Chuyện tảo hôn, mới lên lớp 8 đã phải bỏ học để làm mẹ

Phi Hùng

(Dân trí) - Nhiều câu chuyện rất đáng tiếc về vấn đề tảo hôn ở vùng cao, các cháu gái thay vì được ngồi trên ghế nhà trường thì đã phải làm vợ, làm mẹ từ rất sớm, đói nghèo lại một vòng quẩn quanh.

Bỏ học để làm mẹ

Dưới chân một thung lũng sâu, xung quanh là những vách đá dựng đứng, trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng với ánh sáng lờ mờ, Sùng Mý Cho - 17 tuổi, dân tộc H'Mông, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đang ngồi lặng lẽ nâng niu đứa con gái bé bỏng vào lòng. Giống như nhiều cô gái khác, Cho lấy chồng từ khi còn là học sinh.

Thấy có cán bộ tới, Cho khá bất ngờ và tỏ vẻ rụt rè, Cho chính là trường hợp mượn thẻ bảo hiểm y tế của chị dâu để sinh con 3 tháng trước, nhằm che mắt chính quyền về việc tảo hôn.

Chuyện tảo hôn, mới lên lớp 8 đã phải bỏ học để làm mẹ - 1
Ngôi nhà của gia đình Sùng Mý Cho.

Cho chia sẻ, biết việc lấy chồng khi chưa đủ tuổi là sai, nhưng do hoàn cảnh gia đình, mẹ mất sớm, lại có bầu nên đã phải bỏ học để lấy chồng.

"Khi học lớp 7, em và chồng đã yêu nhau, được một năm thì chồng em bảo về lấy nhau, mặc dù em chưa muốn, nhưng vì có bầu nên em đành phải thua chồng, lúc lấy em đang học dở lớp 8", Cho tâm sự.

Người mẹ trẻ cho biết, chồng mình vừa đi xuống dưới xuôi để đi làm công ty được vài hôm nay, hiện chỉ có hai mẹ con ở nhà chăm nhau. Đến giờ Cho cũng không nhớ chính xác được chồng hơn mình 2 hay 3 tuổi.

Chuyện tảo hôn, mới lên lớp 8 đã phải bỏ học để làm mẹ - 2
Cho bên con gái 3 tháng tuổi của mình.

Nói về câu chuyện mượn thẻ bảo hiểm của chị dâu để đi sinh đẻ ở bệnh viện, Cho khá ngập ngừng rồi đáp: "Khi đó em không biết gì, mẹ chồng em là người làm thủ tục cho em".

Nhìn con của Cho kháu khỉnh, chốc chốc lại nở nụ cười ngây thơ khiến ai cũng động lòng, không biết tương lai của đứa nhỏ rồi đây sẽ ra sao khi bố mẹ của cháu bé còn quá trẻ.

Không giống như những cặp vợ chồng tảo hôn khác là chống đối khi cán bộ của xã đến vận động, chị Vừ Thị Chợ, 21 tuổi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cho biết học hết lớp 9 chị đã nghỉ học, lúc lấy chồng chị còn thiếu vài tháng nữa mới đủ tuổi 18.

"Nhà bố mẹ đẻ của em ở xã Giàng Chu Phìn, cách nhà chồng 15 cây số, nhưng trong một lần đi chơi Tết em và chồng đã gặp và yêu nhau, một năm sau thì quyết định lấy nhau, khi đó em còn thiếu vài tháng nữa mới đủ tuổi kết hôn.

Sau khi xã phát hiện, đã xuống nhà phân tích cho cả hai hiểu rằng làm như vậy là vi phạm pháp luật, nên em đã nghe theo và về lại nhà bố mẹ đẻ.

Trong quá trình chờ đủ tuổi kết hôn, chúng em vẫn giữ mối quan hệ yêu đương, hàng ngày em chạy qua gia đình chồng để đi làm nương cùng bố mẹ chồng, chỉ không được ở lại buổi tối thôi, đến giờ chúng em đã có với nhau được một cháu", Chợ cười.

Chuyện tảo hôn, mới lên lớp 8 đã phải bỏ học để làm mẹ - 3
Gia đình vợ chồng anh Vàng Mí Pí và chị Vừ Thị Chợ.

Anh Vàng Mí Pó (chồng của chị Chợ) chia sẻ thêm, mặc dù cuộc sống của gia đình đang khá hạnh phúc, nhưng kinh tế vẫn rất khó khăn khi anh chưa có công ăn việc làm ổn định.

"Em học xong lớp 12, định học tiếp lấy cái nghề nào đó, nhưng vì nhà không có điều kiện nên không thể theo được, không giống như bạn bè cùng trang lứa khác, 21 tuổi em mới lập gia đình vì ý thức được rằng lấy sớm sẽ không đủ chín chắn, bản thân mình chưa lo nổi cho mình thì sao lo nổi cho vợ con, ấy vậy mà đến giờ cuộc sống của hai vợ chồng vẫn còn rất khó khăn.

Em muốn khuyên chân thành rằng, mọi người rằng cố gắng học tập, sau này vững chắc kinh tế rồi mới nên tính đến chuyện lập gia đình, đừng theo những hủ tục của thế hệ đi trước để rồi đói nghèo vẫn quanh quẩn, bám theo mình cả đời", Vàng Mí Pó nói.

Từng khởi tố hình sự vụ tảo hôn

Trao đổi với PV, Thượng tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết, tình trạng tảo hôn ở huyện Mèo Vạc những năm gần đây giảm dần. Theo thống kê, năm ngoái có khoảng 160 cặp, nay năm giảm xuống còn khoảng 60 cặp.

"Từ khi công an chính quy về xã đã tăng cường, công tác tuyên truyền, cộng thêm sự vào cuộc mạnh của các cấp, các ngành thì tình trạng tảo hôn đã giảm.

Ở địa phương có hủ tục kéo vợ, từ đó liên quan đến việc tảo hôn, nhiều cháu chưa đủ tuổi kết hôn. Tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều nhất vào sau dịp Tết".

Theo Thượng tá Toản, nhiều trường hợp các cháu gái còn rất nhỏ đã bị kéo về làm vợ, ngay sau khi nắm được tình hình, các cán bộ đã xuống tuyên truyền, vận động để người dân tự chấm dứt hành vi, đồng thời sử dụng biện pháp hành chính, hương ước, trục xuất ra khỏi nơi cư trú…

Có trường hợp cháu gái đã có thai, mặc dù cả hai đều yêu nhau, nhưng chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.

Chuyện tảo hôn, mới lên lớp 8 đã phải bỏ học để làm mẹ - 4
Theo ông Toản, nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, do đó việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

"Vào tháng 11/2020, chúng tôi rất đáng tiếc khi phải khởi tố vụ án hình sự 'Hiếp dâm người dưới 16 tuổi', xảy ra ở xã Cán Su Phìn, khi cô gái mới được 12 tuổi 11 tháng 28 ngày, mặc dù không đồng ý nhưng cháu gái này đã bị một đối tượng kéo về làm vợ, sau đó mẹ của cháu gái đã lên công an trình báo sự việc.

Nhận thức của người dân ở đây còn hạn chế, do vậy việc tuyên truyền pháp luật gặp nhiều khó khăn, từ đó rất dễ vi phạm pháp luật, trong đó có tảo hôn.

Hy vọng dần dần từng bước, khi lực lượng công an chính quy về cơ sở sẽ giảm dần nạn tảo hôn, nhất là các cháu hiện nay đang đi học, nhận thức của các cháu sẽ tốt lên", Thượng tá Cao Văn Toản nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm