Chát mặn đời muối

(Dân trí) - Từ bao đời nay nghề muối vốn được xem là một nghề truyền thống tại 2 xã An Hòa và Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Mặc dù mới bước vào đầu vụ muối năm 2016, nhưng diêm dân nơi đây lại phải đối mặt với cảnh “được mùa mất giá” khiến họ không còn mặn mà gì với nghề muối.

Hiện tại, trên các cánh đồng muối của hai xã này, người dân vẫn bám nắng sản xuất với sản lượng muối đạt khá cao từ 60 - 70 tấn/ngày. Thế nhưng giá muối lại giảm mạnh chỉ còn từ 900-1000 đồng/kg, thậm chí có lúc bị ép giá xuống còn 300 đồng/kg, trong khi đó, những năm trước giá muối giao động từ 1.600 - 1.700 đồng/kg.

Giá muối quá thấp, bán không được càng làm cho bà con diêm dân mang tâm lý không muốn sản xuất và nhiều hộ gia đình muốn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy hải sản.

Chị Bùi Thị Thư (48 tuổi, xóm Tân Thắng, xã An Hòa) đang vất vả xúc cát được ngâm nước biển đem phơi đổ vào mương.
Chị Bùi Thị Thư (48 tuổi, xóm Tân Thắng, xã An Hòa) đang vất vả xúc cát được ngâm nước biển đem phơi đổ vào mương.

Chị Bùi Thị Thư (48 tuổi) tại xóm Tân Thắng, xã An Hòa cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, trước đều ở nhà làm muối, nhưng nay nghề không còn đủ nuôi sống gia đình, vì thế mà chồng và con gái đầu phải đi làm ăn xa, đứa con trai út năm nay học lớp 7, còn tôi thì vẫn bám víu lấy nghề muối. Làm muối rất cực, mà giá cả thì lại giảm sút mạnh, nhưng cũng như những gia đình khác vẫn không thể bỏ nghề vì đây đã là nghề truyền thống từ bao đời rồi”.

Sản lượng muối làm ra trong một ngày của một hộ gia đình chỉ đạt 1tạ/sào, tương đương với 90.000 - 100.000 đồng/tạ. Trước tình trạng này, nhiều người dân làm muối cũng cho biết, giá muối phải lên mức 3.000 - 4.000 đồng/kg thì họ mới có lãi và phù hợp với sức lao động của bỏ ra trong ngày.

Ông Lê Văn Quyết - Phó chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: “Toàn xã có tới 50% người làm nghề muối, với 600 ha sản xuất và sản lượng muối hằng năm đạt từ 19.000 - 19.500 tấn. Đến nay, 40% diện tích đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy hải sản”.

Thành quả vất vả một ngày làm việc là những khối muối tinh trong nhưng giá thành lại quá thấp khiến người dân nơi đây càng vất vả thêm.
Thành quả vất vả một ngày làm việc là những khối muối tinh trong nhưng giá thành lại quá thấp khiến người dân nơi đây càng vất vả thêm.

Còn ông Trần Ngọc Bình - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận thì cho rằng: “Do giá muối trượt dốc quá mạnh nên người dân bỏ nghề truyền thống đi làm ăn xa. Hai năm nay hơn một nửa diện tích sản xuất muối của xã đã bị bỏ hoang, diêm dân không còn mặn mà với nghề”.

Đứng trước những khó khăn đó, ban lãnh đạo địa phương luôn đốc thúc, động viên bà con duy trì sản xuất muối, nâng cao chất lượng, đồng thời đảm bảo công tác thủy lợi cho bà con trong khâu sản xuất. Nhằm đáp ứng giá muối phù hợp với sức lao động, bà con cùng với cơ quan quan địa phương đã dần đầu tư cơ sở vật chất, đem tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất muối.

Văn Phong