Chuyện chưa kể về tuổi thơ nghèo khó và thời "ôm bóng đi ngủ" của Quang Hải
(Dân trí) - Trước khi trở thành một trong những ngôi sao đáng xem nhất của bóng đá Việt Nam, cầu thủ sinh năm 1997 từng bắt đầu chơi bóng ở sân làng và trải qua tuổi thơ nghèo khó.
Năm 2018 được xem là năm thành công của Quang Hải. Không chỉ cùng đồng đội lọt vào bán kết Asiad, giành ngôi vô địch AFF Cup 2018, Quang Hải còn vinh dự giành giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam. Trước khi trở thành một trong những ngôi sao đáng xem nhất của bóng đá Việt Nam, cầu thủ sinh năm 1997 từng bắt đầu chơi bóng ở sân làng và trải qua tuổi thơ nghèo khó.
Quang Hải sinh ra trong một gia đình có hai anh em trai ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội). Hải là con út, từ nhỏ đã bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với trái bóng tròn. Chia sẻ với PV Dân trí, bà Dương Thị Cúc từng tiết lộ, ngay từ khi 2 tuổi, dù chưa nói sõi, đi còn lẫm chẫm nhưng mỗi lần có bóng là Hải lại say sưa, thích thú luyện tập.
“Nhà tôi ở cuối làng, đối diện là sân bóng đá. Mỗi khi có trận đấu của các anh chị lớn tuổi là Hải rất hào hứng, dù làm gì cũng bỏ ngay ra xem bóng đá. Lớn hơn một chút, khi lên 4, 5 tuổi, hễ các anh ra sân là con cũng nằng nặc đòi vào đá cùng. Lúc ấy, Hải còi, bé nên các anh chị ban đầu không dám cho chơi chung nhưng thấy em đòi dữ quá cuối cùng cũng đồng ý. Đây là sân bóng chứng kiến những cú sút đầu tiên của con”, bà Cúc kể.
Thời điểm đó, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng bà Cúc từng phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Chính vì thế, dù biết con đam mê trái bóng tròn nhưng gia đình cũng không có điều kiện để sắm cho con một quả bóng da tử tế.
“Có lần, quả bóng nhựa của con bị rách, Hải xin tôi mua một quả bóng da. Khi đó nhà nghèo quá, tôi giải thích với con là nếu mua bóng da mẹ phải mất 2 ngày công làm việc, thế là Hải không đòi nữa. Về sau thương con quá, tôi cũng cố tiết kiệm dành dụm mua tặng con. Con vui lắm đi đâu cũng mang quả bóng theo cùng”, bà Cúc xúc động nhớ lại.
Kể về niềm đam mê của con trai, ông Nguyễn Quang Thuần, bố Hải cũng cho biết, Hải đam mê, yêu thích bóng đá đến nỗi khi còn nhỏ, có lúc con ôm khư khư trái bóng tròn đi ngủ, nhất quyết không cho bố mẹ cất đi. Năm lên 6 tuổi, Hải đã cùng anh trai đi đá các giải thiếu nhi của làng. Đây cũng là cơ duyên đưa Hải đến với con đường thi đấu bóng đá chuyên nghiệp.
“Thời điểm đó, gần như ở làng có giải đấu nào con cũng tham gia. Dù thấp bé nhất đội nhưng Hải thi đấu nhiệt tình lắm, liên tục được mệnh danh là “vua phá lưới”, ông Thuấn nói.
Trong gia đình Quang Hải là người ít nói nhưng tình cảm, anh thường hay tâm sự chia sẻ với mẹ
Ông Thuấn thừa nhận, cả hai vợ chồng ông từng kỳ vọng con trai sẽ học giỏi và thi đỗ vào một trường đại học để có công việc ổn định. Chính vì thế, lúc con còn nhỏ, thấy con nhiều khi đam mê bóng đá quên cả học hành, vợ chồng ông đã rất giận.
