Chuyển giới: Hành trình rắc rối

Hàng trăm người chuyển giới đang sống cuộc đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt” khi chưa được thừa nhận giới tính thực của mình. Họ luôn khao khát được sống với giới tính mới

Đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết vừa nhận được đơn đề nghị xác nhận lại giới tính của một nam giới ở TP HCM đã sang Thái Lan chuyển giới thành hình hài của nữ. “Chị” này đến một trong những cơ sở y tế được phép xác định lại giới tính đề nghị chứng nhận lại giới tính để đổi tên, đổi hình ảnh trong giấy tờ nhưng kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể là XY (nam) nên không được. “Chị” tiếp tục cầu cứu lên Bộ Y tế nhưng vẫn không xong.

Không được thừa nhận

Ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cho biết Việt Nam hiện có khoảng 600 người đã chuyển giới. Hầu hết họ đi ra nước ngoài chuyển giới nhưng về Việt Nam lại gặp khó khăn khi đổi giấy tờ. Bộ Y tế thường xuyên nhận được kiến nghị, đơn xin công nhận chuyển giới của những người này. Tuy nhiên, theo quy định, việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị nghiêm cấm.

Triển lãm sách về người chuyển giới của ICS - Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của những người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt NamẢNH: ICS

Triển lãm sách về người chuyển giới của ICS- Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của những người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt Nam

“Chúng ta mới chỉ thực hiện xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học. Đó là những trường hợp có bất thường ở bộ phận sinh dục ngay từ khi mới sinh, mang nhiễm sắc thể giới tính XY (nam) nhưng bộ phận sinh dục là nữ hoặc ngược lại, mang nhiễm sắc thể XX (nữ) nhưng có bộ phận sinh dục nam. Những trường hợp này được phép xác định lại giới tính trong hộ tịch, đồng thời được hoàn thiện những thủ tục nhằm công nhận giới tính và thay đổi giấy tờ tùy thân cần thiết” - ông Tuấn giải thích. Theo ông, Bộ Y tế đã chỉ định 3 bệnh viện: Việt Đức, Nhi trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) được tham gia xác định giới tính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) - cho rằng việc cấp đổi lại giấy tờ đối với các trường hợp chuyển giới có thể gián tiếp vi phạm Luật Hôn nhân - Gia đình và Bộ Luật Dân sự dù thực tế có rất nhiều người đã chuyển đổi giới tính.

“Việc nhà nước chưa có quy định cho phép thay đổi lại giới tính trên giấy tờ sau khi chuyển giới khiến người trong cuộc gặp nhiều khó khăn. Ngay cả người thi hành luật pháp cũng khó nhận diện đối tượng theo hình trên CMND. Theo quan điểm của tôi, nếu nhà nước thừa nhận vấn đề chuyển giới là quyền dân sự thì nên quy định trong Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Nếu Bộ Luật Dân sự coi việc chuyển giới là quyền dân sự thì các vấn đề sau đó chỉ là thủ tục” - ông Khanh bày tỏ. Ông cũng khẳng định hiện chưa có cơ sở nào để cấp lại giấy tờ cho người chuyển giới.

Ủng hộ công nhận chuyển giới

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết dù pháp luật chưa cho phép chuyển đổi giới tính và chưa công nhận người chuyển giới nhưng thực tế, Việt Nam đã có nhiều người ra nước ngoài chuyển đổi giới tính vì khát khao được sống đúng, sống thật với giới tính của mình.

“Dù Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức đề xuất công nhận chuyển đổi giới tính nhưng cá nhân tôi nghiêng về phương án thừa nhận cho người chuyển giới” - ông Quang nói. Tuy vậy, ông cũng cho rằng nếu pháp luật công nhận chuyển giới thì cần đề ra những quy định chặt chẽ về điều kiện, kiểm tra tâm lý cẩn thận để xác định giới tính thật của người muốn chuyển đổi giới tính.

Theo PGS-TS Trần Ngọc Bích, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam ở lĩnh vực phẫu thuật cơ quan sinh dục, về mặt y học và kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc chuyển giới. Tuy nhiên, vấn đề là luật pháp chưa cho phép. Vì thế, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề này trong luật và xây dựng các quy định hợp lý để sớm giải quyết cho những trường hợp đã đi nước ngoài chuyển giới.

Tính đến nay, đã có trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Riêng khu vực châu Á, có 5 nước thừa nhận vấn đề này là Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal, Thái Lan.

Sống “ngoài vòng pháp luật”

Theo TS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường (iSEE), cho dù có được thừa nhận hay không thì người chuyển giới vẫn tìm mọi cách để thực hiện khát khao của mình. Việc này đẩy họ phải sống cuộc đời “ngoài vòng pháp luật”: không có CMND, không sử dụng được tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Người chuyển đổi giới tính phải ra nước ngoài phẫu thuật không chỉ đối diện nguy cơ rủi ro tính mạng mà còn dẫn đến những phức tạp trong xã hội khi giới tính mới của họ không được thừa nhận.

Theo Ngọc Dung

NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm