Chúng ta có vô tình đánh mất đi tuổi thơ như ý của con?

(Dân trí) - “Áp lực”của xã hội hiện đại đang chuyển từ cha mẹ sang con cái, nó có thể làm mất đi cả một tuổi thơ đúng nghĩa và một tương lai như ý cho con.

Là phụ huynh, ai cũng mong con có một tuổi thơ hạnh phúc, ở đó trẻ được tự do khám phá, vui chơi. Nhưng cũng lại xuất phát từ mong muốn con mình sau này sẽ có một sự nghiệp vững chắc và một tương lai ổn định, chính phụ huynh vô tình lại tạo nên cho con em mình rất nhiều áp lực.

Áp lực học hành

So với thế hệ ông bà, cha mẹ, trẻ em hiện nay chịu khá nhiều áp lực từ việc học. Thậm chí, các bé chưa vào lớp 1 đã phải chịu áp lực về việc phải biết đọc, biết viết trước cho theo kịp bạn cùng lớp. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần ở trẻ.

Rồi vào bậc tiểu học, các em đã phải tiếp thu một khối lượng kiến thức khổng lồ trên lớp và ngoài lớp với các môn phụ đạo. Sau một ngày mệt nhoài ở trường, các bé còn phải hoàn thành rất nhiều bài tập về nhà. Thậm chí bố mẹ cũng phải ngồi học kèm đến khuya.

Thay vì dành thời gian trò chuyện, thư giãn cuối ngày, cả nhà cùng nhau căng thẳng “chiến đấu” với một lượng bài tập đồ sộ. Áp lực học hành tiếp tục tăng cao khi các em bước vào cấp 2, cấp 3 với những cạnh tranh về điểm số, thứ hạng cùng nhiều kỳ vọng của cha mẹ về trường chuyên, lớp chọn. Đặc biệt là những năm cuối cấp hay khi chuẩn bị thi lên đại học.

Chúng ta có vô tình đánh mất đi tuổi thơ như ý của con? - 1

Áp lực còn đến từ việc các em phải học những môn mình không yêu thích theo đúng định hướng chọn trường, chọn nghề của cha mẹ. Rất nhiều trẻ bị biến thành “vật thí nghiệm” và sự giải tỏa cho kỳ vọng và cả mặc cảm của phụ huynh. Với sự bào chữa là mong con không khổ như đời của cha mẹ, giúp cha mẹ làm những điều mà họ chưa thực hiện được, hay chỉ đơn giản là giúp bố mẹ được nở mày nở mặt khi có con làm những “nghề danh giá” theo quan niệm xã hội xưa cũ.

Việc phải chịu áp lực học hành, thi cử trong khi thiếu đi những cơ hội để sẻ chia cùng người lớn hoặc các chuyên gia tâm lý mang đến nhiều rủi ro cho trẻ em và vị thành niên. Theo tổ chức Unicef, áp lực học hành là một trong những nguy cơ hàng đầu đối với việc hình thành ý nghĩ tự tử ở trẻ.

Áp lực “Con nhà người ta”

Giới trẻ hiện đại còn phải gánh chịu một tác động rất lớn từ việc bị so sánh với con hàng xóm, con đồng nghiệp, hay các bạn học cùng lớp. Người lớn vô tình tạo thêm sức ép lên chính con mình với câu nói quen thuộc “Con cô này ở cơ quan mẹ vừa giành giải Tiếng Anh thành phố!” hay “Bạn kia lớp con lại đứng nhất lớp, sao điểm của con lúc nào cũng lẹt đẹt?” Điều này không chỉ gây tổn thương sâu sắc cho trẻ mà còn khiến trẻ tự ti, có tâm lý xa lánh bạn bè.

Khi so sánh như vậy, phụ huynh đã vô tình đặt giá trị của “người khác” lên chính đứa con của mình sinh ra, khiến con không “dám” sống đúng với bản thân và phát triển hết tài năng tiềm ẩn hay sức sáng tạo vốn có của chúng. Từ đó con cũng không mạnh dạn đưa ra ý kiến riêng của mình, không vượt qua định kiến mà chịu ảnh hưởng của những khuôn mẫu, áp lực xung quanh.

“Học gì cũng được, miễn là con vui!”

Sống như ý là quyền và nguyện vọng của tất cả mọi người trong xã hội hiện đại, được sống đúng với mong ước, ý muốn của bản thân mình, được chọn lựa những con đường phù hợp với cá tính và tố chất riêng của cá nhân mình. Chỉ khi đó, một người mới cảm thấy thưc sự thoải mái phát huy được năng lực bản thân và sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Và con trẻ sẽ chỉ thật sự phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần khi được thỏa sức sáng tạo và được khuyến khích, động viên làm những điều mình thích.

Chúng ta có vô tình đánh mất đi tuổi thơ như ý của con? - 2

Việc định hướng để trẻ coi trọng giáo dục và kiến thức là cần thiết. Tuy nhiên, nếu người lớn biến việc học trở thành một “cuộc chiến thành tích” về thứ hạng, điểm số, con trẻ sẽ thêm chán ghét trường lớp. Vậy nên, phụ huynh cũng cần biết cách mang đến động lực để trẻ học thật tốt. Hãy để trẻ học theo sức của mình, học từ những hoạt động ngoại khóa hay sinh hoạt nhóm, học từ những chuyến du lịch hay những trải nghiệm thực tế, và học từ chính việc được tự do theo đuổi những sở thích và đam mê của mình.

Phụ huynh có thể dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với con từ đó khuyến khích tạo điều kiện cho con theo đuổi sở thích và phát huy sở trường của mình, từ ca hát, hội họa cho đến nấu ăn, thể thao, v.v thay vì gò ép bắt con học thật giỏi toán, văn, ngoại ngữ. Ở một chiều ngược lại, nếu như “con nhà nghệ sĩ” mà lại đam mê công nghệ, kỹ thuật, hà cớ gì bố mẹ cứ phải bắt con trở thành một nghệ sĩ bất đắc dĩ?

Chúng ta có vô tình đánh mất đi tuổi thơ như ý của con? - 3

Trên thực tế, hiện tại ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh đã cởi mở hơn, tôn trọng quyền cá nhân hay sở thích riêng của con hơn. Ngoài việc hỗ trợ con tìm hướng đi riêng, họ còn tạo cảm hứng, chất xúc tác tuyệt vời giúp con nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Học Gì Cũng Được Miễn Là Con Vui

Mỗi người có một cuộc đời để sống và một con đường để đi. Nếu yêu thương, hãy đón nhận và sẻ chia để ai cũng được “sống đúng như ý muốn” của mình – can đảm, mạnh mẽ sống cuộc sống mình mơ ước với nhiệt huyết và đam mê.