Hậu Giang:

Cay xè mắt trước cảnh đời công nhân ở lò than…

(Dân trí) - Không đất vườn, không nghề nghiệp ổn định nên nhiều hộ dân tại nhiều ấp trong xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) gắn chặt đời mình vào xóm than mưu sinh. Giữa trưa nắng gắt, khói bụi bay mịt mù, nhưng những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc.

Hơn nhiều năm nay, nghề than đã nuôi sống nhiều hộ gia đình tại xã Phú Tân. Cả xã có hơn 600 lò than hoạt động ngày đêm, thu hút hàng trăm lao động tham gia, trong đó có cả phụ nữ. Mặc dù biết khói bụi, cộng với việc lao động nặng thường xuyên làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vì mưu sinh mà nhiều người phải bám nghề kiếm cơm.

Cận cảnh những người công nhân mưu sinh ở lò than.

 

Vợ chồng anh Trần Văn Bay (50 tuổi) ấp Phú Tân, có hơn 3 công vườn trồng cam bưởi, nhưng bị sâu bệnh gây hư hại, giờ không còn cho thu nhập nữa, trong tay lại không có nghề nghiệp gì khác nên cả  nhà 4 người phải đi làm than thuê cho người khác. Vừa buông đòn gánh xuống khỏi vai, anh Bay chia sẻ: “Cũng do vườn cây nhà bị sâu bệnh phá hoại nên cả nhà đến với nghề làm than này hơn 10 năm qua. Nghề này cực nhọc, tiềm ẩn bệnh tình nhưng vì không còn ngành nào khác nên đành buộc chặt đời mình với các nghề suốt ngày cả mình đen đủi này”.

Dù làm công việc bụi bẩn nhưng các công nhân ở đây không ai được trang bị bảo hộ lao động
Dù làm công việc bụi bẩn nhưng các công nhân ở đây không ai được trang bị bảo hộ lao động

Theo anh Bay, mỗi ngày lao động tại đây thu nhập chỉ từ 100.000 – 150.000đồng, nhưng phải làm việc khá vất vả và phải tự lo ăn uống. Tuy phải chịu cảnh khó nhọc như vậy, nhưng còn đỡ hơn những ngày không có việc phải nằm ở nhà. Tính ra, mỗi tháng chỉ có việc làm được khoảng 20 ngày.

Do đặc tính công việc cần lao động làm việc theo nhóm, nên đa phần chủ lò sẽ liên lạc với trưởng nhóm để trao đổi công việc, sau đó nhóm sẽ tập trung lại và nhận việc. Thường đàn ông, thanh niên phụ trách việc gánh than từ lò xuống ghe và ngược lại mang củi từ ghe chất vào lò, còn phụ nữ làm các việc nhẹ hơn như: đập vỏ củi, bưng than từ lò ra đến cửa, phân loại than. Sau đó, đến chiều thì chia tiền ra, tuy công việc nặng nhẹ khác nhau, nhưng do ai cũng phải nuôi gia đình, nên tiền sẽ được chia đều cho từng thành viên trong nhóm, anh Bay cho biết.


Dù công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều bệnh lý nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ vẫn phải làm việc. Có khi hết đời cha rồi truyền lại cho đời con...

Dù công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều bệnh lý nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ vẫn phải làm việc. Có khi hết đời cha rồi truyền lại cho đời con...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (59 tuổi), ấp Phú Tân, làm nghề đập vỏ củi phân trần: “Làm nghề này ngoài việc bị xấu về bên ngoài thì hai mắt và mũi là bị ảnh hưởng trực tiếp. Do môi trường làm việc và ngại đeo khẩu trang nên đa phần người lam than ở đây đều mắc những bệnh lí ở mắt và mũi và chứng đâu nhức khớp do làm việc nặng nhọc… Nhưng vì cuộc sống, bà con nghèo ở đây cũng phải gắng mà làm lo cho cái bụng, lo cho tụi nhỏ có tiền ăn học”.

Nói về thu nhập, bà Sương cho biết, do tuổi cao cộng với việc sức khỏe yếu dần nên công việc chủ yếu của bà bây giờ là đập vỏ cây, với mỗi 1m củi sau khi đập hết vỏ thì nhận được 3.500đồng. Theo bà Sương nếu người nào làm giỏi thì cũng chỉ kiếm khoảng 100.000đồng/ngày.

Với những phụ nữ ít sức khỏe thì làm công việc bổ củi, mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 - 120.000 đồng
Với những phụ nữ ít sức khỏe thì làm công việc bổ củi, mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 - 120.000 đồng

Ông Hồ Văn Dũng, ấp Phú Tân, là chủ của 5 lò than cho biết: “Làm nghề than này chủ, tớ đều đều đen đúa. Nhưng khổ nhất vẫn là công nhân, mỗi một tấn than cho ra lò, mỗi công nhân chỉ được 120.000 – 150.000 đồng. Nhóm nào đông người, làm giỏi thì ngày được khoảng 10 tấn, sau đó chia khoảng 5 – 10 người, mỗi người được tầm 150.000 đồng. Tuy nhiên, công việc có khi không được xuyên suốt, vì nếu chủ lò than không tìm được nguyên liệu tốt, phải tắt lò, tránh lỗ”.

Cũng theo ông Dũng, làm lò than lãi không được cao như những nghề khác, đã vậy có khi còn bị lỗ. Chỉ tay về phía lò than đang chuẩn bị ra củi ông nói: “Lò này, than hư, không đạt vì lúc mua củi còn non. Ước tính lỗ trên 10 triệu đồng. Chi phí nhân công cho mỗi lò là khá cao, từ khi mua củi đến khi thành than thương phẩm là khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng”.

Đây là đứa cháu của vợ chồng ông Bay cũng như nhiều đứa nhỏ khác, vì do không ai trông coi nên khi đi làm vợ chồng ông cũng như các công nhân khác dẫn các em nhỏ theo, mặc cho chúng chơi đùa bụi bẩn như thế này.
Đây là đứa cháu của vợ chồng ông Bay cũng như nhiều đứa nhỏ khác, vì do không ai trông coi nên khi đi làm vợ chồng ông cũng như các công nhân khác dẫn các em nhỏ theo, mặc cho chúng chơi đùa bụi bẩn như thế này.

Chị Cúc, một thương lái thu mua than đến từ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thẳng thừng: “Nghề gì cũng có cái khổ riêng của nó, nhưng nghề than này vừa cực khổ, nặng nhọc, lại còn xấu nữa chứ. Suốt ngày, cả người bị lọ than đóng “đen như quạ”, tối về thở vẫn còn mùi than. Lại thêm việc, chẳng ai mang bất cứ đồ bảo hộ nào hết”.

Tận mắt chứng kiến những người dân nơi đây làm việc mới thấy được hết sự khó nhọc của những người làm nghề than. Và đi kèm theo đó là những nguy cơ bệnh tật luôn tiềm ẩn. Ông Nguyễn Tấn Trung, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cho biết: “Trong địa bàn xã Phú Tân có 625 lò than đang hoạt động. Xóm than đã có từ rất lâu, trên 20 năm, nhiều hộ gia đình nơi đây, theo nghề từ đời này qua đời khác cứ đến lò than làm việc, mưu sinh”.

Nguyễn Trần