“Có lúc con mải chơi bóng, không học bài, vợ tôi đã phải đưa ra hình phạt, nếu con không đảm bảo việc học ở trường sẽ cấm con đá bóng. Thời điểm đó, việc thi đấu chuyên nghiệp hay trở thành cầu thủ vẫn là một thứ xa vời mà cả hai vợ chồng đều chưa bao giờ dám nghĩ đến”, ông Thuần nói.
Năm Quang Hải lên 9 tuổi, sau khi đá giải huyện Đông Anh cậu được mời lên đội bóng của Sở Thể Dục thể thao Hà Nội để bồi dưỡng, luyện tập. Đây cũng là lần đầu tiên Hải xa gia đình. Nhớ lại thời điểm này, ông Thuần không giấu nổi xúc động, cho biết đó là một quyết định khó khăn của cả gia đình.
“Lúc biết con là người duy nhất của làng được chọn đi bồi dưỡng thi đấu chuyên nghiệp, cả hai vợ chồng mừng lắm nhưng cũng lo bởi lẽ Hải còn quá nhỏ, lại chưa từng xa bố mẹ bao giờ. Lần đó, đưa con lên tập trung về, cả hai vợ chồng đều nằm khóc vì thương và nhớ con. Trong khi đó, gọi điện về cho bố mẹ, Hải mếu máo nhưng vẫn cứng cỏi bảo: Con không nhớ nhà”, ông Thuần kể.
Từ bé Quang Hải đã đam mê trái bóng tròn và tham gia vào các giải đấu thiếu nhi
Trong mắt của bà Dương Thị Cúc, Hải ngoài đời ít nói, nhút nhát và có phần trầm tính nhưng con lại rất tình cảm. Trong gia đình, Hải thường tâm sự với mẹ. Xa gia đình từ nhỏ, bận rộn với các giải đấu chuyên nghiệp nhưng hễ có thời gian rảnh, được nghỉ ngơi là cậu lại gọi điện về hỏi thăm sức khỏe cả nhà. Tiền có được sau các giải đấu, Hải cũng không tiêu mà để dành tích cóp gửi về giúp đỡ gia đình. “Căn nhà 3 tầng là tiền của Hải dành dụm gửi tiền về xây dựng”, bà Cúc tự hào.
Trong căn nhà khang trang ở xã Xuân Nộn, cả gia đình Hải dành riêng không gian phòng khách để trưng bày các huy chương, bằng khen, thành tích của cậu trong các giải đấu. Những ngày qua, khi Hải cùng đồng đội giành ngôi vô địch AFF Cup 2018, căn nhà của gia đình luôn tấp nập những đoàn khách ghé thăm, chúc mừng. Không chỉ có những cổ động viên ở Hà Nội, nhiều người ở các tỉnh xa như Bắc Ninh. Hưng Yên, Bắc Giang… cũng bắt xe về chơi. Có thời điểm khách đông đến nỗi, quá nửa đêm vẫn tấp nập những đoàn khách vào ra.
Nói về thành công của con trai, bà Cúc xúc động cho biết Hải đã phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả những chấn thương dai dẳng. “Mỗi lần con thi đấu, gặp va chạm bị đau trên sân cỏ, cả gia đình lại “đứng ngồi, không yên”. Nhiều khi tôi phải quay mặt đi, hoặc bỏ ngang trận đấu vì xúc động và thương con. Có lúc đi ngủ, nằm nghĩ lại tình huống con đau đớn trên sân cỏ mà nước mắt lại trào ra, không thể ngủ tiếp được. Mỗi giải đấu con tham gia, tôi gần như mất ngủ vì hồi hộp và lo lắng”, bà Cúc xúc động.
Bà Cúc nói tiếp, bà luôn dặn dò Quang Hải không được tự mãn sau chiến thắng mà phải luôn nỗ lực, cố gắng để không phụ lòng tin yêu của người hâm mộ.
“Lần nào con về, tôi cũng nhắc nhở con không được ngủ quên trên chiến thắng. Tôi muốn Hải đứng vững trên đôi chân của mình và luôn luôn phải tỉnh táo, nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới”, bà Cúc nói.
Hiệp Nguyễn