"Chợ người" ế ẩm, người lao động đứng ngồi chờ khách

Phi Hùng

(Dân trí) - Từ sáng sớm, những người lao động tự do ở Hà Nội đã có mặt khắp các địa điểm quen thuộc như chân cầu vượt Mai Dịch, dốc Bưởi, dốc Ngọc Lâm... để chờ đợi người đến thuê.

Nhưng có người ngồi cả buổi rồi lại lủi thủi bước ra về vì..."ế khách".

"Chợ người" - đó là cái tên quen thuộc mà người ta vẫn thường gọi khi nhắc đến các khu vực này. Ở đây những người dân nghèo từ khắp các vùng quê đổ về Thủ đô tập trung lại một chỗ, họ sẵn sàng bán sức lao động của mình làm đủ các thứ nghề từ dọn dẹp nhà cửa, bốc vác, phụ hồ... miễn sao kiếm được tiền lo cho gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới.

Tại khu vực dốc Bưởi, ngay từ sáng sớm, dưới thời tiết se lạnh pha chút sương mờ, một đống lửa lớn đã được đốt lên, cạnh đó khoảng hơn mười người đàn ông đứng chụm lại vừa sưởi ấm, vừa nói chuyện để "giết" thời gian trong lúc chờ khách.

Chợ người ế ẩm, người lao động đứng ngồi chờ khách - 1

Người lao động tự do đang chờ người đến thuê 

"Đứng cả ngày ở đây mà không có lửa sưởi ấm lạnh lắm, chú ở đâu tới vậy? Có thuê chúng tôi việc gì không? Việc gì cũng làm, miễn sao có tiền", một người hỏi.

Đó cũng là những cụm từ quen thuộc, chỉ cần thấy người lạ dừng lại bên ven đường, thì tất cả những ánh mắt ở "chợ người" đều đổ dồn về, ai nấy cũng đều chạy tới thật nhanh, chưa cần khách lên tiếng, cả đám cùng đồng loạt mời chào: "anh cần làm gì đó, em nhanh nhẹn lại khỏe lắm, mấy nay chưa có khách nào anh mở hàng cho em đi...".

Chợ người ế ẩm, người lao động đứng ngồi chờ khách - 2

Người đứng người ngồi chờ đợi khách bên đống lửa lớn.

Rồi cứ thế, những lời mời chào có lúc làm xôn xao cả một góc phố, những người được thuê thì mặt rạng rỡ chạy theo khách tới chỗ làm, số còn lại quay về chỗ với tâm trạng đầy ưu tư.

Chợ người ế ẩm, người lao động đứng ngồi chờ khách - 3
Mỗi khi có khách, tất cả đều chạy lại để tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình.

Ông Biên (52 tuổi) thở dài chia sẻ: "So với những năm trước, thời điểm giờ này, chúng tôi làm không hết việc, nhưng năm nay có lẽ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19 mà chẳng mấy ai thuê. Chú bảo kinh tế không có thì lấy đâu mà thuê với mướn, thành thử có ngày đứng cả buổi mà không có khách lui tới".

Tại khu vực dốc Ngọc Lâm (đoạn gần Cầu Long Biên), sau khi đứng cả buổi không có ai thuê, ông Nho (50 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) cùng "đồng nghiệp" quyết định quay trở về xóm trọ để tranh thủ nấu cơm.

Xóm trọ nằm dưới một con dốc cao, chắn xung quanh là những nhà cao tầng, với lối đi nhỏ hẹp, có chỗ rộng không nổi một mét, uốn lượn sâu hun hút vào trong.

Chợ người ế ẩm, người lao động đứng ngồi chờ khách - 4
Xóm trọ ẩm thấp của những người lao động nghèo.

"Xóm có gần 20 phòng trọ, đây là nơi để chúng tôi ngả lưng mỗi khi đi làm về cho đỡ mệt, tránh mưa nắng. Ấy thế mà mỗi tháng, vẫn phải đóng gần một triệu đồng tiền phòng, chưa kể điện nước, một phòng chỉ rộng khoảng 7 m2, kê được cái giường với lối đi nhỏ là hết", ông Nho tâm sự.

Buổi trưa đến, ai nấy cũng đều tất bật chuẩn bị cho bữa cơm. Những câu chuyện vui, nhưng ẩn chứa nỗi lo cơm áo gạo tiền: "Gớm! hôm nay ăn sang thế? Ừ, sáng nay may mắn kiếm được năm chục, nên cải thiện chút ông à, mấy hôm rồi không có việc được mấy cọng rau héo! Còn tôi thì sáng nay không có người thuê phải về tay không, kiểu này chết đói tới nơi rồi", nói là ăn sang, nhưng khi nhìn qua chỗ thức ăn thì thấy toàn là thịt vụn được họ kho mặn để ăn dè.

Chợ người ế ẩm, người lao động đứng ngồi chờ khách - 5
Cả xóm trọ chỉ có một khu bếp chung.

Trong căn phòng tối om, chật chội với nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, trong lúc chờ cơm chín, ông Nho tranh thủ bật chiếc tivi lên xem. "Cả phòng có nó là đáng giá nhất. Những lúc ở phòng tôi hay bật để theo dõi tin tức thời sự ", ông Nho nói.