Chuyện tình vợ kém chồng 52 tuổi “dậy sóng” dư luận
(Dân trí) - Dù có tuổi tác, ngoại hình chênh lệch nhau thế nhưng nhiều cặp đôi vẫn cùng nhau vượt qua khó khăn, định kiến của dư luận để đi đến cái kết hạnh phúc, viên mãn…
Đám cưới kéo dài 28 ngày của đại gia Hà Nội và người người vợ kém 52 tuổi
Chuyện tình của ông Nguyễn Hữu Trọng 90 tuổi và người vợ trẻ kém mình 52 tuổi ở Yên Sơn, Ba Vì được đánh giá là câu chuyện tình kỳ lạ, có “một không hai” ở Việt Nam. Vợ ông, chị Đinh Thị Thoan (SN 1981, Yên Lập, Phú Thọ) là người dân tộc Mường. Thời điểm làm đám cưới, ông Trọng đã bước sang tuổi 80, còn chị Thoan mới qua tuổi 26.
Chuyện tình đũa lệch này từng nhận không ít lời chê bai, dè bỉu nhưng cho đến nay họ vẫn chung sống hạnh phúc và có với nhau 2 người con, 1 gái, 1 trai. Điều đặc biệt, người vợ trẻ vẫn luôn khẳng định, không hề hối hận với quyết định kết hôn của mình.
Kể về chuyện tình đặc biệt này, ông Trọng bảo đó là cái “duyên” do “trời thương”. Từng 3 lần đổ vỡ hôn nhân, vị đại gia này đã tuyên bố sẽ “đóng cửa trái tim”, sống độc thân đến hết phần đời còn lại. Thế nhưng không hiểu sao khi gặp người phụ nữ này, ông Trọng lại phải lòng, rồi đi đến quyết định kết hôn chóng vánh chỉ trong một thời gian ngắn.
Thời điểm làm đám cưới, câu chuyện tình của ông Trọng và người vợ trẻ gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Nhiều người bảo ông khoe mẽ, cũng có người bảo ông lợi dụng việc lấy vợ để “PR” cho công việc kinh doanh. Thậm chí, một thời gian dài sau đó, vẫn có nhiều đoàn khách ở xa tìm đến tận nhà ông Trọng chỉ để kiểm chứng câu chuyện tình cảm của ông lão 80 tuổi và người vợ trẻ là có thật.
Hiện tại, vị đại gia này cùng vợ sống trong một căn nhà bề thế, khang trang ở Yên Sơn, Ba Vì. Hàng ngày, ông Trọng vẫn tự mình điều hành công việc kinh doanh. Trong khi đó, vợ ông, chị Đinh Thị Thoan cũng trợ giúp ông đắc lực trong việc quản lý, điều hành công việc. Vài năm sau ngày cưới, ông Trọng và vợ cho ra đời liền tù tì 2 người con, 1 gái, 1 trai xinh đẹp, kháu khỉnh và giống bố “như đúc”.
Đám cưới đặc biệt của “chú rể cao 1m, cô dâu 1,6m” gây xôn xao
Chú rể trong đám cưới trên là anh Nguyễn Văn Thắng (35 tuổi), cô dâu là chị Trần Thị Hồng Hạnh (27 tuổi) cả hai đều trú tại xã Đồng Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thắng (35 tuổi) – chú rể trong đám cưới trên hạnh phúc cho biết: “Tôi không nghĩ rằng đám cưới của mình lại nhận được sự quan tâm của nhiều người đến vậy. Tôi cảm thấy rất may mắn vì lấy được Hạnh và được hai bên gia đình, mọi người ủng hộ. Ngày cưới của tôi hàng xóm, họ hàng đã đến chúc phúc nên vợ chồng tôi cảm thấy rất vui", anh Thắng vui vẻ nói.
Anh Thắng cho biết, anh và vợ quen biết nhau rất tình cờ. Vì ấn tượng và cảm mến nhau ngay từ lần đầu gặp gỡ nên hai người đã trao đổi số điện thoại cho nhau để liên lạc. Tuy bề ngoài có phần chênh lệch khi anh Thắng có chiều cao khiêm tốn, nước da ngăm đen trong khi chị Hạnh lại cao ráo, có nước da trắng hồng nhưng sau nhiều lần trò chuyện, hai người nhận thấy rằng đều không thể thiếu nhau trong đời
“Tôi may mắn được hai bên gia đình ủng hộ, tôn trọng, quý mến dù tôi có như thế nào. Mọi người nói, chủ yếu là tình cảm của vợ chồng tôi dành cho nhau trong cuộc sống nên ai cũng vun vén, không ai hắt hủi cả", anh Thắng chia sẻ.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Thắng cho biết hiện tại vì mới cưới nên anh chưa muốn để vợ đi làm vì sợ nhiều người xì xào nên vợ chồng anh dự tính sinh em bé luôn trong năm 2018.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lý cho biết: “Anh Thắng làm nghề thợ mộc tại địa phương. Chú rể tuy nhỏ bé nhưng rất khỏe mạnh, hoạt bát, tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn, chủ yếu làm nghề mộc và phun sơn. Bố Thắng mất gần 20 năm nay, thời gian qua anh ở với mẹ. Vừa rồi anh ấy cùng vợ lên UBND xã đăng ký kết hôn. Vợ anh Thắng cao khoảng1m6 còn Thắng chỉ cao khoảng 1m. Tuy chiều cao hai người chênh lệch nhưng vì tình yêu họ vẫn đến với nhau”.
