Đắk Nông:

Chông chênh nghề nuôi cá trên hồ thủy điện

(Dân trí) - Người mỗi năm một ít, số hộ làm nghề chài lưới còn bám trụ trên lòng hồ thủy điện nay sống tập trung thành ba xóm chài nhỏ với trên 30 nóc nhà, trong đó hầu hết là anh em.

Sáng sớm, tiếng xuồng máy đã huyên náo cả một góc của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Những chiếc xuồng chở cá tươi, ốc, cua… mới đánh bắt đêm qua được người dân mang vào bờ chờ thương lái đến thu mua.

Vì thiếu thức ăn nên anh Thanh chỉ nuôi cá trong một nửa số lồng của gia đình
Vì thiếu thức ăn nên anh Thanh chỉ nuôi cá trong một nửa số lồng của gia đình

Ngồi nhâm nhi ly cà phê trong lúc chờ thương lái, anh Trần Văn Nghĩa (45 tuổi) tâm sự: “Tranh thủ mùa này nước lớn, người dân chúng tôi thả lưới, giăng câu để bắt cá, bắt cua, kiếm thêm thu nhập. Bây giờ giá cá nuôi xuống thấp, thương lái lại ép nên ban đêm hai vợ chồng đi đánh cá tự nhiên, nếu bán được thì may ra đủ tiền mua gạo ăn trong một tuần”.

Bán cá xong, anh Nghĩa đưa chúng tôi ra thăm xóm chài nhỏ nơi gia đình anh cùng chục hộ dân khác sinh sống. Xóm chài nằm khuất sâu trong những hòn đảo lớn nên phải mất gần 1 tiếng đồng hồ đi xuồng máy, chúng tôi mới ra được tới nơi.

Chị Trương Thị Loan (vợ anh Nghĩa), với gương mặt của người thiếu ngủ lâu ngày, đang nằm trên ru đứa con nhỏ ngủ cũng ngồi dậy trò chuyện với khách. Người mẹ hai con kể, khi mới đến, người dân khắp nơi tụ tập về đây đông vui lắm. Ngày ấy tiếng xuồng máy, tiếng người nói chuyện không ngớt cả ngày lẫn đêm. Cuộc sống tuy vất vả, nguy hiểm nhưng người về ngày càng nhiều, có năm lên đến cả trăm hộ.


So với những năm trước, thủy sản đánh bắt tự nhiên trong hồ giảm đáng kể

So với những năm trước, thủy sản đánh bắt tự nhiên trong hồ giảm đáng kể

Tuy nhiên, công việc làm ăn thuận lợi chỉ diễn ra khoảng 3 năm sau khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước. Sang đến năm thứ tư, dân trong làng chài này lần lượt rời đi nơi khác vì thủy sản trong hồ đã cạn kiệt, không còn đủ thức ăn cho cá nuôi trong khi đó nước hồ cũng bị ô nhiêm nặng.

Chị Loan tâm sự: “Những năm đầu việc nuôi cá rất thuận lợi, thương lái đến tận bến cá để mua. Môi trường ở đây nuôi cá rất phù hợp, cá mau lớn, thịt thơm ngon vì cá ăn thức ăn tự nhiên như cá sơn, tôm, tép. Có lúc, tôi xuất bán được hơn 4 tấn với giá gần 37 triệu đồng/tấn, thu lãi hơn một nửa. Vậy mà sau gần 5 năm gắn bó với nghề, giờ nguồn cá tạp trong lòng hồ đã cạn kiệt, cá nuôi cả năm mới xuất bán được”.

