Chợ ở Sài Gòn, khách đến chỉ việc lấy đồ, không cần trả tiền
Những người đến với chợ 0 đồng ai nấy đều nghèo. Nhưng ở đây, không có ai tham lam, chỉ lấy vừa đủ để dùng.
Những người đến với chợ 0 đồng ai nấy đều nghèo. Nhưng ở đây, không có ai tham lam, chỉ lấy vừa đủ để dùng.
Ông đang bị bệnh - hậu quả sau một lần tai biến - không thể tự mình di chuyển được. Ông ngồi trên chiếc xe lăn chạy điện đi thẳng vào quầy giày của khu chợ 0 đồng bên trong sân nhà thờ Tân Sa Châu - đường Lê Văn Sĩ (P.2, Q. Tân Bình, TP. HCM).
Đôi giày của ông bị rách. Ông muốn có đôi giày mới nhưng nhiều năm qua căn bệnh nghiệt ngã đã khiến cho ông không còn khả năng sắm sửa. Ông điều khiển xe đến quầy giày dừng lại đưa mắt nhìn một hồi lâu.
Cuối cùng ông chỉ tay về hướng đôi giày da trên kệ nhờ một người đứng gần lấy giúp. Ông thử đôi giày rồi quay ra nói như phân trần với người này: 'Tôi vào mấy lần rồi hôm nay mới gặp đôi giày vừa chân. Chân tôi nhỏ quá cũng khó. Đôi giày cũ rách đã lâu, tôi cố chờ đến tận hôm nay mới được'.
Chợ 0 đồng bên trong sân nhà thờ Tân Sa Châu - đường Lê Văn Sĩ (P.2, Q. Tân Bình, TP. HCM)
Gọi là chợ chứ thật ra nơi đây là chương trình từ thiện - trưng bày quần áo, giày dép, cặp sách và đồ chơi con nít - được giáo xứ Tân Sa Châu lập ra từ năm 2016.
Nơi đây tiếp nhận những thứ còn tốt mà bà con không dùng nữa để tặng không cho những ai cần đến, theo đúng châm ngôn 'thừa mang đến, thiếu lấy đi', không ai phải tốn một đồng nào cả.
Nơi nhận hàng bà con mang đến.
Ban đầu, chương trình được thực hiện một năm 2 lần vào tháng 6 và tháng 12.
Sau đó, do ở nhà thờ còn có bếp ăn miễn phí và ăn sáng 2000đ nên khách ra vào khá đông. Đa số đều là người nghèo. Có những người quần áo không lành lặn. Nhìn cảnh đó, không ai cầm lòng được. Vì vậy đến năm 2019, giáo xứ quyết định chợ 0 đồng hoạt động liên tục từ 6h đến 12h các ngày trong tuần, trừ Chủ nhật.
Khách đến chọn món hàng phù hợp với mình.
Chợ đã đông. Người đem hàng đến và người đến lấy thứ mình cần khá nhiều. Chị H. khệ nệ bưng từng bịch quần áo cũ mang vào. Người chị đã đẫm mồ hôi. Chị cho biết nhà chị ở tận xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh). Biết nơi đây có nhận quần áo cũ cho người nghèo nên chị gom góp để mang đến cho bà con.
Vừa treo lên đã có người đến chọn.
Bên trong, những bao hàng đầy ắp do bà con mang đến được xếp thành vòng tròn. Có 4 chị ngồi ở giữa lựa ra từng cái. Các chị cho biết những cái tốt, sạch để riêng. Những quần áo còn lành nhưng bẩn sẽ được giặt lại. Quần áo rách có thể vá thì vá không thì đành phải bỏ.
Chọn xong, quần áo được cho vào một chiếc xe đẩy. Một người đàn ông đẩy ra ngoài dùng móc treo từng chiếc áo chiếc quần lên giá đỡ. Khách cứ thế mà chọn lựa.
Trong lúc mọi người đang say sưa ngắm từng chiếc áo chiếc quần, ở một góc nhỏ, một bé trai đang chăm chú chọn đồ chơi. Những món đồ chơi bằng nhựa đủ loại lớn nhỏ được trải đầy trên đó. Bé thích lắm, muốn ôm lấy hết nhưng mẹ của bé ngăn lại: 'Còn rất nhiều bạn thiếu đồ chơi như con. Con chỉ lấy một món nào con thích nhất thôi. Còn để cho các bạn khác nữa, con nhé'.
Khách cùng nhau chọn giày.
Thằng bé vùi đầu vào người mẹ nó rồi thỏ thẻ, 'mẹ ơi con thích chiếc máy bay. Con lấy nhé'. Mẹ bé gật đầu rồi 2 mẹ con rời khu chợ. Ngang qua chỗ để cặp, đứa trẻ dừng lại. Nó ngắm nghía tỏ vẻ thích thú. Người mẹ nói với nó, 'hôm trước mẹ lấy cho con cái cặp đi học rồi. Con còn muốn lấy nữa sao?'. 'Không mẹ ơi, con thấy cặp đẹp con ngắm thôi'. Sau đó, hai mẹ con vui vẻ nắm tay nhau rời chợ 0 đồng.
Khách đến mỗi lúc một nhiều. Anh Minh 50 tuổi, nhà ở Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) chạy xe ôm cho biết, anh đông con quá, vợ lại bệnh. 'Công việc chạy xe cũng chỉ đắp đỗi qua ngày. Ăn còn nhịn huống chi là mặc. Cũng may, nhờ chợ 0 đồng này tôi có được vài chiếc áo lành lặn lịch sự, đỡ một khoản tiền lớn'.
Tìm cho con chiếc cặp đi học.
Tại chỗ bày giày dép, mọi người cũng đang tìm cho mình một đôi giày, một đôi dép vừa ý.
Những người đến với chợ 0 đồng ai nấy đều nghèo. Nhưng ở đây, không có ai tham lam, chỉ lấy vừa đủ để dùng. Người thừa mang đến, người thiếu lấy đi, cứ thế mà hết ngày này qua tháng nọ.
Ông Trần Viết Hợp, Giám đốc Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Sa Châu cho biết, sự có mặt của chợ 0 đồng đã giúp được nhiều người cùng khổ. Ở đây, chúng tôi không phân biệt tôn giáo, ai cần cũng có thể vào lấy về dùng. Cái chúng tôi cần là những người có nhu cầu đến với chợ 0 đồng nên là những người nghèo, những người cơ nhỡ. Có như vậy, mới giúp được bà con khốn khó vượt qua được giai đoạn ngặt nghèo trong cuộc sống.
Theo Vietnamnet