Chuyện đời cụ bà 38 năm mưu sinh bằng nghề nhặt rác
Mặc trời đang mưa như trút nước, dướichân cầu Long Biên, Hoàn Kiếm, Hà Nội, vẫn thấy một bà lão mặc chiếc áo mưa mỏng tang,dáng người còm cõi, mắt một bên mù, bên còn lại mờ, đôi chân tập tễnh, đang lomkhom giũ từng chiếc túi ni lông từ trong đống rác...
38 năm “thân cò” lê bước mưu sinh dưới gầm cầu
Cũng giống như bao mảnh đời lênh đênh bị dòng đời nghiệt ngã “đánh” dạt về xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên, bà Nguyễn Thị Sinh đã trải qua những năm tháng vất vả, lận đận mưu sinh với nghề nhặt rác, gom phế liệu. Bà Sinh quê ở thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, rời quê lên Hà Nội kiếm sống từ năm 1977, khi cô con gái đầu lòng chỉ vừa mới được hai tháng tuổi. Bà nuôi con gái mình lớn cũng chính bằng nghề thu gom phế liệu.
Đến xóm ngụ cư ven chân cầu Long Biên, không ai là không biết đến bà Sinh, người dân ở đây thân thương gọi bà bằng cái tên “bà Què”. Về “sự tích” tên gọi ấy, bà chia sẻ: “Một lần, vì mải chạy theo nhặt tấm bìa mà xe ô tô đánh rơi, sợ mình chậm chân để người khác nhặt được, bà bị ngã và sai khớp gối. Dù đau nhưng bà cố chịu, cuối ngày mới về nhà xem lại. Hồi đó không có tiền mua thuốc, nên bà chỉ xoa chút dầu gió bên người. Mãi không chịu chữa chạy nên nó lại hóa ra như thế này”.
Ngồi trầm ngâm, đôi mắt rưng rưng, bà kể: “Bố mẹ bà mất từ sớm, mấy chị em gái tần tảo rau cháo nuôi nhau. Khi được 20 tuổi, bà được chị gái gả cưới cho một người ở làng trên, chưa bao giờ gặp mặt. Mặc dù đã cố gắng cật lực làm việc nhưng gia đình nhà chồng quá khắt khe. Thời gian làm dâu ngắn ngủi nhưng đã hai lần bà bị chị dâu dìm đầu xuống chân ruộng chỉ vì xích mích nhỏ. Khi sinh đứa con gái đầu lòng, gia đình nhà chồng lại càng ghét ra mặt, bà bị nhà chồng đánh đuổi phải ra nhà kho của làng để ở. Cuối cùng, không chịu đựng được gia đình nhà chồng, bà một mình ôm đứa con còn đỏ hỏn lên Hà Nội kiếm sống”.
Nhớ lại những ngày đầu lên Hà Nội, bà Sinh không kìm nổi nước mắt. Những tháng ngày cùng cực ấy, không nhà, không có tiền, chỉ một mình bà nhặt rác kiếm sống để nuôi con. “Không ít lần bà phải nhịn đói nhiều hôm liền. Không có tiền nên không đủ sữa cho con bú. Mỗi lần nghe cái Gái (con bà) khóc đòi sữa bà lại không kìm được nước mắt, rồi hai mẹ con lại ôm nhau ngồi khóc”.
Một lần gặp lại người làng cũ, bà hỏi thăm về gia đình, được người này cho biết, không lâu sau khi bà ôm con bỏ đi, chồng bà đã tái hôn với một người phụ nữ khác. “Mãi cho đến năm ngoái bà mới cùng con gái tìm về quê hương, người thân của bà, tưởng bà đã mất còn lập ban thờ”, bà Sinh kể mà đôi mắt đã đỏ hoe.
Bà Sinh cho biết, trước năm 1992, bà thu gom phế liệu bên chợ Đồng Xuân, sau đó do người thu gom phế liệu bên ấy đông quá nên phải chuyển sang bên chợ hoa quả Long Biên. “Sống quá nửa đời người ở Hà Nội nhưng chủ yếu là ở ngoài đường, cho đến gần chục năm nay bà mới thuê trọ và dọn về xóm này để sống”, bà chua chát kể.
“Còn nhặt đến khi nào bên mắt kia mù nốt...”
Khi cả thành phố còn im lìm chìm trong giấc ngủ, bà Sinh đã lọ mọ, tập tễnh lê đôi chân đi qua mọi ngóc ngách, cửa hàng, những thùng rác để bới tìm phế liệu. Bà ra chợ đêm nhặt từng chiếc túi nilon, bìa carton, thùng xốp, lon bia. Khi đã nhặt hết rác trong chợ, bà trở về hẻm dẫn vào xóm ngụ cư để giặt túi nilon, phơi khô rồi gom lại bán. “Vất vả như vậy nhưng thu nhập chỉ khoảng 30.000 đồng/ngày, ngày cao nhất cũng chỉ 50.000 đồng”, bà bộc bạch.
Bà chia sẻ thêm: “Những ngày nắng, nhiều người cũng đi nhặt nên bà thu gom không được nhiều. Ngày mưa lầy lội như hôm nay ít người đi, thì bà còn kiếm được nhiều phế liệu. Trời càng mưa thì càng phải đi, ông trời còn thương nên chưa ốm trận nào to cả, chỉ sụt sùi vài buổi rồi cũng tự khỏi, những hôm ấy vẫn còn đi làm được”.
Hỏi thăm về bà Sinh, cô Vân sống cùng phòng bà cụ nói: “Bà cụ là người lớn tuổi nhất xóm trọ nghèo và cũng là người vất vả nhất. Con gái lấy chồng xa, cũng chẳng khá giả gì nên cũng chẳng giúp được nhiều. Ngày nào cũng thế, cụ thức dậy từ sớm cặm cụi gom rác, trưa về ăn vội miếng cơm rồi lại tất tả đi ngay”.
Cô Lan sống cùng phòng với bà Sinh nói thêm: “Tuy là đã ngoài 70 tuổi, mắt không còn rõ, chân tập tễnh, nhưng bà Sinh vẫn đội lên đầu cả một chồng phế liệu hơn 30kg. Cứ vậy bà đem từ mọi ngóc ngách về phòng trọ, rồi lại đem từ phòng trọ tới nơi thu mua phế liệu bán kiếm tiền”.
Khi được hỏi bà còn ý định gắn với nghề này bao lâu, bà cười tít mắt, lộ rõ hai hàm răng cái còn cái mất: “Nghề này nặng nhọc thật, nhất là ở cái tuổi gần đất xa trời như bà. Nhưng bà đã ở với nó bằng cả tuổi đời con gái bà, giờ không làm nó nữa thì bà cũng nhớ lắm. Con gái bà lấy chồng rồi, nhưng cũng chẳng dư dả gì. Hàng tháng nó gửi tiền bà cũng chẳng cầm, còn cho thêm để về nuôi ba đứa nhỏ còn đang ăn học. Thương con, thương cháu, nên bà sẽ còn nhặt đến bao giờ bên mắt kia nó mù nốt, cái chân còn lại cũng què luôn thì bà mới “xin” nghỉ”.
“Giờ bà chỉ muốn mình cứ như thế này thôi, đủ sức để ngày nào cũng kiếm được 50 nghìn, đỡ đần cho con cháu phần nào hay phần ấy”, bà Sinh bộc bạch.
Theo CAND