Chuyện chưa biết về cậu bé được Tổng Bí thư Tô Lâm bế ở Nga
(Dân trí) - Trong khi cùng mẹ có mặt tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moscow, Nga, bé Trần Đức An đã có vinh dự được Tổng Bí thư Tô Lâm ân cần bế trên tay.
Khoảnh khắc vinh dự và xúc động
Mới đây, cư dân mạng chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh một cậu bé vinh dự được Tổng Bí thư Tô Lâm bế tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moscow (Nga), khi Tổng Bí thư và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến dâng hoa.
Trong đoạn video, cậu bé hát ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng, thể hiện khả năng nói tiếng Việt rất tốt và gửi lời kính chúc sức khỏe tới Tổng Bí thư giữa tiếng vỗ tay của những người có mặt.

Khoảnh khắc Tổng Bí thư Tô Lâm bế bé Trần Đức An (Ảnh: Chung Lê).
Đoạn video đã nhận được 1,2 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Các ý kiến bình luận đều bày tỏ sự xúc động trước khoảnh khắc ý nghĩa. Nhiều người cho rằng đây sẽ là kỷ niệm đẹp và dấu ấn đặc biệt đồng hành cùng cậu bé suốt cuộc đời.
"Cảm ơn gia đình cháu bé đã dạy con về tình yêu với Tổ quốc từ nhỏ. Mong rằng thế hệ trẻ dù ở bất kỳ đâu cũng luôn giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ và hướng về quê hương", một tài khoản bình luận.
"Hình ảnh quá đẹp và ấn tượng. Đây là niềm vinh dự không phải ai cũng có được", một cư dân mạng viết.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Mai Phương Loan - Việt kiều đang sinh sống tại Nga - xác nhận cậu bé được Tổng Bí thư Tô Lâm bế ở Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là con trai thứ hai của chị. Bé tên là Trần Đức An, sinh năm 2020.
Căn hộ của gia đình chị Loan nằm cách Tượng đài Bác Hồ khoảng 200m. Chiều 10/5 (theo giờ Nga), biết tin Tổng Bí thư và phu nhân sẽ tới dâng hoa, hai mẹ con đã có mặt trước 1 tiếng để chào đón.
Theo mẹ của bé Đức An, khi Tổng Bí thư và phu nhân bước vào quảng trường, Đức An lễ phép chào. Tổng Bí thư dừng lại, nắm tay bé và ân cần hỏi han.
"Sau khi dâng hoa, trước lúc bước lên ô tô, Tổng Bí thư đã bế con trai tôi. Khoảnh khắc đó thật sự xúc động. Tôi chỉ mong đưa con đến đây để bé hiểu hơn về lòng yêu nước, hoàn toàn không nghĩ cháu vinh dự được Tổng Bí thư quan tâm như vậy", chị Loan bày tỏ.
Tối 10/5, sau bữa cơm, cả gia đình quây quần bên nhau xem lại khoảnh khắc xúc động. Lúc hình ảnh xuất hiện trên màn hình, cậu bé quay sang nói với mẹ: "Con vui lắm mẹ à".
Cũng có mặt tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moscow vào giây phút đó, chứng kiến khoảnh khắc Tổng Bí thư Tô Lâm bế bé trai và ân cần hỏi han, chị Lê Thị Phương Chung (quê Hà Tĩnh) - người Việt đang sinh sống tại Nga - vô cùng xúc động.
"Khi bé trai được Tổng Bí thư bế và hát vang ca khúc ca ngợi Bác Hồ, phu nhân nắm chặt tay em bé vì sợ tay em lạnh. Lúc đó ngoài trời chỉ 10 độ C, nhưng chúng tôi đều cảm thấy ấm áp bởi sự ân cần và quan tâm của Tổng Bí thư cùng phu nhân", chị Chung kể.
Cũng theo chị Chung, nhiều ngày trước, qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, chị và các kiều bào biết tin Tổng Bí thư và phu nhân đến dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chí Minh nên đã sắp xếp công việc đến quảng trường chờ đợi.
Ngay khi mới tới nơi, bà của cháu bé đã khoe với chị rằng, cháu đã học thuộc bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng và mong muốn được hát cho Tổng Bí thư nghe. Trong lúc cháu bé hát, chị đã dùng điện thoại quay lại đoạn video để làm kỷ niệm cho gia đình và cộng đồng người Việt tại Nga.
"Đây là kỷ niệm rất đẹp với tất cả chúng tôi", chị Chung nói.
Gia đình mong các con luôn hướng về quê hương
Nói về con trai, chị Loan nhận xét, bé Đức An ngoan ngoãn, năng động, thích nói tiếng Việt và khám phá thế giới xung quanh. Gia đình luôn quan niệm để các con được phát triển tự nhiên, không tạo sự gò bó hay ép buộc trong ăn uống hay vui chơi.
Gia đình Đức An có 3 thế hệ cùng sinh sống tại thủ đô Moscow (Nga). Cách đây 30 năm, ông bà của cậu bé bắt đầu làm ăn ở Nga. Hiện, vợ chồng chị Loan là chủ chuỗi nhà hàng bán phở với 12 chi nhánh tại xứ sở Bạch Dương.
Dù đã mang quốc tịch Nga, nhưng trong sâu thẳm trái tim, mọi thành viên của gia đình vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ.
Hai vợ chồng chị đặc biệt coi trọng việc nuôi dạy 3 con trai gìn giữ bản sắc dân tộc, kiến thức về lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào về Việt Nam từ khi còn nhỏ.
"Ở trường, các con của tôi đều học tiếng Nga. Về đến nhà, các thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Tôi có quan điểm, dạy con nói tiếng Việt trước để bé có thể phát âm trôi chảy.
Vài năm nữa, tôi sẽ dạy con bảng chữ cái tiếng Việt và kỹ năng đánh vần để bé thành thạo 2 thứ tiếng", người phụ nữ này kể.

