Cô bé 9 tuổi thi đại học từng gây sốt và bi kịch ít người biết
(Dân trí) - Cô bé dự kỳ thi đại học lần đầu năm 9 tuổi, 1 năm sau đỗ đại học từng khiến dư luận sửng sốt, song sau khi ra trường em không có bạn bè, không có tuổi thơ.
Học "nhồi nhét" kiến thức để thi đại học năm 9 tuổi
Zhang Yiwen, sinh năm 2005, tại Hà Nam, Trung Quốc trong một gia đình có truyền thống học hành. Cha của cô bé là tiến sĩ, từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng. Sau khi ra trường, ông mở trường tư thục theo sự nghiệp trồng người.
Sự thành công của cha Yiwen có được là nhờ quá trình nỗ lực, tự học không ngừng trong thời gian dài. Vì bản thân học rộng, hiểu nhiều nên cha của Yiwen đặt ra cách giáo dục con gái khác biệt với những phụ huynh xung quanh. Ông cho rằng, các em học sinh không cần tới 12 năm để trải qua tiểu học đến THPT, đó là sự lãng phí thời gian rất lớn.
Với suy nghĩ này, cha của Yiwen quyết định tự dạy con ở nhà theo phương pháp riêng. Từ năm 4 tuổi, cô bé theo chương trình ươm mầm thần đồng do người cha sáng tạo nên.
Thay vì kết hợp giữa chơi và học như bạn bè cùng trang lứa, Yiwen tuân theo lịch học kín mít. Những ngày tuổi thơ của Yiwen gắn với sách vở và kiến thức. Thời gian vui chơi, đùa nghịch cùng chúng bạn là giấc mơ xa xỉ của Yiwen.
Phương pháp giáo dục "tăng tốc" khiến cô bé hoàn thành chương trình tiểu học năm lên 6 tuổi. Dưới sự hướng dẫn của cha, chỉ trong vòng mấy năm, cô bé kết thúc chương trình của 3 cấp học còn những người khác phải mất 12 năm.
Sau mấy năm khổ luyện, người cha khuyến khích con gái đăng ký thi đại học năm lên 9 tuổi. Trước đó, gia đình đã phải xin các giấy tờ chứng nhận trình độ giáo dục của con gái để kịp dự thi. Thông tin về cô bé lẽ ra đang học tiểu học tham dự kỳ thi đại học khiến dư luận sửng sốt.
Người cha khẳng định đã chuẩn bị tất cả kiến thức, kỹ năng, tâm lý cho con gái bước vào kỳ thi đại học, nhưng kết quả của Yiwen chỉ đạt 172 điểm. Đây là điểm số không khiến cho cha mẹ cô cảm thấy hài lòng.
Thất bại trong lần đầu tiên thi đại học của Yiwen không hề khiến cho cha mẹ và cô bé nản lòng. Phụ huynh của Yiwen khẳng định, con gái vẫn còn cơ hội và tiếp tục tham gia kỳ thi trong những năm tiếp sau.
Trong khi, bạn bè xung quanh còn tận hưởng tuổi thơ với những trò chơi thú vị, xem phim hoạt hình... thì Yiwen phải gánh trên vai áp lực của kỳ thi đại học. Tuy vậy, cô bé không hé răng kêu ca một lời, tiếp tục theo đuổi con đường khoa cử như các anh chị 17-18 tuổi.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại đầu tiên, Yiwen bước vào kỳ thi đại học lần thứ hai với tâm thế tự tin về kiến thức và sẵn sàng về tâm lý. Cô bé đạt được 352 điểm làm cho gia đình rất đỗi tự hào. Với kết quả này, Yiwen trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Thương Khâu.
Thông tin cô bé Yiwen 10 tuổi đỗ vào đại học làm cho nhiều người bàn tán. Lâu dần tiếng tăm của Yiwen vang xa, giới truyền thông gọi em là "thần đồng".
Danh tiếng của cô gái và phương pháp giáo dục kỳ lạ của người cha được không ít phụ huynh ca ngợi. Nhiều bậc cha mẹ ghi danh cho con vào trường tư thục của cha Yiwen với kỳ vọng con sẽ sớm thành "thần đồng". Điều này dẫn đến luồng ý kiến nghi ngờ cha của Yiwen dùng con gái để đạt mục đích thu hút học sinh đến với trường của mình.
Không có bạn bè, mất sự tự tin
Rời sự kèm cặp của cha mẹ, Yiwen cảm thấy lạ lẫm với mọi thứ khi bước chân vào giảng đường đại học. Cô bé không thể hòa đồng với những sinh viên khác do khoảng cách tuổi tác, khó tự lập ngay cả với những việc đơn giản nhất. Có lúc cô bé chán nản, muốn từ bỏ nhưng nhờ cha mẹ động viên nên vẫn tiếp tục hoàn thành khóa học.
Sau nhiều nỗ lực, năm 13 tuổi, Yiwen tốt nghiệp đại học nhưng không có nơi nào nhận vào làm việc. Cô bé đành quay về trường tư thục của cha để làm trợ giảng với mức lương chỉ 2000 tệ/tháng (7,2 triệu đồng/tháng). Là con gái của người thành lập trường song Yiwen vẫn bị trừ lương như những giáo viên khác và tuân theo các quy định nghiêm khắc của người cha.
Con gái có tiếng vào đại học sớm, song bước đi này dường như không theo kế hoạch mà cha đã vạch ra. Cha của Yiwen từng muốn con gái vào đại học năm 10 tuổi, trở thành tiến sĩ năm 20 tuổi, sau đó tham gia nghiên cứu khoa học và bước chân vào giới thượng lưu.
Đầu năm 2021, trong lần hiếm hoi tự trả lời phỏng vấn, Yiwen cho biết, sau khi tốt nghiệp cô không có bạn bè. Ở tuổi 16, Yiwen không còn đủ sự tự tin như khi trả lời phỏng vấn hồi 6-7 tuổi.
Hiện nay, Yi Wen vẫn đang làm việc tại trường của cha. Sự nổi tiếng không còn được như xưa, song quan điểm giáo dục của người cha vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, Yi Wen là thần đồng, nhưng có ý kiến nhận định kết quả đó nhờ sự hỗ trợ của người cha còn cô bé chỉ là tài năng "chín ép".
Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ, trẻ em đến trường không chỉ đơn thuần học kiến thức mà còn tìm hiểu thế giới. Ngoài tri thức trong sách vở, trẻ phải học thêm kỹ năng sống, giao tiếp với xã hội. Cha mẹ can thiệp quá mức vào quá trình lớn lên của trẻ có thể ảnh hưởng lâu dài, giảm sự tự lập và khó trưởng thành.
Theo Sohu/163