Cô dâu Việt kể chuyện đám cưới lúc nửa đêm và chuyện ăn Tết ở Ấn Độ
(Dân trí) - Vì dịch bệnh, hai năm nay, Hương chưa thể về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán. Tết này, cô đã chuẩn bị sẵn thịt heo, nếp, đỗ để chuẩn bị tự gói bánh, tự tay muối hũ dưa hành đón Tết….
Quyết định lấy Suraj (31 tuổi, quốc tịch Ấn Ðộ, kỹ sư viễn thông) làm chồng, Lan Hương (29 tuổi, quê gốc Hải Phòng) nghĩ làm dâu xa xứ như vậy thì chỉ có Tết là dịp duy nhất để cô cùng chồng con trở về Việt Nam đón giao thừa cùng gia đình. Dẫu vậy, đã 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cô chưa thể về quê hương.
Mang "đồ cấm" vào nhà chồng
3 năm trước, thông qua một người bạn Ấn Độ, Lan Hương biết tới Suraj tại TP.HCM. Thời điểm mới quen, Hương là thiết kế đồ họa, Suraj là kỹ sư viễn thông chuyên về thử nghiệm các thiết bị di động, được cử sang Việt Nam công tác 1 tháng.
Cả hai hẹn gặp nhau lần đầu ở hầm công viên 23/9. Ấn tượng đầu tiên cô thấy anh giống như một cậu thiếu niên mới lớn với quần tây áo thun, khoác thêm chiếc áo sơ mi ca rô. Hôm đó, Hương mang theo một bịch cherry, Suraj mua hai ly nước mía. Cả hai trò chuyện và lên kế hoạch đi chơi vào dịp cuối tuần.
Một tuần sau, khi đang dạo quanh công viên Vivocity quận 7, Suraj bất ngờ dựng lại, ngắt một bông hoa và bất ngờ thổ lộ tình cảm của mình với Lan Hương. Thấy hành động có phần vội vã của Suraj, Hương vừa ngượng vừa khó xử. Cô từ chối trả lời và nói anh hãy cho cả hai thêm thời gian suy nghĩ kỹ.
Hôm sau, khi đi bộ ra công viên hầm Thủ Thiêm đứng hóng gió ngắm thành phố, Suraj bắt đầu trải lòng nhiều hơn về cuộc sống và những dự định trong tương lai. Sự chân thành của chàng trai Ấn Độ khi đó đã khiến con tim mạnh mẽ của cô gái quê gốc Hải Phòng rung động. Họ chính thức bước vào mối quan hệ yêu đương.
Cả hai làm đám cưới vào tháng 3/2020, Hương theo chồng về sống ở Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Trước đó, tháng 10/2019 Hương cũng từng sang Ấn Ðộ vừa để ra mắt nhà chồng vừa để tiến hành các thủ tục kết hôn.
Đám cưới của cặp đôi kéo dài suốt 5 ngày theo phong tục địa phương. Lễ cưới chính thức bắt đầu lúc 11h đêm, được livestream công khai. Tới 5h sáng thì mọi việc xong xuôi, cô dâu chú rể rời khách sạn, lên xe bông về nhà chồng.
Khi bước xuống xe Hương và chồng phải đứng trong hai cái rổ tre, ôm nhau bước đến cửa. Vào nhà, cô dâu chú rể lại lập tức tham gia lễ đá hũ gạo, in dấu chân, viết tên lên tường, chơi trò tìm nhẫn trong chậu sữa cùng một số lễ khác nữa. Trong đám cưới, hoa cúc vàng, huệ trắng, bông bụt và bột sindu đỏ được rải khắp nơi.
Về làm dâu, do khác biệt tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ nên Hương không khỏi bỡ ngỡ. Trước kia, vì gia đình theo đạo Hồi nên không ai được mang thịt, cá, tôm về nhà.
Thế nhưng, kể từ khi có vợ, Suraj sẵn sàng mua tất cả những đồ ăn xưa giờ không bao giờ xuất hiện trong nhà, kể cả thịt heo, thịt bò. Có lần Hương nấu món thịt kho tàu, mùi thịt bốc lên, mẹ chồng cô chạy lên sân thượng nôn thốc nôn tháo rồi về phòng khóc. Nhiều lần khác, chỉ cần thấy Suraj mua gà mua thịt về là bà vào phòng khóc. Những lúc như vậy, Suraj dành rất nhiều thời gian để nói cho mẹ hiểu về khác biệt giữa tôn giáo, văn hóa của hai bên.
Kết hôn được một thời gian, Hương có bầu bé Cute (hiện hơn 1 tuổi). Sau khi sinh con, có một vài phong tục ở địa phương lại khiến Hương thấy lạ. Khi đón em bé từ bệnh viện về nhà, mẹ chồng cô mặc cho bé một bộ đồ mới rồi làm lễ nhập trạch, chào thần linh. Bộ đồ sau đó được mẹ cất đi và không bao giờ được mặc lại nữa. Ở Việt Nam, mỗi khi cho trẻ ra ngoài mọi người thường bôi son đỏ lên trán, còn ở Ấn Độ khi đi ra ngoài là bôi đen.
Thỉnh thoảng em bé có quấy, mẹ chồng cô lại đốt ớt, xua tà khí hoặc tung hứng bé. Hương thấy lo lắng và không đồng ý với việc làm đó nên đã nói chuyện với chồng để chồng góp ý với mẹ. Hiện tại, những việc như vậy đã không còn lặp lại.
Muối dưa hành ăn Tết ở xứ người
Tháng 12 năm ngoái, Hương vừa sinh bé Cute xong thì Tết ập đến, lần đầu làm mẹ, vừa ở cữ, vừa chăm con sơ sinh nên Hương chẳng có cảm giác đón Tết. Mãi đến sáng 30 cô mới nhờ nhờ chồng mua ít trái cây, hoa thơm để bày mâm ngũ quả, chờ con ngủ Hương tranh thủ nấu ít xôi nếp trắng và chè đậu xanh, bánh kẹo đã đặt mua giao sẵn từ trước, treo ít đèn nháy, bày thêm vài chai nước ngọt, ấm trà, gạo muối để cúng giao thừa.
Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, Hương nhấc mấy gọi video về cho bố mẹ ở Việt Nam nhưng do nghẽn mạng nên không thực hiện được. Bất lực vì chẳng thể làm gì hơn, Hương cùng chồng bật tivi xem Chủ tịch nước chúc Tết nhân dân qua sóng truyền hình.
Không thể đón Tết Việt nhưng bù lại hơn hai năm sống ở Ấn Độ, Hương được trải nghiệm và biết tới khá nhiều lễ hội có ý nghĩa gần giống Tết cổ truyền. Cô kể: "Ở bên này có rất nhiều ngày lễ, chẳng hạn như lễ hội ánh sáng Diwali và Durga puja rất gần với lễ giáng sinh, năm mới, khắp nơi trang hoàng, mọi người tham gia rất đông vui. Pháo hoa bán khắp nơi cho mọi người mua về tự bắn. Chưa hết, họ còn có lễ hội mùa gặt Pongal, con dâu trong nhà phải nấu ăn bằng nồi đất và bếp củi, rồi lễ hội sắc màu Holi vào tháng 3, lễ đón năm mới vào tháng 4 theo lịch của Khu Bihar… Những dịp đó, chồng và mẹ chồng sẽ thay mình làm tất cả, do còn vướng con nhỏ và mọi thứ với mình còn khá lạ lẫm".
Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần này, Lan Hương chủ động mua sẵn thịt heo, nếp, đỗ để chuẩn bị tự gói bánh với lá chuối. Cô cũng tự tay muối hũ dưa hành, sắm một cây quất mới thay cho cây cũ bị úng nước, mua thêm vài cây hoa hồng và cúc vạn thọ để bày biện, làm mới ngôi nhà.
Cô gái trẻ hào hứng kể: "Mấy cây ớt ra trái đang sắp chín đỏ, tất cả mình để chưng Tết. Ngoài ra mình sẽ làm mấy cành hoa mai hoa đào giả, bao lì xì , giấy dán Tết quanh nhà cho có không khí. Con lân sư tử mình làm từ hôm Trung Thu sẽ để cho bé con chơi, đóng giả ông địa đón Tết. Giò, nem mình đã chuẩn bị sẵn sàng… Giờ chỉ đếm ngược chờ đến ngày ăn Tết đúng nghĩa".
Hiện tại ở Ấn Độ, sau một thời gian dịch bệnh được kiểm soát thì đang có những dấu hiệu phức tạp trở lại. Trong dịp năm mới này, Lan Hương mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường như trước, những người con xa xứ sớm được hồi hương.