Chuyên gia phong thủy hướng dẫn cách lau dọn ban thờ đúng cách
(Dân trí) - Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, ban thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hiện nay nhiều gia đình thường chờ đến ngày 23 Tết ông Công, ông Táo mới tiến hành tỉa chân hương và lau dọn ban thờ. Thậm chí, có người còn để chân hương quá nhiều, tầng tầng lớp lớp năm này qua năm khác với quan niệm “chân hương càng nhiều, càng phát tài lộc”. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) đây là quan niệm sai lầm và có phần mê tín dị đoan.
Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, ban thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Việc lau dọn ban thờ hay còn gọi là lễ bao sái cần phải được tiến hành thường xuyên. “Việc lau dọn ban thờ là để bày tỏ lòng thành tâm, hiếu nghĩa, tri ân đối với người đã mất. Bất cứ khi nào thấy ban thờ chưa được trang nghiêm, thanh tịnh thì cần phải tiến hành lau dọn ngay, hoặc việc lau dọn có thể theo định kỳ các tháng, không nhất thiết cứ phải chờ đến dịp cuối năm”, ông Khanh khẳng định.
Trước khi bắt đầu, người dọn dẹp ban thờ phải tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương để “xin phép” thần linh và gia tiên.
Khi lau dọn ban thờ, chú ý lau dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp. Khi lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước hoặc bay màu sơn, có thể dùng loại máy thổi hơi để thổi sạch các hạt bụi trong ngóc ngách. Tuy nhiên, cần tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương. Trong trường hợp có sự cố bất khả kháng buộc phải xê dịch thì sau đó phải làm lễ thắp hương và di chuyển về đúng như vị trí ban đầu.
Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.
“Nên thường xuyên tỉa các chân hương (chỉ để lại 3 chiếc chân hương là được), không nên để nhiều chân hương vì như vậy bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bậm. Đối với các bức tượng bằng đồng, thì không nên lau rửa bằng rượu, cồn, hoặc hóa chất, để tránh cho đồng khỏi bị ô-xi hóa, han rỉ thành màu xanh hoặc nhanh bị xỉn”, ông Khanh nói.
Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, ban thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên
Khi vệ sinh bát hương cần dùng rượu gừng hoặc nước thảo dược, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi đã vệ sinh, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa.
Theo Ts Vũ Thế Khanh, trên ban thờ gia tiên, ngoài hoành phi, câu đối, tượng hoặc ngai thờ, khám thờ, bài vị, ảnh, lư hương, đỉnh đồng… tùy theo hoàn cảnh có thể sắm sửa thì nhất thiết không thể thiếu những thứ sau đó là: bát hương (dùng hương thơm không hóa chất), nước tinh khiết, thanh tịnh, đèn, nến. Nơi đặt ban thờ phải thoáng khí, không gian thanh tịnh, trang nghiêm.
Ngoài ra, đồ dâng cúng như: Hoa quả, bánh trái, trầu cau… trên ban thờ ngoài ý nghĩa bày tỏ lòng thành, sự hiếu kính của con cháu, tín chủ dâng cho gia tiên, tiền chủ, thần linh, hộ pháp còn tượng trưng cho quy luật Nhân – Duyên – Quả trong vũ trụ. Vì thế, các gia đình nên chọn đồ thật để thờ cúng, không nên bày các đồ tanh hôi, sát sinh, hoa quả giả đã thối giữa. Chỉ nên cúng tịnh tài (tiền thật) tịnh vật (đồ cúng phải la đồ thật, còn mới), không nên cúng đồ cũ , đồ mã, tiền giả…
“Phong tục thờ cúng gia tiên là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, đã được hình thành từ rất lâu đời. Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ. Việc cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, các thành viên trong gia đình càng thắt chặt thêm sợi dây huyết thống.
Điều quan trọng khi làm lễ không phải là mâm cao cỗ đây, khoe trương tốn kém mà chính là tấm lòng thành tâm, hiếu kính. Gia chủ khi khấn lễ, thì tâm phải thanh tịnh (thường người ta phải sám hối cho tâm thanh tịnh sau đó mới dâng lời cáo bạch), đồng thời xin phát nguyện làm những điều tốt lành để hồi hướng công đức cho tổ tiên, cha mẹ và người thân”, Ts Vũ Thế Khanh bày tỏ.
Quy trình bốc lại bát hương theo hướng dẫn của chuyên gia phong thủy
1. Lau rửa sạch: Giã gừng cho vào rượu trắng, dùng khăn sạch nhúng rượu gừng và lau bát hương, để khô.
2. Nên: Có cốt (tro đốt bằng rơm nếp, có bán tại các hàng mã) và một trong các thất bảo của nhà Phật (ưu tiên đá quý, ngọc như hổ phách, lưu ly, thạch anh... vì có trường khí cao, mua ở các cửa hàng đá quý).
Không nên: Cho giấy trang kim, hạt nhựa... bán sẵn ở các hàng mã. Cũng không nên cho bùa chú, linh phù... của đạo gia, mật tông... vào bát hương vì sẽ gây ra trường khí âm bất lợi.
3. Rửa tay sạch sẽ, lần lượt bốc bát hương. Thông thường có ba bát cho thần linh, gia tiên và bà cô.
Bốc lần lượt từng nắm cốt vào bát. Để cho yên tâm, Phật gia thường khuyên đếm theo số sinh như "sinh, lão, bệnh, tử". Lần lượt đếm và bốc cho đến khi gần đầy miệng bát. Nhớ nắm cuối cùng dừng lại ở số "sinh".
Không dốc, đổ cho đầy bát hương, mà nên bốc từng nắm. Trước khi bốc bát hương nào thì trong đầu cũng phải nghĩ là "Con ... (họ tên)... xin bốc bát hương cho thần linh (thần linh/gia tiên/bà cô)".
Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ cần bỏ ra.
4. Bốc xong đặt bát hương lên ban thờ. Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải.
5. Sắm lễ: Hoa tươi, quả tươi, nước sạch bày lên bàn thờ. Mở rộng cửa ra vào trước khi thắp hương. Lúc mới đầu mỗi bát hương thắp 3 nén, những lần sau chỉ cần một nén là đủ. Nếu có chân nhang cũ có thể cắm lại mỗi bát 3 chân nhang.
6. Bố trí: Bát hương đã đặt lên ban thờ cần giữ nguyên vị trí, không xê dịch. Sau bát hương là phần thờ cúng, chỉ nên để ảnh gia tiên (nếu có), không bày rượu, vàng mã... ở đây. Tất cả đồ thờ dâng lên (hoa tươi, quả tươi...) cần ở phía trước hay bên cạnh bát hương.
Hiệp Nguyễn