Chuyên gia chỉ ra sai lầm cần tránh trong việc bày mâm ngũ quả ngày Tết

(Dân trí) - Theo chuyên gia văn hóa, điều quan trọng nhất trong việc bày biện không phải là hoa quả đắt tiền hay sự cầu kỳ tốn kém mà là tấm lòng thành tâm, tưởng nhớ đến ông bà Tổ tiên

Ngày Tết, mâm ngũ quả là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình. Theo truyền thống dân gian, thông thường mâm ngũ quả gồm 5 loại quả, có màu sắc khác nhau tượng trưng cho những ước nguyện của người dân trong ngày đầu năm mới. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tổ tiên.

Mâm ngũ quả trong văn hóa người Việt còn được xem là biểu tượng cho thành quả lao động sau một năm vất vả từ nghề trồng trọt hoa màu, cây ăn quả. Những sản vật trong mâm ngũ quả chính là từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động qua từng vụ mùa, để đến khi tết đến xuân sang thì thành kính dâng lên tổ tiên.

DSC01457.JPG

Chuyên gia phong thủy Tam Nguyên cho rằng, điều quan trọng trong việc bày biện mâm ngũ quả là thể hiện được sự tấm lòng thành của gia đình

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia phong thủy Tam Nguyên cho rằng, việc bày mâm ngũ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Trong đó, 5 loại quả đại diện cho các yếu tố “Thuỷ - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ” trong vũ trụ. Ngoài ra, “ngũ” cũng thể hiện ước muốn của người dân trong việc đạt được ngũ phúc lâm môn, đó là: Phú (giàu có), Quý (sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên).

“Từ xưa đến nay, không ai biết chính xác “ngũ quả” gồm những quả gì, nên tùy vào đặc trưng mỗi vùng miền, người ta sẽ chọn những quả ngon ngọt, màu sắc đẹp, to tròn để bày biện”, chuyên gia phong thủy Tam Nguyên nói.

cach-bay-mam-ngu-qua-ngay-tet_5.jpg

Mâm ngũ quả thể hiện tấm lòng thành tâm của người Việt trước ban thờ ông bà Tổ tiên và ước nguyện về một năm mới an lành, nhiều tài lộc. Ảnh minh họa

Cụ thể, mâm ngũ quả của người miền Bắc có 5 loại quả với các màu sắc khác nhau như: Chuối, táo (màu xanh); Bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt (màu vàng); hồng, táo tây, ớt (màu đỏ). Roi, mận, đào hoặc lê (màu trắng). Hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận (màu đen). Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành, vì vậy mâm ngũ quả cũng phải phối theo theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối đặt ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác. Trên đó có thể là quả bưởi hoặc quả phật thủ có màu vàng để mong phú phú tài lộc, sự may mắn và bình an. Những quả nhỏ hơn như cam, quất… sẽ xếp xen kẽ xung quanh để mong muốn một năm mới ấm no và sung túc.

Trong khi đó, ở miền Nam mâm ngũ quả thường thấy là các loại: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm (dứa)… đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung".  Khác với miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả, kể cả quả ớt mang vị cay xè đều có thể bày lên bàn thờ, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt; thì người miền Nam lại kiêng kỵ bày một số trái cây đặc biệt là chuối.

“Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết”… nên cũng ít gia đình ưa chuộng”, chuyên gia Tam Nguyên lý giải.

Ở miền Trung, người dân không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính Tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…

Trước ý kiến cho rằng, mâm ngũ quả ngày Tết bắt buộc phải có đủ 5 loại quả với các màu khác nhau như trong truyền thống, chuyên gia Tam Nguyên cho rằng điều này là quan niệm cứng nhắc. “Do trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu nệ nguyên tắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả””, chuyên gia Tam Nguyên chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho rằng, các sản vật bày trong mâm ngũ quả ngày Tết điều quan trọng nhất là phải được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thể hiện lòng thành tâm.

“Việc bày biện mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong ngày Tết cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam. Dù sinh sống ở phương trời nào, người dân Việt vẫn không quên tục lệ này trong dịp Tết Nguyên Đán. Điều quan trọng nhất trong việc bày biện không phải là hoa quả đắt tiền hay sự cầu kỳ tốn kém mà là tấm lòng thành tâm, tưởng nhớ đến ông bà Tổ tiên”, chuyên gia Tam Nguyên nói.

Ý nghĩa một số loại trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết theo quan niệm dân gian:
- Bưởi, dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

- Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

- Đu đủ: Mang đến sự thịnh vượng đủ đầy.

- Hồng, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

- Lê (hay mật phụ): Vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

- Lựu: Nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.

- Na (hay còn gọi là mãng cầu): Ứng với chữ "cầu" thể hiện ước mong.

- Nải chuối xanh như bàn tay ngửa: Hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

- Quả phật thủ: Giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che cho các số phận con người.

- Quả trứng gà (người miền Nam còn gọi là Lê-ki-ma): Lộc trời.

- Táo: Có nghĩa là phú quý.

- Thanh long (rồng mây hội tụ) thể hiện sự phát tài phát lộc.

- Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.

- Xoài có âm na ná như “xài”: Để cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Hiệp Nguyễn