có thể đạt 500.000 - 100.000 quả trứng, nên khuyến khích người dân báo cáo với chính quyền nếu bắt gặp chúng.

"Việc người dân báo cáo có thể giúp các chuyên gia theo dõi quần thể, ngăn chặn sự di chuyển của trứng. Người dân không nên thả cua lông xuống nước vì điều này có thể góp phần khiến chúng lây lan nhanh, gây gián đoạn hệ sinh thái", một chuyên gia cảnh báo.  

Từ tháng 8 năm nay, nhiều cơ quan ban ngành ở Anh đã phối hợp với nhau đặt bẫy cua lông cố định ở Pode Hole, Lincolnshire, nhằm giải quyết số lượng ngày càng tăng.