Chen chân mua rượu nếp, hoa quả ngày Tết Đoan Ngọ
(Dân trí) - Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm. Nhiều người tranh thủ ra chợ từ sớm để sắm đồ về cúng ông bà tổ tiên. Những mặt hàng được chọn mua nhiều nhất trong ngày này là hoa quả, rượu nếp, thịt vịt,...
Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày giết sâu bọ, mang ý nghĩa cầu mong cho mùa màng tốt tươi, ngăn chặn sâu bệnh phát triển. Đây cũng là dịp để con cái cúng lễ, nhớ về ông bà tổ tiên. Tại một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội, ngay từ sáng sớm, hoạt động mua bán đã trở nên tấp nập. Bên cạnh thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, những mặt hàng như hoa quả, rượu nếp, thịt vịt,... đều đông khách và đắt hàng hơn.
Món hàng được nhiều người chọn mua nhất ngày hôm nay là rượu nếp. Hầu như người nào đi chợ cũng đều tìm đến gian hàng này, mua cho gia đình một bát để không khí ngày Tết Đoan Ngọ được tràn đầy. Tại khu chợ Nguyễn Công Trứ, cứ đi vài bước lại có một hàng bán rượu nếp nhưng gian hàng nào cũng rất đông người hỏi mua.
Theo ghi nhận của PV, mỗi người đến mua rượu nếp thường mua từ 05,kg đến 1kg. Giá của mặt hàng này cũng có sự khác biệt giữa các chợ và các tiểu thương. Phổ biến nhất, 1kg rượu nếp thường có giá bán khoảng 50.000 đồng, còn loại nếp cẩm truyền thống có giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng một kg. Rượu nếp cẩm tuy có giá “nhỉnh” hơn so với rượu nếp trắng nhưng do có vị đặc biệt nên được nhiều người chọn mua.
Chị Nguyễn Thị Tuyết- một tiểu thương bán rượu nếp ở chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho hay: "Năm nào cũng thế, cứ đến Tết Đoan Ngọ là tôi lại bày vài thúng rượu nếp bán dần. Trong ngày hôm nay, tôi chuẩn bị sẵn khoảng 4 tạ, dự kiến bán hết trong sáng. Dù mỗi người chỉ mua vài lạng nhưng ai cũng mua rượu nếp trong ngày hôm nay nên bán vẫn rất chạy. Giá rượu nếp dịp Tết và ngày thường vẫn vậy, không có sự chênh lệch".
Không chỉ bán tại các chợ, người dân còn chở rượu nếp đi bán dạo tại các khu phố. Trong ngày Tết Đoan Ngọ, rất nhiều người bán xôi ăn sáng cũng đặt bên cạnh một chiếc nồi đựng rượu nếp. “Mấy năm trước, do khách hỏi nhiều quá nên tôi mới bán thêm món này. Khách hàng trước khi mua xôi sẽ ăn một bát rượu nếp để “giết sâu bọ”. Từ sáng tới giờ cũng bán được gần 10 cân rượu rồi”, chị Hoa (bán xôi trên phố Hòe Nhai) chia sẻ thêm.
Ngay từ 6h30 sáng, một góc trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) trở nên náo nhiệt hơn hẳn bởi hàng chục người vây quanh nơi bán rượu nếp. Người bán bày ra khoảng 6, 7 thùng nhựa loại 220 lít. Dọn hàng từ sớm nhưng chỉ sau gần 2 tiếng, hơn nửa số rượu nếp đã nhanh chóng được bán hết.
Vừa nhanh tay múc sẵn rượu nếp vào từng túi nilon, người chủ hàng vừa nói: “Hôm qua nhà tôi còn bán theo nhu cầu của khách, có thể mua lẻ đến vài lạng, nhưng hôm nay mà bán thế thì không xuể. Tôi cân sẵn từng túi, mỗi túi từ 0.5- 1kg, dù là nếp cẩm hay nếp trắng cũng chỉ có một mức giá. Như vậy vừa tiện, vừa nhanh mà có thể phục vụ cùng lúc cho nhiều người. Năm ngoái, sau ngày Tết Đoan Ngọ, gia đình tôi thu được số tiền lãi khá lớn.”.
Đứng thứ hai trong số các mặt hàng được tìm mua trong ngày này là hoa quả. Một tiểu thương cho biết: "Từ hôm qua đến giờ, người ta chủ yếu đến hỏi mua vải và mận. Vải đầu mùa tuy giá hơi cao nhưng ngon, ngọt và rất đẹp. Giá bán trung bình từ 60.000 đồng một kg vải thường và 100.000 đồng một kg loại ngon, vỏ đẹp, chín đều. Mận có giá rẻ hơn một chút, chỉ từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng một kg”.
Bên cạnh các mặt hàng hoa quả, rượu nếp; thịt vịt cũng được nhiều bà nội trợ chọn mua. Giá mỗi cân vịt đã làm sạch dao động trong khoảng 65.000 đồng - 70.000 đồng/kg. Theo quan niệm dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ ăn thịt vịt sẽ giảm nóng bức trong mùa hè, điều hòa âm dương bởi vịt là con vật gắn liền với sông nước.
Một số hình ảnh không khí mua bán trong ngày Tết Đoan Ngọ:
Bài&ảnh: Hoàng Ngọc