Chui vào chuông chùa để… giải nghiệp: Mê tín thái quá, làm mất tôn nghiêm

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, chuông, lư hương, hay tượng Phật… chỉ là các vật thờ mang tính biểu trưng chứ không phải vật gì linh thiêng mà chạm vào để được phúc, hay chui vào là được giải nghiệp.

3 cô gái đi lễ chùa đầu năm chui vào chuông gây tranh cãi

Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh 3 cô gái chui vào trong chuông chùa để giác ngộ. Bên ngoài, một người mặc áo nâu gõ vào chuông, tiếng chuông ngân vang, các cô gái chui trong chuông im lặng, người mặc áo nâu tiếp tục gõ thêm vài lần nữa vào chuông rồi mới dừng lại.

Người mặc áo nâu sau đó đứng bên ngoài cũng chắp tay cầu niệm. Ba cô gái ngồi trong chuông vẫn ngồi im lắng nghe. 

Chui vào chuông chùa để… giải nghiệp: Mê tín thái quá, làm mất tôn nghiêm - 1

Ba cô gái chui vào trong chuông (Ảnh: Cắt từ clip).

Trước đó, trên các nền tảng mạng xã hội những ngày đầu năm, một số tài khoản cũng đăng các clip giải nghiệp dưới chuông chùa. Hình ảnh được ghi lại cho thấy, một số người dân khi đi lễ chùa đã ngồi phía dưới những quả chuông lớn, tay chắp trước ngực lầm rầm cầu khấn.

Hành vi chui vào bên trong hoặc ngồi dưới chuông nhằm mục đích giác ngộ, giải nghiệp lập tức nhận được nhiều ý kiến bình luận.

Chủ tài khoản Ngọc Hà bày tỏ quan điểm rằng, xưa nay tiếng chuông nơi cửa Phật luôn giúp thức tỉnh bản giác của con người đó là tính thiện, tính từ bi hỷ xả, lòng vị tha… Nghe tiếng chuông giúp lòng người tĩnh lặng, thư thái. Còn chui hẳn vào chuông như thế mong để mong giác ngộ, giải nghiệp thì quả thực quá... nhảm nhí.

Cư dân mạng Võ Minh Trí thì thể hiện sự lo lắng: "Đứng từ xa nghe tiếng chuông văng vẳng còn được chứ chui hẳn vào trong chuông thì có mà đau hết cả đầu cả tai. Đôi tai và bộ não phải chịu âm lượng ở tần số lớn, không tránh khỏi việc tai bị ù, đầu choáng váng. Đó là chưa có kể chiếc chuông nặng treo lủng lẳng, ngộ nhỡ rơi xuống thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?".

Chui vào chuông chùa để… giải nghiệp: Mê tín thái quá, làm mất tôn nghiêm - 2
Một cảnh giác ngộ, giải nghiệp dưới chuông được cư dân mạng chia sẻ (Ảnh: Cắt từ clip)

Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến trái chiều khẳng định, việc chui vào trong chuông là bình thường. Có thể, những người chui vào chuông chùa nghĩ rằng, tiếng chuông sẽ đánh bay đi những gì ưu phiền nên họ không ngần ngại chui vào.

"Khi ở phía trong chỉ nghe thấy âm thanh rất nhỏ. Người nam chui vào chuông thì bên ngoài gõ 7 tiếng, người nữ chui vào chuông thì bên ngoài gõ 9 tiếng", nick name Tuấn Nam bình luận.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc chui vào chuông chùa là không đúng tinh thần nhà Phật. Đó có thể chỉ là hành động tự phát của một nhóm người, họ nghĩ rằng làm như thế có thể là giải được nghiệp cho nhau. Song thực chất, theo giáo lý nhà Phật, việc làm này không có ý nghĩa gì cả.

"Tiếng chuông của nhà chùa là tiếng chuông tỉnh thức, đem đến sự giác ngộ và mỗi người cần tự tâm lắng nghe. Hành động chui vào không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn thể hiện sự mê tín của con người", Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, chuông, lư hương, hay tượng Phật… chỉ là các vật thờ mang tính biểu trưng chứ không phải là vật gì linh thiêng mà chạm vào để được phúc, hay chui vào là được giải nghiệp, thoát mọi tội lỗi. Nhiều người hiện nay cứ cố tạo ra các "truyền thuyết", tự suy nghĩ ra các cách đi lễ, cúng bái không đúng với tinh thần nhà Phật khiến cửa chùa mất đi sự tôn nghiêm.

Hòa thượng Thích Gia Quang cũng nhắn nhủ rằng, khi đi lễ chùa đầu năm, mọi người nên giữ cái tâm trong sáng, thể hiện sự tôn kính với Phật thánh, ăn mặc trang nghiêm, nói năng hành xử từ tốn. Khi trong tâm ta có lòng thành kính thì Phật chứng giám dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào.