Chi số niềm tin hạnh phúc của người Việt đã giảm?
Chỉ số hạnh phúc, niềm tin dường như đã sụt giảm nhanh chóng trong cộng đồng người Việt.
Năm 2014 chỉ có 43,9% người được hỏi cho biết họ hạnh phúc, số không hạnh phúc trên 56%.
Đó là một trong những kết quả theo điều tra mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về đặc điểm kinh tế nông thôn trên 2.700 gia đình ở 12 tỉnh thành, công bố ngày 26/8.
Cụ thể, năm 2014 chỉ có 43,9% người được hỏi cho biết họ hạnh phúc, số không hạnh phúc trên 56%, trong khi năm 2012 có đến gần 49,5% người được hỏi cho biết họ hạnh phúc.
Trong khi đó, số người tin tưởng vào cộng đồng đã giảm sút. Khi trả lời về ý kiến “phải cẩn thận, có những người bạn không thể tin tưởng được” thì có 42,5% đồng ý, trong khi năm 2012 chỉ có 41,5% chấp nhận ý kiến này.
Năm 2012 có đến trên 86% người được hỏi cho biết họ tin tưởng vào hầu hết mọi người nói chung và cho rằng hầu hết mọi người là thật thà, hiện nay con số đó chỉ còn trên 81%.
Lý giải về vấn đề này, Ths Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) cho rằng, tình trạng các hộ dân nông thôn thoát nghèo không bền vững là do việc phát triển kinh tế kém ổn định, thu nhập bấp bênh.
Thứ hai, nông dân dễ gặp rủi ro, ngoài vấn đề thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, còn bị tác động bởi các cú sốc bất ngờ ngoài thị trường.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho rằng, để đạt được chỉ số hạnh phúc ở nông thôn Việt Nam, quan trọng nhất là thu nhập. Thời gian qua, thu nhập của hộ dân nông thôn có xu hướng tăng nhẹ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhẹ nhưng chỉ số hạnh phúc lại có chiều giảm.
Nguyên nhân là do những bất ổn về cuộc sống tăng lên như thị trường, giá cả, thiên tai, kết hợp với cơ hội việc làm, sinh kế của người dân khó khăn hơn khi mà việc khai thác tài nguyên ngày càng bị hạn chế. Những điều này đã tạo ra môi trường nông thôn có sự bất ổn.
Để cải thiện chỉ số này, Nhà nước cần có chính sách phát triển sinh kế cho người dân nông thôn trên cả 3 trụ cột là nông nghiệp, phi nông nghiệp và làm công ăn lương. Bên cạnh đó, cần có các chính sách an sinh xã hội, cải thiện dịch vụ xã hội công để các hộ dân dễ tiếp cận hơn.
Điều đáng nói, hồi tháng 5, theo khảo sát mới của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN) trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ), Việt Nam xếp thứ 75 trong số 158 quốc gia trong khi Thụy Sĩ đứng đầu bảng về chỉ số hạnh phúc.
Đây là lần thứ ba Liên Hợp Quốc công bố báo cáo này. Cuộc khảo sát được tiến hành từ năm 2012 đến 2014 tại 158 quốc gia. Trong báo cáo lần thứ hai năm 2013, Việt Nam xếp hạng 63/156.
Để đưa ra bảng xếp hạng trên, các nhà nghiên cứu đánh giá dựa trên các tiêu chí như tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực trên đầu người, tuổi thọ trung bình, chỉ số tham nhũng và tự do xã hội.
Trước đó, năm 2012, theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation- NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh, công bố ngày 14/6, Việt Nam chỉ xếp sau Costa Rica trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
HPI được xây dựng căn cứ 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình khi mới sinh và dấu chân sinh thái.
Chỉ số HPI được công bố lần đầu tiên năm 2006 và lần thứ 2 vào năm 2009. Việt Nam đã liên tục được thăng bậc tại các lần xếp hạng, từ vị trí 12 năm 2006 lên vị trí thứ 5 năm 2009 và vị trí thứ 2 năm 2012, với điểm đạt được lần lượt là 61,2; 66,5 và 60,4 (trên thang điểm 100).
Theo Đất Việt