Chuyện đằng sau video xúc động mẹ bầu 8 tháng Cao Bằng bốc vác cả tấn hàng

Minh Nhân

(Dân trí) - Dù đang mang bầu 8 tháng nhưng mỗi lần có người thuê bốc vác, chị Diễm đều tìm đến xin làm. Nhiều người khuyên nghỉ ngơi chờ sinh, nhưng chị nói "ở nhà không làm ra tiền, vừa khổ mình vừa khổ chồng".

Mẹ bầu 8 tháng bốc vác cả tấn hàng

Ngày 18/2, tài xế xe tải Hoàng Văn Khánh (33 tuổi, sống tại phường Đề Thám, TP Cao Bằng) đăng tải đoạn video về "một thai phụ 8 tháng vẫn bốc vác cả tấn hàng vì cuộc sống mưu sinh".

Trong đoạn video, người phụ nữ liên tục bốc vác từ một đến hai bao tải, sau đó trèo lên xe tải xếp dỡ hàng hóa. Bụng bầu lớn, khuôn mặt bơ phờ và mệt mỏi của chị khiến nhiều người thương xót.

Đoạn video nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với hơn 5 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt tương tác và bình luận. Nhiều người bày tỏ thương cảm với hoàn cảnh của mẹ bầu 8 tháng.

Video mẹ bầu 8 tháng bốc vác cả tấn hàng ở Cao Bằng (Nguồn: Nhân vật cung cấp).

"Đúng là nhìn lên thì chẳng bằng ai mà nhìn xuống thì cũng nhiều người khổ hơn mình. Nhìn vừa thương vừa xót chị quá, em bé sau này sinh ra chắc chắn phải thương mẹ nhiều nhé", tài khoản An Thảo bình luận.

"Thương thật sự, bụng bầu to vậy đi lại chút thôi ngồi thở cũng mệt nữa là mang vác nặng. Chúc chị nhiều sức khỏe, mẹ tròn con vuông", người dùng Thu Hà viết.

Trong khi đó, nhiều ý kiến chỉ trích người chồng "để mặc vợ bầu làm việc nặng nhọc".

"Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, cuộc sống cơm áo gạo tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Chắc chị này có chồng cũng như không nên phải lam lũ, cực nhọc đến vậy", tài khoản Như Quỳnh viết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Khánh cho biết thai phụ trong đoạn video là chị Hoàng Thị Diễm (30 tuổi), có chồng là anh Chu Văn Tải (33 tuổi). Cả hai không có công việc ổn định, hiện sống cùng bố mẹ vợ tại phường Sông Hiến (TP Cao Bằng).

Mỗi lần đánh xe tải chở hàng, anh Khánh đều gọi anh Tải đến bốc xếp hàng vào kho, tạo công ăn việc làm.

"Thấy Diễm mang thai những tháng cuối, tôi không muốn thuê, nhưng cô ấy luôn đòi đi theo chồng để cùng làm", anh Khánh nói.

Chuyện đằng sau video xúc động mẹ bầu 8 tháng Cao Bằng bốc vác cả tấn hàng - 1

Khoảnh khắc chị Diễm bốc vác 2 bao tải hàng hóa (Ảnh cắt từ video).

Mỗi xe tải chở trung bình 20 tấn hàng, chia đều cho 4-5 người bốc vác. Có ngày, chị Diễm bốc được 4 tấn hàng trong vòng 2-3 tiếng. Anh Khánh nhiều lần động viên chị ở nhà chờ ngày sinh con, nhưng thai phụ không nghe, bảo "kiên quyết làm được".

Thấy đôi vợ chồng hiền lành, chăm chỉ, thật thà và nhiệt tình làm việc, anh Khánh đăng video lên mạng xã hội để chia sẻ.

Đoạn video 60 giây lan tỏa khắp các hội nhóm, nhiều người gọi điện và nhắn tin cho anh Khánh bày tỏ mong muốn hỗ trợ chị Diễm.

"Nhưng tôi không nhận ủng hộ từ thiện, yêu cầu những ai có tấm lòng hảo tâm trực tiếp liên hệ với vợ chồng Diễm, tránh bị lừa đảo, trục lợi lòng tốt", anh Khánh cho hay. 

"Chồng đi đâu thì tôi theo đấy"

Cách đây hơn một năm, vợ chồng chị Diễm cùng đứa con 5 tuổi chuyển từ xã Bình Dương (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đến sống cùng mẹ đẻ cách đó 20km để thuận tiện xin bốc vác thuê.

Những ngày đầu thấy chồng một mình đi làm mệt mỏi, chị xin đi bốc vác theo, từ  một người chưa biết gì đến thành thạo mọi công đoạn. Trước đây, người phụ nữ cũng từng làm việc tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh nhưng sớm nghỉ do cảm thấy không thích hợp. 

"Ai thuê gì tôi làm nấy để có đồng ra đồng vào, hỗ trợ chồng gánh vác gia đình", chị Diễm nói.

Chuyện đằng sau video xúc động mẹ bầu 8 tháng Cao Bằng bốc vác cả tấn hàng - 2

Khuôn mặt chị Diễm bơ phờ sau mỗi lần bốc vác (Ảnh cắt từ video).

Anh Tải nhiều lần khuyên vợ dừng bốc vác, nhưng chị không đồng ý. Nỗi lo thường trực với mẹ bầu là đóng học phí một triệu mỗi tháng cho con lớn và trang trải chi phí sinh nở sắp tới. 

Chị Diễm nói bụng bầu vượt mặt, không nơi nào nhận làm, chỉ còn đi làm bốc vác - công việc quen thuộc hơn một năm qua. Vì không khuyên được thai phụ "cứng đầu", anh Khánh bất lực để chị làm việc, tạo điều kiện tùy theo sức khỏe. 

Mỗi ngày, vợ chồng chị Diễm kiếm được 400.000-500.000 đồng từ công việc bốc vác. Họ gửi con lớn cho bà ngoại chăm sóc, nhờ đưa đến trường mầm non gần nhà. 

Những ngày nhàn rỗi, người vợ đi làm ruộng, nói "ở nhà không làm ra tiền, vừa khổ mình vừa khổ chồng". Bản thân chị cũng không muốn nhờ đến khoản tiền bán rau ít ỏi hàng ngày của mẹ đẻ. 

"Từ ngày được mọi người biết đến, nhiều người liên hệ hỗ trợ, cũng có người nhắn tin mắng chồng nhưng tôi bỏ ngoài tai. Chồng đi đâu thì tôi theo đấy, cố gắng làm việc lo cho gia đình, cứ đi làm bao giờ đẻ thì nghỉ", người phụ nữ tâm sự.