Đám cưới “dậy sóng: Cô dâu lớn hơn chú rể 13 tuổi
Chuyện tình đặc biệt này là của cô dâu Phan Phương Ngọc (SN 1979, Hà Nội) và chú rể Bùi Ngọc Đức (SN 1992, Thanh Hóa). Yêu nhau 3 năm, 2 người quyết định kết hôn, mặc dù tuổi tác có chênh lệch nhưng bằng tình yêu chân thành, vượt qua tất cả những trở ngại, khó khăn, một đám cưới tràn ngập hạnh phúc đã diễn ra trong sự chúc phúc của họ hàng 2 bên.
Theo đó, trao đổi với Pv, chú rể Bùi Ngọc Đức cho biết, quen vợ tương lai tại khu phòng trọ trong thời gian đi thực tập tại xưởng sửa chữa ô tô. “Gặp nhau lần đầu trong tôi có một tâm trạng rất khó tả, có một cảm giác gần gũi, bình yên… mỗi khi ở bên nhau. Chúng tôi nói chuyện rất hợp, nhất là về phật pháp, sau một thời gian quen nhau tôi quyết định ngỏ lời cầu hôn. Từ khi quen nhau, đến lúc cầu hôn tôi vẫn gọi cô ấy là chị, xưng em.
Khi tôi chuẩn bị ra trường, được sự đồng ý của cả 2 gia đình, chúng tôi quyết định đăng ký kết hôn. Sau đó tôi vào Bình Dương làm 3 năm, mới ra ngoài này được khoảng 1 tháng để tổ chức đám cưới”, anh Đức kể.
Được biết, cô dâu Phan Phương Ngọc (SN 1979) quê ở Ba Vì (Hà Nội), gia đình cũng thuộc diện khó khăn. Khi chị Ngọc được 5 tuổi thì bố mất, mẹ ở vậy nuôi 2 chị em. Ngọc tốt nghiệp Trung cấp thì xin đi làm công nhân may ở Định Công (Hà Nội). Nhiều năm làm ở công ty không có thời gian để tìm hiểu chuyện yêu đương đến khi lớn tuổi lúc nào không hay.
Nở nụ cười hạnh phúc khi tay trong tay ngồi bên cạnh chồng chị Ngọc chia sẻ: “Ngay từ lúc đầu biết Đức kém hơn tôi 13 tuổi, nhưng điều đó không phải là trở ngại. Bằng tình yêu chân thành, sau 3 năm chúng tôi quyết định kết hôn. Vợ chồng tôi cũng đã thống nhất, trước mắt tôi vẫn ra công ty làm đến hết năm. Sau đó sẽ về ở quê nhà phụ giúp chồng và gia đình phát triển xưởng gỗ mộc”.
Chuyện tình cảm động 'bác-cháu' của đôi vợ chồng lệch nhau 43 tuổi
Đó là câu chuyện tình cảm động của hai người chênh nhau 43 tuổi, ông Ngô Thanh Học (SN 1940) và chị Nguyễn Thị Bích (SN 1983) ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam. Hiện tại hai vợ chồng sinh được 3 người con sau khi kết hôn vào năm 2010.
Kể về mối tình đặc biệt của mình, ông Học cho biết thời trẻ ông tham gia kháng chiến chống Mỹ ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị. Mãi đến năm 1980, tức 20 năm sau ông Học bất ngờ trở về quê nhà trong trạng thái “nửa tỉnh, nửa mê”. Người thân trong họ hàng ông cũng nhớ mơ hồ, ông đi lang thang hết nơi này đến nơi khác.
Đến năm 1990, trí nhớ của ông Học mới dần hồi phục, nhận ra anh em họ hàng rồi ông tự mình kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai. Thời điểm ấy, ông đã 50 tuổi, nghĩ rằng cũng đã an phận nên cũng không nghĩ đến việc sẽ lấy vợ, sinh con.
Theo ông Học, tuy ông và vợ là người cùng thôn nhưng ngày ông đi lính thì chị Bích chưa chào đời. Đến khi ông về thì chị Bích lại đi làm xa. Đến mãi sau này, khi chị Bích về quê ở hẳn chăm mẹ ốm thì hai người mới gặp nhau.
Kể về mối tình "bác - cháu", chị Bích vui vẻ: "Thời gian đầu vì thương người đàn ông sống một mình lại hay ốm đau nên chị thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ ông Học, khi đó hai người vẫn gọi với nhau là “bác”, xưng “cháu”".
“Tôi bắt đầu để ý bác ấy từ hôm bác ấy trổ tài xem tướng. Khi xem đường tình duyên, bác ấy bảo rằng tôi sắp gặp được người gắn bó với mình cả đời. Lúc đó, tôi chợt nghĩ thôi chẳng tìm đâu xa nữa, chi bằng tìm ngay người bên cạnh.
Hồi bấy giờ, tuy tôi đã 29 tuổi, nhưng không phải là không có người theo. Nhưng, số tôi lận đận, tình duyên mỗi lúc tưởng như sắp thành lại tan vỡ. Thế nên, tôi mới để ý đến bác Học. Mọi chuyện là do tôi chủ động hết cả", chị Bích kể.
Cuộc sống của cả gia đình hiện trông chờ vào lương thương binh của ông Học, 1,6 triệu/tháng. Mặc dù cuộc sống hiện tại ngày càng khó khăn khi nuôi 3 đứa con nhỏ, tuy nhiên khi được hỏi nếu thời gian quay trở lại chị có lấy người đàn ông hơn mình 43 tuổi?, chị Bích nói: “Nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn chọn ông Học làm chồng”.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp