Cây bạch mai trăm tuổi "từ linh khí sinh ra", quý hiếm bậc nhất Sài Gòn
Trải qua hơn 100 năm tuổi, cây bạch mai tại chùa Phụng Sơn vẫn cho hoa trắng muốt cùng hương thơm ngào ngạt mỗi độ Tết đến, xuân về.
Chùa Phụng Sơn (Quận 11, TP.HCM) ẩn mình dưới bóng mát của một "rừng" đại thụ. Tuy nhiên, trong số những cổ thụ này, "lão" bạch mai là nổi tiếng hơn cả.
Sau khi cây bạch mai có tuổi đời hơn 300 năm tại chùa Giác Viên (Quận 11) không còn, "lão" bạch mai của chùa Phụng Sơn trở thành cây hoa quý, hiếm bậc nhất TP.HCM.
Hòa thượng Thích Trí Định, Trụ trì chùa Phụng Sơn cho biết, cây bạch mai tại chùa được nhà sư Huệ Minh đem giống từ chùa Cây Mai (còn gọi là Mai Sơn tự trên gò Mai, thuộc Gia Định xưa) về trồng từ năm 1909. Trải qua hơn 100 năm tuổi, cây vẫn cho hoa trắng muốt cùng hương thơm ngào ngạt mỗi độ Tết đến, xuân về.
"Bạch mai tại chùa cho hoa trắng nhưng rất lạ. Không như hoa của các loài khác, hoa bạch mai tại chùa nứt ra từ thân, cành cây. Hoa nhỏ, màu trắng, thường nở về đêm và rất thơm. Hoa thường nở vào dịp Tết, mang mùi thơm nhẹ nhàng nên càng quý", Hòa thượng Thích Trí Định thông tin thêm.
Tìm mọi cách bảo vệ, nhân giống cây quý
Tại chùa Phụng Sơn, bạch mai cổ thụ vút cao khỏi mái chùa. Cây không còn nhiều cành, nhánh lớn mà đã được cắt, tỉa gọn gàng. Phía trên thân cây lớn khoảng 1 người ôm là những nhánh nhỏ, xanh tốt, phủ lên một góc mái chùa.
"Lão" bạch mai được các sư thầy trong chùa Phụng Sơn bảo vệ, chăm sóc chu đáo. Hòa thượng Trí Định cho biết, do tuổi đã cao, một phần gốc cây bị mục ruỗng khiến cây nghiêng, đổ về phía mái chùa. Lo sợ cây quý gãy đổ, bật gốc, chùa đã họp bàn với chính quyền địa phương tìm cách bảo vệ, chăm sóc bạch mai.
Sau khi xử lý phần thân bị ruỗng, sâu bệnh, cây được níu giữ, cố định bằng hệ thống dây cáp chắc chắn. Trụ trì chùa Phụng Sơn kể: "Từ lúc tôi còn bé xíu đã thấy cây bạch mai này. Nhớ ngày thầy tôi còn sống, mỗi năm dịp hoa nở, thầy lại gọi chúng tôi đem khăn, vải ra trải dưới gốc cây để hứng hoa bạch mai".
"Vì hoa nở về đêm nên sáng ra, chúng tôi đến xem đã thấy hoa rụng trắng muốt, hương thơm ngào ngạt. Chúng tôi đem hoa ấy để trong chùa khiến khuôn viên Phụng Sơn tự lúc nào cũng thoang thoảng hương bạch mai", Hòa thượng Trí Định kể thêm.
Cũng theo Hòa thượng Trí Định, sau khi nở hoa, bạch mai cho trái nhỏ, tròn, chín có màu như trái thanh trà. Thuở nhỏ, ông từng nhặt trái của cây bạch mai này ăn thử và thấy vị chua, thanh ngọt nơi đầu lưỡi. Để lâu sau khi lột vỏ, trái bạch mai đổi từ vị ngọt sang chua, đắng rất nhanh.
Gần như sống trọn đời người cùng "lão" bạch mai, sư trụ trì chùa Phụng Sơn nhiều lần chứng kiến cây quý đổ bệnh, héo tàn. Lo sợ bạch mai không thể vượt qua quy luật tự nhiên, ông loay hoay tìm cách nhân giống, ươm hạt, trồng cây con.
Thế nhưng, đúng như người xưa nói, bạch mai dường như tự sinh, tự diệt không chịu sự chăm bón của bàn tay con người. Sau khi nứt mầm, chồi non vươn được quá gang tay người, bạch mai có thể bất ngờ héo úa, rữa thân không rõ nguyên nhân.
Cho đến nay, Phụng Sơn tự chỉ mới trồng thành công một cây bạch mai lấy giống từ "lão" bạch mai trong chùa. Cây này đã ngoài 70 tuổi và nằm cách cây mẹ không xa.
Hòa thượng Trí Định kể: "Tôi cũng tặng hạt, cây con bạch mai cho một số phật tử của chùa. Thật vui mừng, cách đây ít hôm, một phật tử thông báo cho tôi trong hạnh phúc rằng, cây đã sống và ra hoa".
"Phật tử này có gửi ảnh hoa cây đó cho tôi xem. Thế nhưng thật kỳ lạ, hoa của cây không giống với hoa của bạch mai trong chùa. Tôi cũng không hiểu vì sao như vậy", Hòa thượng Trí Định chia sẻ thêm.
Hiện, cây bạch mai của chùa đã già, không còn sung sức như nhiều năm trước. Hòa thượng Trí Định nói, ông từng sợ cây chết, chùa mất đi một "di sản" quý.
Ông nói: "Sau khi cây bạch mai ở chùa Giác Viên chết, TP.HCM gần như chỉ còn cây bạch mai này. Tôi cũng lo một ngày nào đó, vì quá già, cây chết đi. Rất may, từ rễ cây mẹ đã kịp mọc lên một thân cây con. Chúng tôi hết sức vui mừng và đang chăm sóc, bảo vệ cây con này".
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích, bạch mai còn gọi là mai mù u, tên khoa học là Ochrocarpos siamensis thuộc họ Măng cụt. Loài hoa này được nhận định là giống mai quý và hiếm ở miền Nam nên còn có tên gọi là Nam mai.
Bạch mai xuất hiện nhiều trong thơ văn của các tao nhân, mặc khách đất Gia Định xưa.
Các tài liệu lịch sử ghi lại, năm 1847, Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản lúc còn làm Kinh lược sứ Gia Định (Nam Kỳ) từng dựng nhà thủy tạ "Phương Đình" để thưởng thức bạch mai và ngâm vịnh mỗi năm vào dịp Tết.
Bạch mai quý, hiếm đến nỗi, trong Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức ghi rằng: "Mai mù u tự linh khí mà sinh ra, không thể đem đi trồng nơi khác được".