Đức An và mẹ chụp ảnh tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moscow (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Vào các dịp 19/5 - ngày sinh nhật Bác Hồ, Quốc khánh 2/9 hay Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4... người phụ nữ này đều đưa con tới Tượng đài của Người ở Moscow để các cháu hướng về cội nguồn của dân tộc.
Ngoài ngôn ngữ, các phong tục tập quán của Việt Nam cũng được gia đình chị Loan gìn giữ hàng ngày, từ cách chào hỏi, thói quen ăn uống đến nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán. Bữa cơm hàng ngày của gia đình cũng luôn mang đậm hương vị Việt, với các món ăn truyền thống.
"Gia đình tôi thường xuyên ăn món Việt Nam, rất ít khi ăn đồ Tây. Các món ăn như thịt kho, rau luộc, canh... của Việt Nam đều được các con yêu thích, đón nhận rất tự nhiên", chị Loan bộc bạch.
Cách đây ít ngày, khi đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đến Nga tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga (9/5/1945-9/5/2025), gia đình bé Đức An cùng bà con kiều bào đã tới Quảng trường Đỏ với hy vọng được nhìn thấy các chiến sĩ.

Đức An (áo xanh, đội mũ đen, hàng đầu tiên) cùng bố mẹ và gia đình đi xem tổng duyệt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Do an ninh thắt chặt nên chúng tôi không được gặp các chiến sĩ Việt Nam. Dù vậy, tôi muốn các bé được hòa vào không khí rạo rực niềm vui, lòng tự hào của bà con kiều bào. Đó là cách để các cháu cảm nhận về lòng yêu nước", mẹ của bé Đức An chia sẻ.
Ngày 9/5, do không được vào quảng trường nên cả gia đình quây quần theo dõi trên màn hình tivi. Khi đoàn Việt Nam bước qua khán đài, các bé cùng hò reo, vẫy cờ Việt Nam trong tiếng vỗ tay xúc động.

Bé Đức An có thể phát âm tiếng Việt trôi chảy, rõ ràng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mùa hè tới đây, vợ chồng chị Loan dự định đưa các con về Việt Nam chơi. Đây là dịp để người mẹ trẻ giới thiệu cho con về các di tích lịch sử, truyền thống của dân tộc.
"Con trai đầu 8 tuổi đã có vài lần về Việt Nam. Đức An và em út chưa có dịp về quê hương vì dịch Covid-19 kéo dài, bố mẹ bận rộn với công việc kinh doanh. Năm nay, chúng tôi đưa các cháu về quê, hy vọng đây sẽ là chuyến đi có ý nghĩa", chị Loan chia sẻ.