Đối diện với căn nhà của gia đình chị Loan, là nhà anh Trần Văn Hà (45 tuổi). Hơn một năm nay, gia đình anh cũng chỉ nuôi cá ở một nửa số lồng. Chủ bè nuôi cá thác lác này cho hay: “Hầu hết các hộ nuôi cá ở đây phải dựa hoàn toàn vào nguồn thức ăn tự nhiên nhưng nguồn này ngày càng cạn kiệt nên phải tìm đến thức ăn công nghiệp. Cá ăn thức ăn công nghiệp thì nhanh lớn nhưng lại dễ bị bệnh, nguồn nước nuôi cũng bị ô nhiễm nên nhiều vụ chúng tôi trắng tay vì cá chết bệnh”.


Để duy trì sản xuất, những hộ dân nuôi cá lồng bè phải nhập thức ăn từ nơi khác vê

Để duy trì sản xuất, những hộ dân nuôi cá lồng bè phải nhập thức ăn từ nơi khác vê

Chỉ tay về phía những chiếc bè cá bị bỏ trống trên mặt nước, anh Hà cho biết, đấy là những gì còn sót lại sau khi các chủ lồng bè bỏ đi nơi khác. Phần lớn họ rời đi vì liên tục làm ăn thua lỗ, không đủ vốn để sửa chữa, đầu tư lồng bè mới hoặc tái sản xuất.

Nằm cách xóm chài của anh Hà khoảng 30 phút đi xuồng máy, một xóm chài khác cũng trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ, buồn bã. Theo người dân trong xóm, chỉ cách đây hai năm, nơi đây vẫn còn hàng chục nhà bè nuôi cá, quây quần lại với nhau giống như một “phố nổi” trên mặt hồ...

Thế nhưng, giờ chỉ còn lèo tèo hơn chục nhà bè được các chủ lồng kéo sát vào bờ. Các hộ này cũng đang rục rịch xuất nốt những số cá cuối cùng là tháo dỡ lồng đưa lên bờ, từ giã vùng nước đã gắn bó với họ một thời gian dài với nghề cá lồng.

Ngồi trong chiếc bè xập xệ, cô Nguyễn Thị Thanh (59 tuổi) vừa đan lại chiếc lưới rách, vừa đưa mắt trông chừng mấy đứa trẻ đang nô nghịch trên chiếc ghe. Người phụ nữ này chia sẻ, công việc hàng ngày của cô là đi đánh cá tạp hoặc bắt cua bán cho người trong xóm chài để họ cho cá ăn. Hồi trước cá tạp còn nhiều, mỗi đêm cô cũng bắt được gần 1 tạ, còn bây giờ cô thả 11 cái vó mà chỉ cất được hơn chục kg, thu nhập chưa được 50.000 đồng/ ngày.


Cả làng chài còn vài chục hộ cố gắng bám trụ để mưu sinh

Cả làng chài còn vài chục hộ cố gắng bám trụ để mưu sinh

“Người trẻ, có sức khỏe lại có vốn liếng thì họ kéo nhau đi hồ thủy điện khác để làm ăn, còn tôi thân già nên cố gắng bám trụ ở đây một thời gian nữa, đến khi nào không làm cá được thì về ở với con cái. Gắn bó với nghề sông nước này cả đời người rồi, nói bỏ nhưng cũng chẳng dễ dàng gì”, cô Thanh bộc bạch.

Ông Hoàng Minh Tùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Som (huyện Đắk G’Long) cho biết, sau một thời gian dài khai thác thủy sản có sẵn trong lòng hồ, nhiều hộ dân ở đây lại rủ nhau đi tìm bến đỗ mới. Trong khi đó, những hộ có lồng bè nhưng do sản xuất theo kinh nghiệm, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh nên gần đây việc không mang lại hiệu quả kinh tế cao, khiến họ từ bỏ công việc này.

Còn theo ông Trần Quốc Toàn, trạm trưởng trạm kiểm lâm khi bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, tất cả những hộ dân đang sinh sống trên lòng hồ thủy điện đều thuộc diện di dời. Hiện nay một số hộ đã đi nơi khác, những hộ còn ở lại là do không có đất đai, lại không có vốn liếng nên họ đành chấp nhận nguy hiểm, bám trụ ở đây.

Dương Phong