Cô gái ở Hà Nội chi 300 triệu đồng nuôi thằn lằn, trăn lạ làm thú cưng
(Dân trí) - Vài năm gần đây, trào lưu nuôi bò sát làm thú cưng của giới trẻ Hà Nội nở rộ. Ngoài trăn, rắn,... thì rồng Úc, thằn lằn khổng lồ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cũng được săn đón, tìm mua.
Thú chơi bò sát "xấu lạ" có giá đắt đỏ
Tại căn phòng nhỏ nằm trên tầng 4 của gia đình Nguyễn Hoàng Trà My (SN 2003, sống ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), các loại thùng nhựa, bể kính trong suốt được sắp xếp ngay ngắn, nằm san sát nhau. Trong đó có hàng chục loài bò sát từ trăn, rắn đến rồng Úc, thằn lằn khổng lồ đang được Trà My nuôi dưỡng, chăm sóc.
Chia sẻ với PV Dân trí, Trà My cho biết đã tìm hiểu và bắt đầu theo đuổi trào lưu nuôi bò sát làm thú cưng cách đây hai năm.
Loài đầu tiên 10X nuôi khi biết đến thú chơi bò sát này là con "thanh xà kỳ lân" (tên khoa học là Gonyosoma Boulengeri hay còn có tên gọi khác là rắn vòi voi, rắn vòi, rắn voi). Đây là một loài rắn mọc sừng ở mũi có hình thù hết sức kỳ dị ở Việt Nam.
Tính đến hiện tại, 10X đang sở hữu bộ sưu tập gồm 30 con trăn bóng các loại, một con Tegu (thằn lằn khổng lồ) và 5 con rồng Úc.
Ước tính, tổng số tiền mà cô gái trẻ đầu tư nuôi và chăm sóc những loài bò sát này lên tới hơn 300 triệu đồng. Trong đó, loài đắt nhất mà 10X hiện sở hữu là con trăn có giá 85 triệu đồng vì thuộc dòng hiếm, màu độc lạ và chứa mẫu gene nổi trội.
Thời gian đầu nuôi bò sát làm thú cưng, Trà My cũng gặp một số khó khăn như chưa có kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc. Những con vật này đòi hỏi một môi trường sống giống bên ngoài tự nhiên về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,...
Bên cạnh đó, sự ngăn cấm từ gia đình cũng là trở ngại mà cô gái trẻ gặp phải. "Gia đình khi biết việc mình muốn nuôi bò sát trong nhà thì ai nấy đều phản đối kịch liệt. Đặc biệt là mẹ vì mẹ mình rất sợ những con da trơn, không chân như trăn, rắn,...", Trà My kể.
Mỗi loài bò sát được nuôi và chăm sóc trong những chiếc hộp khác nhau, có thiết kế trong suốt kèm nhiều lỗ nhỏ để gia chủ thuận tiện quan sát và giúp đảm bảo lượng oxy cần thiết cho chúng hít thở.
10X còn đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chuyên dụng để chiếu tia UVA, UVB, tạo môi trường có đủ lượng ánh sáng cần thiết cho các con vật.
Trà My hài hước tiết lộ bản thân khá mát tay khi những con bò sát mà cô đã và đang nuôi đều khỏe mạnh, phát triển tốt.
Có những con trăn bóng 10X nuôi từ lúc bé, đến nay đã trưởng thành và được định giá đến hơn 20 triệu đồng. Một số con bắt đầu cho sinh sản.
Trước đây, Trà My rất sợ các loài bò sát. Tuy nhiên, khi biết đến và tìm hiểu thú chơi này, cô gái trẻ cảm nhận rằng những con vật được nuôi làm cảnh có tập tính hiền lành, thậm chí hơi nhút nhát và sợ người lạ.
Sau một thời gian làm quen, cô cũng cảm thấy những loài này khá dễ thương, không đáng sợ như vẻ ngoài "xấu lạ", "hầm hố" của chúng.
Tương tự Trà My, Minh Hải (sống ở quận Long Biên, Hà Nội) cũng bắt đầu nuôi bò sát làm thú cưng cách đây hơn một năm. Anh chủ yếu chọn giống rồng Úc vì loài này dễ nuôi, dễ chăm và được giới sành chơi yêu thích.
"Giá thành của loài bò sát này cũng phù hợp với những người mới chơi hoặc không quá dư dả về điều kiện kinh tế, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Cá biệt có con lên tới hàng chục triệu đồng bởi màu sắc đẹp, lại quý hiếm", Hải cho biết.
Được biết, một con rồng Úc trưởng thành có chiều dài từ 50-55cm và tuổi thọ kéo dài khoảng 20 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Bản tính của loài vật này rất hiền lành, thân thiện với con người.
Việc chăm sóc rồng Úc cũng có những điểm riêng. Ví dụ, loài vật hoạt động về ban ngày nên trong điều kiện nuôi nhốt cần lắp đặt đèn sưởi có chế độ UV riêng, tạo môi trường sống giống như ngoài tự nhiên giúp chúng phát triển khỏe mạnh.
Chế độ chăm sóc đặc biệt: Ăn dinh dưỡng, được trò chuyện hàng ngày
Theo Trà My, các loài bò sát nuôi làm cảnh đều dễ chăm sóc, không quá kỳ công nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Với thằn lằn khổng lồ, cô gái trẻ cho ăn 2-3 ngày một lần, mỗi lần thực đơn đều được thay đổi, từ chuột, cá hồi, dế cho đến rau củ quả tươi như xà lách, dưa chuột,...
Riêng giống rồng Úc, 10X lưu ý bổ sung thêm bột canxi và vitamin vào thức ăn hàng ngày cho chúng để tránh trường hợp loài vật này bị mắc MBD. Đây là bệnh chuyển hóa xương cực kỳ phổ biến ở những con thằn lằn, dẫn đến tình trạng thay đổi xương một cách bất thường.
"Nếu thiếu canxi hoặc không hấp thụ được tia UVB thì thằn lằn dễ bị mắc các vấn đề về xương như cong đuôi, gãy xương chân,... Bệnh MHD rất khó chữa nên người chơi cần lưu ý phòng bệnh hơn chữa bệnh cho loài vật này", Trà My nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong chuồng trại nuôi các loài thằn lằn, rồng Úc cần được lắp đặt hệ thống đèn UVA, UVB. Đây là đèn tia mặt trời giúp bò sát sưởi ấm và dễ dàng chuyển hóa thức ăn thành canxi, D3.
Cô gái trẻ cho biết, rắn và trăn cảnh dễ chăm hơn. Khẩu phần ăn của chúng thường là chuột có kích cỡ tương thích với trọng lượng từng con. Tuy nhiên, trăn và rắn là loài vật ưa sạch sẽ nên chuồng trại, nơi ở phải thường xuyên được dọn dẹp, vệ sinh cẩn thận.
"Mình thường phải kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm trong các chuồng, hộp của chúng. Ví dụ, nhiệt độ thông thường của dòng trăn bóng là 25 độ C, nếu đo nhiệt độ thấy giảm xuống thì phải bật thêm điều hòa hoặc quạt để làm mát không khí", cô gái 19 tuổi nói.
Trung bình một tháng, Trà My tốn khoảng 5 triệu đồng tiền mua thức ăn, thực phẩm bổ sung cho đàn "thú cưng" đặc biệt của mình.
10X thừa nhận, tổng số tiền đầu tư theo đuổi thú chơi này tuy lớn nhưng hoàn toàn xứng đáng nhờ những giá trị về cả mặt vật chất lẫn tinh thần mà các loài bò sát này mang lại cho chủ nhân.
"Từ khi nuôi bò sát làm thú cưng, mình không chỉ có thêm tình yêu thương với các loài động vật mà còn cảm thấy tinh thần sảng khoái hơn, hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, máy tính không cần thiết", Trà My bày tỏ.